(TTO) - Nằm sâu trong các dãy núi thuộc khối Pú Luông, dãy Hoàng Liên Sơn, Tà Chì Nhù là một trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Đây cũng là ngọn núi được mệnh danh là “vương quốc nắng và gió”.

< Những lối mòn của người dân bản địa đã giúp đoàn định hướng được dễ dàng hơn.

Những ngày tháng 5 oi ả, báo hiệu một mùa hè đầy khắc nghiệt trước mắt, tôi và mấy người bạn thân quyết định lập nhóm chinh phục “vương quốc nắng và gió Tà Chì Nhù” nằm ở địa phận huyện Trạm Tấu, Yên Bái, cao 2.979m so với mực nước biển.
Không chọn thời điểm “săn mây” từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, ai muốn thấy một Tà Chì Nhù khác, một Tà Chì Nhù khắc nghiệt hơn chúng tôi tưởng.

Đường đến chân núi lắm gian truân

Từ trung tâm thị trấn Trạm Tấu, chúng tôi phải di chuyển gần 20km nữa mới đến điểm leo núi. Trong đoàn ai cũng lần đầu leo Tà Chì Nhù nên không hề biết trước mắt sẽ như thế nào.

< Những con dốc đầu tiên khiến ai cũng nản lòng.

Con đường dẫn vào bản toàn đá hộc và lầy lội do cơn mưa đêm trước. Đi được khoảng 7km, lái xe thẳng thừng từ chối chở chúng tôi vào điểm trek. Sau một hồi năn nỉ bất thành, cả nhóm đành thuê xe ôm cho đoạn đường còn lại. Vượt hàng trăm kilômet để lên đến đây, chẳng lẽ lại bỏ cuộc mấy kilômet cuối.

< Nụ cười đầy thân thiện của anh chàng dẫn đường người Mông. Chúng tôi thuê một vài người bản địa để dẫn đường và vác đồ.

Ngồi sau tay lái của những anh chàng người Mông đầy “điêu luyện” cứ ngỡ chẳng mấy chốc mình và đồ đạc sẽ... rơi hết xuống đường. Ấy vậy mà gần 30 phút vật lộn với con đường, tất cả đã tập hợp đầy đủ dưới chân núi.

Không quên cảm ơn những người bạn Mông đầy nhiệt tình và không kém phần dũng cảm, chúng tôi hẹn họ ngày mai vào đón.
Mọi người chia nhau đồ đạc cần thiết như nước, bánh quy, sữa, túi ngủ, lều và bắt đầu lên đường chinh phục Tà Chì Nhù đầy nắng và gió

Dốc cao hun hút
Dulichgo
< Cảnh vật xanh tươi hùng vĩ của Tà Chì Nhù là một trong những động lực giúp mọi người quên đi mệt mỏi.

Chúng tôi bắt đầu những bước chân đầu tiên vào lúc 9g sáng, mặt trời đã lên cao và gắt. Lối mòn đất đỏ và đá hiện dần ra trước mắt. Đây là con đường mà người Mông vẫn thường đi lấy gỗ, dắt ngựa, lùa trâu bò đi chăn.

Những tưởng có đường mòn sẽ dễ, ai ngờ đó cũng là những dốc cao hun hút không thể đi bằng hai chân. Ngước mắt nhìn lên chỉ thấy những ụ đất đỏ như trêu ngươi. Leo được vài trăm mét, một số người trong đoàn có dấu hiệu bị say nắng nên cả nhóm quyết định nghỉ trưa sớm.

< Các loại quả rừng là nguồn tiếp sức rất lớn cho nhóm leo núi.

Rất may trên đoạn đường chúng tôi đi có vài lán trại của người dân dựng để nghỉ chân khi làm nương và chăn ngựa. Tấp ngay vào chỗ râm mát, mọi người bỏ đồ ăn đã được chuẩn bị trước ra ăn để lấy lại sức. Những cơn gió rừng thổi qua khiến ai nấy như được tiếp thêm sinh lực.

