(BNA) - Những chiếc giàn phơi lúa rẫy từng gắn bó với cuộc sống nương rừng của người vùng cao. Sau khi gặt về người ta xếp lên giàn phơi chờ cho khô hẳn mới chuyển vào kho.

Bản Na Khốm xã Yên Na huyện Tương Dương là bản Thái cổ có lịch sử hàng trăm năm, nơi có nhiều người từng là chức sắc thời phong kiến nay vẫn sống chủ yếu nhờ nghề làm rẫy.

Những ngày cuối tháng 9 âm lịch, gần như cả bản đã gặt xong lúa rẫy. Sau lễ mừng lúa mới người ta dựng những chiếc giàn phơi lúa. Giàn hình hộp hoặc hình thang dựng cạnh nhà bằng nứa và gỗ. Có người thiết kế kiểu hình thang ngược, đáy dưới ngắn hơn đáy trên.

Nói chung tùy thích, chỉ miễn sao cho tiện dụng. Những bó lúa được xếp lên giàn, cuống bó lúa hướng ra ngoài, bông lúa như bị kẹp chặt bên trong giàn nứa. Người miền xuôi quen mắt gọi nôm na là “kẹp lúa”.
Dulichgo
Suốt một thời gian rất dài, những chiếc giàn phơi lúa là một phần cuộc sống của người làm rẫy. Người Thái gọi là “lắc” cất lúa. Những chiếc giàn phơi lúa được dựng khi mùa gặt bắt đầu. Người Thái thường chọn một ngày đẹp để dựng “lắc”. Đó là một ngày trong tuần theo lịch riêng của người Thái. Một tuần có 8 ngày. Người ta gọi đó là ngày “được lộc”.

< Một chiếc kép hình thang ngược của người dân bản Na Khốm, xã Yên Na, huyện Tương Dương.
Dulichgo
Vào ngày đã định, người ta đi chặt tre, nứa, gỗ về dựng giàn phơi lúa. Rẫy gần thì dựng ngay tại nhà. Rẫy xa thì dựng gần chòi canh nương. Lúa gặt xong, người ta gùi về xếp thành từng dãy gọi là liền. Hết một dãy, thợ dựng giàn nẹp xung quanh bằng những cây nứa để giữ cho giàn thêm vững.

Ngày trước, khi muốn biết nhà ai đó năm nay được hay mất mùa, người ta thường hỏi: Chiếc “lắc” lúa của nhà anh cao mấy sải?” Chiếc thấp của nhà ít lúa cũng cao hai sải tay. Chiếc cao nhất đến 3, 4 sải. Nếu lúa quá nhiều người ta làm thêm chiế giàn phơi thứ hai.

< Lúa được chất đầy trên giàn báo hiệu một mùa bội thu.
Dulichgo
Thật tình thì chiếc giàn phơi chỉ là nơi cất tạm lúa rẫy. Sau khi lúa đã khô, người ta sẽ chuyển vào kho. Chiếc kho lúa hình nhà sàn, thường dựng 4 cột. Người ta còn bọc một khoanh nhôm quanh cột để chuột khỏi trèo lên phá lúa.

Trước khi chuyển lúa từ giàn phơi lên kho, dân bản thường tổ chức một lễ nhỏ gọi là lễ nhập kho lúa. Kể từ đó, chiếc giàn phơi coi như đã xong nhiệm vụ của nó. Người ta sẽ bỏ bẵng cho mục nát và sẽ dựng chiếc giàn mới vào mùa lúa sang năm./.

Theo Hữu Vi - Hồ Phương (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!