Thắng cảnh Suối Chí với diện tích rộng khoảng 15 ha, nằm cách Thành phố Quảng Ngãi 24 km về phía Nam, thuộc địa bàn thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đây được xem là một thắng cảnh đẹp của huyện Nghĩa Hành nói riêng và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, có giá trị rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển du lịch sinh thái.

Suối Chí nằm ẩn mình dưới khu rừng nguyên sinh, tổng diện tích của khu rừng 1.012ha, nhân dân nơi đây thường gọi khu rừng này là rừng Cộng đồng vì toàn bộ khu rừng này đã được giao cho 350 hộ dân thuộc hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ, xã Hành Tín Đông quản lý.

< Đập Suối Chí nằm dưới chân núi Lớn là địa điểm luôn hấp dẫn nhiều người đến tham quan.

Địa danh “Suối Chí” không biết xuất hiện từ khi nào? Ai đã đặt tên hay gắn liền với sự kiện lịch sử nào? Theo những người dân cao niên hiện đang định cư sinh sống tại nơi đây cho biết: Tên “Suối Chí” đã có từ lâu, từ lúc lọt lòng đã nghe đến địa danh này.
Dulichgo
Tổng chiều dài của dòng suối khoảng 4km tính từ đầu nguồn đến khi hợp lưu với dòng sông Vệ. Điều đặc biệt ở dòng suối này là chưa bao giờ cạn nước, quanh năm, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông luôn tuôn chảy dòng nước trong vắt dội vào khe đá tung bọt trắng xóa.

Ở về phía hạ nguồn của dòng Suối, con người đã đắp đập để ngăn dòng nước và tạo thành hồ chứa với diện tích khoảng 03ha. Từ hồ chứa nước này ngược dòng men theo con nước, ở hai bên bờ suối là những cây cổ thụ to, cao, buông rễ dài, bám vào những tảng đã lớn, tạo nên khung cảnh rất đổi hoang vu nhưng thật hùng vĩ.

Tính từ đập Suối Chí ngược dòng khoảng 3km có khoảng hơn 10 thác nước lớn, nhỏ. Trong đó đáng chú ý nhất là thác Dê. Thác Dê có độ cao 4m, bên dưới thác nước có một hồ tự nhiên rộng khoảng 100m2, sâu 2,5m, dòng nước xanh biết, mát lạnh; bên bờ hồ là những vách đá cheo leo dựng đứng và có những tán cây cổ thụ nghiêng mình tỏa bóng xuống mặt hồ, tất cả đã hòa quyện lại tạo nên bức tranh thiên nhiên rất kỳ vỹ.

< Một trong nhiều thác nhỏ của Suối Chí.

Cùng hòa quyện giữa tiếng thác nước reo, tiếng nước róc rách chảy từ những khe đá là tiếng kêu của động vật hoang dã, mà đặc biệt là tiếng gáy của tiếng chim cu đất, cu xanh, tiếng kêu thánh thót của chim đội mũ, lãnh lót của chích chòe lửa...
Dulichgo
Sừng sững kế cận Suối Chí là ngọn núi Lớn thuộc xã Hành Tín Đông, vùng chiến khu oai hùng của Đại đội Hoàng Hoa Thám (thuộc Đội du kích Ba Tơ). Sau khi giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ ngày ấy, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, tổ chức tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc” rồi tiến về núi Cao Muôn để phát triển lực lượng. Lúc bấy giờ, theo yêu cầu của cách mạng, đội du kích tiến về trung châu, thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám. Vùng Núi Lớn trở thành chiến khu của Đại đội Hoàng Hoa Thám.

< Nước chảy róc rách qua các khe đá.

Khi đội du kích Ba Tơ về lập chiến khu Núi Lớn, nhiều thanh niên ở Hành Tín Đông đã tham gia đội du kích. Họ lấy cây rừng làm lán trại, chọn vùng Gò Rộng, Gò Sim, Gò Đồi để tập luyện quân sự, đội hình, đội ngũ. Những ngày trên Núi Lớn, mặc dù khó khăn gian khổ thật nhiều, nhưng các đội viên của Đại đội Hoàng Hoa Thám luôn sát cánh bên nhau. Họ cùng nhau tập luyện và mong có ngày tiến về đồng bằng khởi nghĩa.
Dulichgo
Dưới tán rừng Núi Lớn, đội quân du kích Ba Tơ còn thành lập một xưởng rèn ngay bên dòng Suối Chí để rèn gươm,  giáo mác trang bị cho các đội viên du kích. Tại đây có những tảng khuyết sâu hình thù như cối đá, người ta cho rằng ngày xưa được các anh du kích tận dụng để mài, giũa gươm, giáo, làm cối đá để giã gạo nuôi quân nên đá mới mòn nhẵn, láng bóng vậy...

Từ năm 2006, thông qua nguồn kinh phí tài trợ của Cộng hòa Liên bang Đức, dự án bảo vệ rừng cộng đồng thôn Khánh Giang – Trường Lệ với diện tích hơn 1.000ha được hình thành và vùng Núi Lớn được bảo vệ chu đáo hơn.

Cũng nhờ rừng được bảo vệ, nguồn nước đập Suối Chí khá dồi dào. Hằng năm tưới đều cho hơn 100ha ở các cánh đồng quanh khu vực sản xuất hai vụ ăn chắc.

Núi Lớn - Suối Chí là di tích lịch sử gắn liền với Đội du kích Ba Tơ nên nhiều năm nay xã tập trung bảo vệ, đề xuất với cấp trên làm đường bê tông vào khu vực dưới chân núi Lớn, triển khai trồng cây xanh ở hai bên đường. Tuy vậy, đây là vùng chiến khu, vùng di tích lịch sử cách mạng nên cấp trên cần quan tâm xây dựng bia di tích để cho các thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử của vùng chiến khu xưa.
Dulichgo
Ngày nay khi đến với thắng cảnh Suối Chí chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vỹ của thiên nhiên nơi đây mà còn được nghe câu chuyện hào hùng về những năm tháng bám đất, giữ làng, dựa vào rừng núi để đánh giặc cứu nước của thế hệ cha, anh và những câu chuyện, sự kiện đau thương của nhân dân nơi đây phải gánh chịu

Du lịch, GO! tổng hợp từ Báo Quảng Ngãi, TTTĐT Nghĩa Hành, Cafestyle.yes24