(BQN) - Với tay đẩy cánh cửa gỗ, nắng mai vàng như mật rót vào tận chiếu chăn. Phía chân trời xa xa là ngàn mây trắng ôm chân núi che những ngọn đồi nhấp nhô.

< Bình minh trên Đỉnh Quế.

Hết lớp này đến lớp khác mây trắng thay nhau vẽ lên những hình thù kỳ lạ ngay trong thung lũng dưới chân mình. Ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình khoảng 20 độ C, đỉnh Quế (thuộc xã Tr’Hy, huyện Tây Giang) được nhiều người ví như tiên cảnh giữa ngàn mây.

Xứ sở của rừng già

Cách đường Hồ Chí Minh hơn 20km về phía tây, đỉnh Quế là lựa chọn của nhiều bạn trẻ muốn khám phá núi rừng hoang sơ cùng nhiều tập tục kỳ bí trong các cánh rừng già đặc hữu của miền biên viễn xa xôi huyện Tây Giang.
Dulichgo
Từ trung tâm huyện Tây Giang, đi ngược về xã Lăng bằng xe máy hoặc ô tô, sau khi vượt cung đường Clâu Blâu huyền thoại, đỉnh Quế sẽ hiện ra giữa lưng chừng trời. Đỉnh Quế không rộng lớn, chỉ là một ngọn núi cao với con đường cắt ngang hai bên là vực thẳm. Đứng ở đây, ngày nắng đẹp, có thể phóng tầm mắt xa tít về biên giới Ch’ơm với núi rừng trùng điệp.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, chỉ cho chúng tôi hay, sở dĩ người ta chọn đỉnh Quế là nơi dừng chân bởi nơi đây có thể xem là tâm của một tam giác cân mà quanh nó là nhiều điểm đẹp cần khám phá.
Dulichgo
Từ đỉnh Quế nhìn về phía đông bắc là đỉnh Arung cao hơn 2.000m so với mực nước biển, gần đây một đoàn người của huyện đã tổ chức thám hiểm và bất ngờ khi phát hiện ra trên đỉnh núi là một rừng đỗ quyên cực đẹp. Giữa muôn trùng đỗ quyên là những thân cây phủ đầy rêu xanh, những dây leo chằng chịt với hình thù kỳ dị chưa có dấu chân người.

Cũng từ đỉnh Quế, nếu nhìn về hướng tây chính là biên giới giáp với nước bạn Lào, nơi mà ông Linh cho biết chính quyền sẽ xây dựng một cột cờ lớn trong năm này.

Cũng trên cung đường đi về biên giới, một nhánh rẽ sẽ dẫn du khách lạc vào một “Vương quốc pơmu” với hàng trăm thân cây nghìn năm tuổi. Quần thể pơmu được cho là lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam kéo dài từ huyện Tây Giang xuyên qua biên giới giáp với huyện K’lùm, (huyện Sê Kông) của nước bạn Lào chưa thể khám phá hết.

Thay đổi vì du lịch
Dulichgo
Không để một cảnh đẹp rơi vào quên lãng, một người đàn ông Cơ Tu lãng mạn tên là Clâu Hạnh, quyết định dựng những căn chòi lá vách gỗ ngay trên đỉnh Quế này. Lúc đầu chỉ là căn chòi nhỏ thò ra dưới vực thẳm, đứng từ đây có thể phóng tầm mắt đến hết thung lũng xanh rờn về phía Nam Giang. Dần dà những người qua đường bắt đầu dừng lại, những sinh viên thích mạo hiểm đến đây nhóm lửa hàng đêm để chờ đón ánh bình minh trong mây ngàn, ông Hạnh cùng bè bạn quyết định dựng thêm lều.

Đã có bảy gian nhà gỗ mái lá xinh xắn được dựng lên. Những chiếc bàn gỗ bằng gốc cây mộc mạc, một ít chiếu chăn cho du khách ngủ qua đêm với giá 50.000 đồng/người/đêm. Ông Hạnh cho biết, hai năm qua du khách đến đây thưa thớt vì không nhiều người biết đến Tây Giang. Rồi gần đây, lần lượt các cánh rừng pơ mu, rừng đỗ quyên, thác Grian… được phát hiện, người kéo đến ngày một đông.

Có thể nói, đỉnh Quế là vị trí có vẻ đẹp đa sắc màu tùy thuộc ánh mặt trời. Sáng sớm những lớp mây bồng bềnh giăng kín nẻo. Lúc mặt trời vừa ló dạng, ánh bình minh rọi xuống thung lũng trắng muốt mây, lấp ló là những ngọn núi xanh lơ.

Đứng trưa, nắng vàng rực với tiếng chim rừng và khí trời thì vẫn se lạnh. Đây là thời điểm lý tưởng để có thể khám phá thác Grian với nhiều tầng nước quyến rũ. Chiều xuống, mặt trời gác về phía biên giới, cả một vùng rừng ánh lên sắc vàng bảng lảng, xa xa khói chiều trong các nhà sàn bắt đầu hun cơm cho bữa tối.
Dulichgo
Một ít rau rừng, cá suối, bình rượu cần của người Cơ Tu, bên bếp lửa, du khách có thể hoàn toàn đắm mình trong một không gian Tây Nguyên giữa miền Trung. Với 700.000 đồng một đội ca múa người bản địa với tiếng chiêng và điệu “tâng tung da dá” đặc sắc của các sơn nữ vùng cao sẽ phục vụ bạn một đêm nhạc trọn vẹn.

Tây Giang còn lưu giữ những nét văn hóa Cơ Tu đặc trưng nhất trên dãy Trường Sơn của miền Trung. Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang - cho biết, mới đây nhất chính quyền huyện cùng các già làng quyết định xóa bỏ tục đâm trâu truyền thống. Bởi theo ông Liếc, ông muốn Tây Giang phát triển du lịch sinh thái, là một địa chỉ của văn hóa và vì vậy sự giết chóc, máu me nên giảm bớt để tránh sự hãi hùng, ghê rợn. “Tây Giang không chỉ có cảnh đẹp, có núi rừng mà là nơi còn lưu giữ những câu chuyện ngàn đời bí ẩn. Ở các bản làng những cụ già có thể hát lý, kể cho bạn nghe những trường ca, những câu chuyện xuyên đêm mà không phải tộc người nào cũng có được và lưu giữ đến tận ngày nay” – ông Liếc tâm sự.

Theo Tấn Vũ (Báo Quảng Nam), ảnh Danang book
Du lịch, GO!

Tây Giang – Lên bản sương giăng, phượt đèo uốn lượn