(KTĐT) - Giữa bạt ngàn những rẫy cà phê và xa xa là cánh đồng điện gió, sân bay Tà Cơn yên bình trong ánh ban mai. Ít ai biết rằng, cách đây 55 năm về trước, nơi đây ghi dấu một thuở hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Khu di tích sân bay Tà Cơn thuộc địa phận thôn Hòa Thành , xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, sân bay Tà Cơn cách thị trấn Khe Sanh khoảng 5km.

Với địa hình như một thung lũng lòng chảo được bao bọc xung quanh những đồi núi, sân bay Tà Cơn là một trong những căn cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 -1968 tại chiến trường Khe Sanh.

Sân bay Tà Cơn 1967

Gần biên giới lại án ngữ Quốc lộ 9 nối liền từ Đông Hà (Việt Nam với Nam Lào), nơi đây có một vị thế chiến lược quan trọng về quân sự không chỉ trên chiến trường Quảng Trị mà còn cả khu vực Đông Dương.

Toàn cảnh sân bay Tà Cơn năm 1968 nhìn từ trên cao.

Chính vì vậy, Khe Sanh được quân đội Mỹ sử dụng như một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ. Sân bay Tà Cơn được xây dựng với mục đích cho các máy bay trinh sát kiểm tra, chỉ điểm cho nhiều họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh..v.v.

Bảo tàng đường 9 - Khe Sanh trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn giữa núi rừng hùng vĩ.

Đặc biệt, nằm trong tuyến hệ thống hàng rào điện tử Mc. Namara được trải dài từ biển Cửa Tùng lên đến vùng biên giới, căn cứ Khe Sanh được xác định là trung tâm. Thế nên, quân đội Mỹ xây dựng một tập đoàn phòng ngự kiên cố nhất của Mỹ ở vùng địa đầu miền Nam Việt Nam gồm các cứ điểm: Làng Vây – Chi khu quân sự Hướng Hóa – cụm cứ điểm phòng ngự sân bay Tà Cơn.

Những mảnh bom từng dội xuống vùng đất Khe Sanh -  Hướng Hóa.

Và cụm cứ điểm Tà Cơn – sân bay Tà Cơn, được coi là khu trung tâm xây dựng với quy mô chạy dài 2km, rộng 1km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố dày đặc và một sân bay cỡ lớn. Sân bay có diện tích khoảng 10.000m2 nằm giữa căn cứ với một đường băng được lát bằng hàng nghìn tấn ri nhôm và ri sắt.

Chiếc máy bay chuyên vận tải quân sự C130 với đường băng bằng những tấm ri sắt được phục chế tại di tích sân bay Tà Cơn.

Nơi đây trở thành nơi cất, hạ cánh của các loại máy bay lên thẳng vũ trang, phản lực chiến đấu và cả các loại máy bay chuyên vận tải quân sự hạng nặng như C-130 – C-123. Trong khu vực sân bay có trụ sở chỉ huy cứ điểm, đài chỉ huy sân bay, đài liên lạc…cùng hệ thống công sự phòng ngự dày đặc. Bên ngoài là một hàng rào dây kèm gài bùng nhùng và những bãi mìn lớn.

C130 được xem là "lực sĩ bay" trở thành chứng tích một thuở tại di tích sân bay Tà Cơn để du khách chiêm ngưỡng.

Cùng với các thiết bị quân sự hiện đại và vị trí quan trọng, sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động, được quân đội Mỹ - ngụy lúc bấy giờ coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Và sân bay Tà Cơn được quân đội Mỹ xem như một pháo đài bất khả chiến bại.

Hiện vật chiếc máy bay CH47 Chinook giữa màu xanh của cây cỏ tại sân bay Tà Cơn.

Tại đây, trước sức mạnh những cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 7-1968, quân đội Mỹ không còn cách nào khác ngoài việc mở cuộc rút quân chiến thuật bằng không quân nhằm cứu hàng nghìn lính Mỹ.

Trực thăng UH-1A - đây là loại trực thăng được Mỹ sử dụng phổ biến nhất tại chiến trường Việt Nam. 

Cách đây đúng 55 năm, ngày 9/7/1968, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên cứ điểm sân bay Tà Cơn. Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh kết thúc thắng lợi vang dội. Khe Sanh - Hướng Hóa là huyện đầu tiên của Quảng Trị và của miền Nam hoàn toàn được giải phóng và tạo niềm tin vững chắc để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những chiếc xe tăng mà quân đội Mỹ đã từng dùng để tham chiến tại chiến trường Khe Sanh – Tà Cơn cách đây tròn 55 năm.

Và cả thế giới biết đến Khe Sanh như là “Điện Biên Phủ thứ hai” hay là  chốn “địa ngục trần gian” theo cách nghĩ của lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Trải qua hơn nữa thế kỷ, Khe Sanh – Hướng Hóa khoác lên mình diện mạo mới trở thành miền đất trù phú ở phía Tây Quảng Trị. Điều đó hiện hữu là những vườn cà phê xanh tươi và xa xa là “cánh đồng điện gió” đang biến những cơn gió Lào khô cằn thành nguồn điện năng phục vụ sản xuất.

Dưới bánh xích của chiếc xe tăng đó cũng trở thành nơi để những bầy ong về làm tổ.

Tại khu di tích sân bay Tà Cơn hiện nay, nhà Bảo tàng về Đường 9 – Khe Sanh là nơi trưng bày hàng trăm hiện vật có giá trị về lịch sử, khoa học. Cùng với đó, hệ thống hầm hào, đài quan sát không lưu…được phục dựng trong khuôn viên sân bay. Năm 1986, di tích sân bay Tà Cơn được xếp hạng di tích Quốc gia.

Hệ thống hầm hào được phục dựng trong sân bay Tà Cơn.

Nơi đây còn trưng bày những hiện vật ngoài trời với như máy bay C-130, CH47 Chinook, UH-1A, xe tăng M48, M41, M113, pháo 155 ly cùng hàng chục vỏ bom, đạn. Đây là những vũ khí, phương tiện chiến tranh mà quân đội Mỹ đã từng dùng để tham chiến tại chiến trường Khe Sanh – Tà Cơn cách đây tròn 55 năm.

Sân bay Tà Cơn trải dài trong màu xanh yên bình và trù phú, những vết tích chiến tranh giờ là nơi của ruộng rẫy và "cánh đồng điện gió".

Chiến tranh đã lùi xa, ngày nay di tích sân bay Tà Cơn khoác lên mình màu xanh của sự yên bình,trù phú và trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Trị. Đặt chân lên mảnh đất bạt ngàn cây cỏ và những bông lau đang nở  trắng quanh những máy bay, vỏ bom đạn…như chạm vào những ký ức chiến tranh để hiểu hơn về một mảnh đất anh hùng Khe Sanh – Quảng Trị và cả một dân tộc Việt Nam kiên cường anh dũng.

Theo Khánh Anh (Kinh Tế Đô Thị)

Du lịch, GO!