Sau khi nghỉ trưa, chúng tôi lại lê đôi chân nặng trĩu đi tiếp. Biết còn xa lắm nhưng mọi người cứ động viên nhau sắp đến. May mắn trên đường, cảnh núi non xanh mướt, trải dài ngút tầm mắt khiến ai cũng có thêm động lực, lại rủ nhau chụp ảnh để quên đi phần nào mệt mỏi.

< Anh chàng dẫn đường người Mông ngồi nghỉ trên tảng đá.

Gần 5g chiều, chúng tôi đến được độ cao 2.400m. Đây sẽ là điểm nhóm hạ trại ngủ qua đêm. Ai cũng thấm mệt nhưng vẫn nhanh chóng bắt tay vào công việc dựng lều, nhóm lửa và nấu ăn.
Dulichgo
Chẳng mấy chốc màn đêm kéo xuống, lúc này những cơn gió rừng thổi càng mạnh khiến cái lạnh bao trùm hết không gian rộng lớn. Cả nhóm ngồi xung quanh đống lửa ăn gà nướng và nhâm nhi những ly rượu táo mèo thơm nồng. Mới đây thôi, những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi đang hì hục leo từng bước một, ấy vậy mà lúc này mọi người lại say sưa cùng nhau hát vang núi rừng.

< Những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xuống khu rừng Tà Chì Nhù.

Bầu trời Tà Chì Nhù đầy sao, cả dải ngân hà hiện ngay trước mắt, chưa bao giờ tôi lại thấy nó gần đến vậy. Rồi cả đoàn chìm trong giấc ngủ miên man lúc nào không biết.
Ngày mai vẫn là một chặng đường dài...

Đỉnh Tà Chì Nhù đã ở rất gần rồi!

Sáng tinh mơ, mọi người không ai bảo ai đều thức dậy rất sớm. Bỏ lại những đồ đạc không cần thiết ở lều, chúng tôi cùng nhau chinh phục đoạn đường cuối cùng để “lên đỉnh”.

< Những đàn ngựa của người dân bản địa nhởn nha gặm cỏ. Nghề chăn ngựa trên núi khá phát triển trong cộng đồng người Mông ở đây.

Vừa thong dong trên thảm cỏ mềm còn đẫm hơi sương, vừa ngắm những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Xa xa dưới thung lũng, những đám mây thảnh thơi trôi nhè nhẹ. Tà Chì Nhù không chỉ có nắng, gió mà còn có "đặc sản" mây.

Chúng tôi lơ đãng với cảnh vật sinh động ở nơi đây mà quên bẵng đi đoạn đường phía trước. Chợt tỉnh sau những tiếng ngựa hí vang trời, mọi người lại hướng tới mục tiêu đỉnh Tà Chì Nhù. Vẫn là những con dốc cao hút mắt!

< Mây - đặc sản của Tà Chì Nhù, đang thong dong trên thung lũng.

Khoảng 8g30 sáng, cuối cùng chúng tôi đã chạm được vào chóp inox mang tên Tà Chì Nhù. Cảm giác vỡ òa trong hạnh phúc, mọi người trong đoàn ôm lấy nhau san sẻ niềm vui sướng.

Rồi cũng đến lúc phải chia tay đỉnh núi cao 2.979m, chúng tôi nhanh chóng di chuyển xuống khu vực hạ trại, thu xếp đồ đạc và bắt đầu xuống núi.

< Cảm giác vui sướng của đoàn khi chạm đỉnh Tà Chì Nhù.
Dulichgo
Đến khi có mặt tại thị trấn Trạm Tấu, nhìn vẻ mặt thấm đẫm mồ hôi nhưng tràn đầy mãn nguyện của bạn bè, thấy vui lạ thường. Tôi đã nghe ở đâu đó câu nói: “Hạnh phúc không phải đích đến mà là hành trình”.
Tôi sẽ nhớ mãi hành trình này với những con người ấy.

Theo Lê Hồng Thái (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Tà Chì Nhù - Thiên đường nơi hạ giới
Gian nan đường lên đỉnh Tà Chì Nhù
Tà Chì Nhù - đại dương trên đỉnh trời
Chinh phục Tà Chì Nhù
Đầu xuân chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù
Săn mây Tà Chì Nhù trong 3 ngày