(BQN) - “Đèo nào cao cho bằng đèo Đồng Ngổ/ Bộ nào rộng cho bằng bộ An Ba”*.

Dãy núi bắt đầu từ núi Lớn thuộc xã Hành Tín Đông qua Hành Thiện và kết thúc là núi Dinh Bà thuộc xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), trong đó núi Lớn còn rừng tự nhiên. Núi Cối, núi Giàng ở chân và lưng chừng sườn đều là rừng trồng.

Dãy núi này phân cách địa hình đông tây giữa một phần của huyện Mộ Đức với Nghĩa Hành. Đèo Đồng Ngổ nằm giữa núi Cối và núi Giàng. Từ xa xưa khi còn đường đất, lối mòn này đã là con lộ nối liền xã Đức Phú (Mộ Đức) bên đông và Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) bên tây.

< Đường dẫn vào đèo Đồng Ngổ.

Mỗi địa hình có thuận lợi riêng, các xã ven sông Vệ của Nghĩa Hành hằng năm nhận một lượng phù sa của sông, nên ruộng đồng tươi tốt.
Dulichgo
Suối Bùn là địa danh nổi tiếng đất màu mỡ phì nhiêu, một vùng rộng lớn có nhiều trai thanh gái lịch. Còn bên dưới dãy lợi thế về nước suối khe, cây gỗ, lâm sản rừng và đồng ruộng, đồng đất rộng đến tận chân núi cũng làm nên một vùng quê đẹp yên ả từ bàn tay lao động con người.

Đèo Đồng Ngổ dài gần 2km tính từ chân bên này sang chân đèo bên kia,  có độ dốc hơn 300. Đèo không quanh co uốn lượn nhiều, nhưng cũng khá đẹp, có giá trị nhân sinh, lưu giữ nhiều câu hò, câu hát của chàng trai, cô gái tự buổi xóm làng còn hoang sơ.
Dulichgo
Mùa hạ, tầm quá nửa buổi sáng, nếu du khách đứng ở vị trí quang đãng nào đó bên Hành Tín Tây nhìn về đèo Đồng Ngổ sẽ thấy mây trắng bay qua dãy núi, chạm vào phía đèo chầm chậm trên nền xanh đậm của núi rừng. Hết đám mây này đến đám mây kia theo gió bay không ngớt về phía Trường Sơn. Còn buổi chiều từ cánh đồng đầu xã Đức Phú nhìn lên, mặt trời gác trên đỉnh tạo bóng núi in dài, xa xa mờ sương khói nơi những hố ruộng.

Riêng đèo có con đường nho nhỏ leo lên hướng mặt trời lặn. Con trai con gái bên này sang bên kia núi giao lưu tình cảm, hẹn hò, không ngại đường truông băng rừng tìm đến nhau, rồi kết tóc xe duyên. Hát hố, hát đối đáp nơi xóm nhỏ vùng đèo vẫn còn ngâm nga đến bây giờ: “Thấy anh ăn nói thật thà/ Muốn vô xây dựng cửa nhà cùng anh”.

< Từ đỉnh Đèo Đồng Ngổ nhìn xuống Nhơn Lộc.

Xưa kia khi cây cối còn ngút ngàn, muỗi, vắt... đã làm cho một vài địa điểm vùng chân đèo hai bên cư dân bị ốm đau, tiếng ấy lan xa. “Bất ẩm Thiên Xuân khê”, nghĩa là không uống nước khe Thiên Xuân. Câu nói ấy vẫn còn lưu ở vùng phía tây dãy núi. Giờ đây, Tỉnh lộ 624C từ ngã ba Đồng Cát giáp Quốc lộ 1 tại thị trấn Mộ Đức, qua các xã Đức Tân, Đức Hòa, Đức Phú lên đèo Đồng Ngổ qua xã Hành Tín Đông, nối với tỉnh lộ từ 624B đến đèo Đá Chát gặp Quốc lộ 24, rồi lên Ba Tơ qua Kon Tum.
Dulichgo
Đèo Đồng Ngổ càng trở nên gần gũi với cuộc sống. Dưới chân đèo hai phía dãy núi những xóm làng mới nhà cửa khang trang, đồng lúa xanh tốt, rừng trồng phủ màu xanh lưng chừng núi trở xuống còn đỉnh là rừng tự nhiên. Phối cảnh trời mây, núi rừng và cuộc sống làm nên một Đồng Ngổ đẹp!    

Theo Bùi Văn Tạo (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!

* Đèo mô cao bằng đèo Đồng Ngổ,
Bộ mô rộng bằng bộ An Ba.
Thấy anh ăn nói thiệt thà,
Muốn vô gầy dựng cửa nhà cùng anh!
Ca dao