(QBĐT) - Anh Lương Xuân Trường, một đồng nghiệp ở Hà Nội vào bảo tôi dẫn đi chụp ảnh sông Gianh cho số báo Tết. Tôi nói, anh chụp ảnh báo Tết thì phải đợi mấy ngày nữa cho trời nắng lên đã, mấy hôm nay sông Gianh mây mù nhiều lắm! Anh nói, chụp ảnh sông Gianh mà đi vào những ngày nắng thì không thể chụp được cái “hồn” của sông Gianh.

Nhiều năm làm báo, lăn lộn với mảnh đất và con người sông Gianh, tôi chợt nhận ra rằng, sông Gianh năm nào cũng có lũ nhưng có lẽ chưa bao giờ dòng sông hào phóng mang những dòng phù sa để bồi đắp cho những mảnh vườn, thửa ruộng vốn ít ỏi và cằn cỗi ở đôi bờ. Nhưng kỳ lạ thay, những làng quê nghèo bên bờ sông Gianh không của ngon vật lạ nhưng  bao đời nay vẫn nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc bởi hai chữ “hiếu học”.

Người sông Gianh nghèo nên lấy đạo học làm trọng. Hàng trăm năm qua, kể từ ngày thành lập làng, đường học của người sông Gianh song hành với đường sống. Thần phả các làng quê bên sông Gianh đều ghi lại những điển tích về những khát vọng vươn lên bằng con đường học của các bậc tiền nhân như những lời răn dạy thiết thực nhất cho các thế hệ người sông Gianh cùng nỗ lực vượt qua đói nghèo bằng việc học.

Lệ Sơn, một làng quê heo hút ở thượng nguồn sông Gianh chưa bao giờ được gọi là giàu nhưng mỗi khi nhắc đến ai cũng trọng, cũng kính. Ngôi làng ấy chẳng có của ngon vật lạ, thắng cảnh hay nghề riêng bí truyền mà chỉ hơn ở cái đạo học. Lịch sử của làng ghi lại, năm 1471, khi đưa dân đến đất này lập làng, cuộc sống chưa ổn định, cụ tổ Lê Văn Hành đã khăn gói đi tìm thầy giỏi về mở lớp dạy trẻ.

Người được chọn mời là vị hưu quan Hiệp biện Đại học sĩ Thái Học Đường Trần Cảnh Huống. Sự nghiệp khai trí ở Lệ Sơn đã đi liền với việc khai canh, lập ấp. Nghiệp học ở làng Lệ Sơn truyền đời thì thành đạo học. Ở Lệ Sơn, chuyện những ngôi nhà tranh vách đất mà có đến 4 đến 5 người đỗ cử nhân, đại học thì hầu như thời kỳ nào cũng có.
Dulichgo
Chẳng riêng gì Lệ Sơn, những làng quê khác ở đôi bờ sông Gianh như La Hà, Cao Lao Hạ, Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Lộc... mùa tựu trường năm nào cũng có hàng chục, hàng trăm em đậu vào các trường đại học danh tiếng trên cả nước. Các làng quê ấy, thời nào cũng có những con người vượt nghèo, nuôi chí học mà thành tài để ra giúp đời.

Chẳng nói đâu xa, trong hàng ngũ lãnh đạo đầu tỉnh, nhiệm kỳ nào cũng có người sông Gianh. Những con người ấy họ cũng lớn lên, đi học và thành tài cũng chỉ bằng hạt lúa, củ khoai trên những mảnh làng ven sông Gianh...

Không phải là người sông Gianh (phạm vi hẹp) nhưng không hiểu tại sao mỗi lần đến với vùng đất này, tiếp xúc với những con người chân chất mà hồn hậu nơi đây, trong tôi cũng có một cảm xúc rất khó tả. Tôi đã từng hòa tan trong những niềm vui nhưng cũng quặn đau lòng khi chứng kiến những mất mát quá lớn của người sông Gianh.

Có lẽ, một trong những ước mơ lớn nhất của bao thế hệ người sông Gianh là có những nhịp cầu bắc qua sông Gianh. Có những nhịp cầu, sẽ không còn “bến cách sông ngăn”. Có những nhịp cầu sẽ  không còn những bến đò ngang mà hiểm nguy luôn rình rập.
Dulichgo
Mãi mãi người sông Gianh sẽ không bao giờ quên được cái chiều 30 Tết định mệnh ở bến đò xã Quảng Hải năm 2009. Hơn 40 người con của làng Quảng Hải đã mãi mãi nằm lại dưới đáy sông lạnh chỉ vì chen chúc nhau xuống đò cho kịp buổi chợ ngày 30... Năm 1999, cầu Gianh, cây cầu chín nhịp hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ đã khánh thành nối đôi bờ sông Gianh, nối liền quốc lộ 1, chấm dứt hàng ngàn năm “bến cách sông ngăn”...

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân Quảng Bình ngày ấy gọi chín nhịp cầu Gianh là chín nhịp cầu thiêng! Bởi lẽ, thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, sông Gianh là ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài gần nửa thế kỷ (1627-1775).

Trong các thời kỳ chiến tranh, phà Gianh là trọng điểm bị đánh phá ác liệt nhất; các chiến sĩ bến phà, bộ đội và lực lượng TNXP và người dân đôi bờ sông Gianh đã chiến đấu anh dũng và cả sự mất mát hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đất nước thống nhất, phà Gianh dù hoạt động hết công suất để trung chuyển các phương tiện vào Nam ra Bắc nhưng cũng không giảm được sự cách trở đò giang, nhất là những lúc mưa bão thì phà phải ngừng hoạt động. Ai đã từng đi qua Quảng Bình thời điểm hẳn không thế quên và thương từng đoàn xe hàng trăm, hàng ngàn chiếc “đợi phà thức trắng!”
Dulichgo
Ngày ấy, không chỉ người sông Gianh mà những ai đã từng đi qua sông Gianh đều có chung một khát khao cháy bỏng, chỉ khát khao thôi,  ít ai dám mơ tới. Sông Gianh sâu và rộng, mùa nước lũ vô cùng dữ dằn, làm sao có thể mơ đến một cây cầu?  Nhưng,  một ngày đẹp trời năm 1999, cầu đã bắc qua sông Gianh, chấm dứt cơn khát bao đời của người dân đôi bờ sông Gianh...

Bây giờ trên dòng sông Gianh từ thượng nguồn về hạ nguồn đã có gần 10 chiếc cầu lần lượt được bắc qua sông Gianh, nối nhịp những bờ vui. Vùng Nam Quảng Trạch (bây giờ thuộc thị xã Ba Đồn), xã Châu Hóa, xã Văn Hóa... bây giờ không còn những ốc đảo mà mỗi khi sang sông đều phải “lụy đò”. Xe máy, xe ô tô bon bon trên những con đường, cây cầu ngàn tỉ, nâng bước người sông Gianh chân chất hòa mình vào sự phát triển của quê hương đất nước...

Dòng Gianh hôm nay không chỉ là một dòng sông mang trong mình những giá trị lịch sử văn hóa to lớn, nó còn là một con đường thủy nội địa ngày ngày chở những chuyến hàng nặng trĩu từ 2 nhà máy xi măng Sông Gianh và Văn Hóa đi khắp nơi, dựng xây những công trình của đất nước. Từ cửa sông Gianh, những chiếc tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Bình xuất bến, hùng dũng vươn tới những vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa và trở về với những khoang thuyền đầy ắp cá...

Bút ký của Phan Phương (Báo Quảng Bình)
Du lịch, GO!