(HueS) - Một cái Tết nữa lại về trên đất Huế, đây cũng là dịp mà các làng nghề truyền thống Huế hoạt động nhộn nhịp nhất để sản xuất ra những sản phẩm phục vụ Tết.
Trong không khí cả nước đang hân hoan chuẩn bị đón Tết nguyên đán, các làng nghề ở Huế ngày đêm hoạt động để mang đến cho người dân và du khách những sản phẩm không thể lẫn vào đâu được. Hãy cùng HueS ghé thăm một vài làng nghề nhé!

- Mứt gừng Kim Long (phường Kim Long, TP Huế)

Nhắc đến Tết mà không nói tới mứt gừng thì cái Tết đó ta cảm thấy thiêu thiếu vị gì đó. Những ngày này ở phường Kim Long luôn thơm phức mùi gừng tươi tỏa ra từ các lò mứt của hộ dân.

Từng miếng gừng ướt át trong nước đường trên bếp bốc lên mùi thơm khó cưỡng, khiến cho những người con xứ Huế tự hào vì đất Huế có một nơi làm ra gừng ngon tuyệt, còn những người xa quê thì nhớ về hương vị Tết ở quê nhà, thật ý nghĩa.

Tận mắt chứng kiến những lát mứt gừng được làm ra với tấm lòng và sự tỉ mỉ của người dân ta như thấy hình bóng của các bậc “cao niên” luôn trăn trở để giữ nghề.

- Làng hương Thủy Xuân (thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế)

Người dân làng hương Thủy Xuân những ngày này luôn tấp nập làm hương phục vụ nhu cầu của người dân xứ Huế. Mùi hương phảng phất nồng nàn tạo nên nét đẹp rất riêng của làng nghề thủ công này, nhất là với vùng đất tâm linh như Cố đô Huế.
Dulichgo
Trông cây hương thật đơn giản nhưng để làm ra nó thì mất khá nhiều thời gian. Để cây hương cháy hết đều thì phần lõi hương phải làm từ ruột tre chẻ nhỏ, “ăn” đủ nắng và sương.

Nhìn những bó hương đầy màu sắc được phơi xen lẫn nhau trước sân nhà như vẽ ra một bức tranh tự nhiên trước mắt người xem, thật đẹp!

- Bánh Tét làng Chuồn (Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế)

Những đòn bánh tét tròn trĩnh, mang một chiếc áo màu xanh lá đều nhau, bánh ăn ngon và thơm là những nét riêng biệt của bánh tét làng Chuồn.

Theo như người dân ở đây cho biết thì cứ dịp tết họ gói khoảng vài nghìn đòn bánh để bán cho người dân, có những hôm phải làm suốt ngày đêm để kịp đơn đặt hàng.

Bánh tét làng Chuồn là làng nghề truyền thống được nhiều người biết đến, họ không chỉ gói bánh tét mà còn làm cả bánh chưng, họ như mang trong mình câu chuyện “bánh chưng, bánh giầy” để gợi nhớ đến công ơn đất trời, để làm cho cái Tết dân tộc thêm ý nghĩa.

- Hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế)

Hình ảnh những cụ ông, người trẻ ngồi bên những cánh hoa làm công việc gắn kết chúng để cho ra một hoa sen như thật đã trở nên gần gũi với người dân xứ Huế. Nếu nhìn từ xa bạn khó mà phân biệt được đâu là sen thật , đâu là hoa sen giấy.

Ngày Tết, người dân như bận rộn hơn, họ làm một cách tỉ mỉ và cẩn thận để cho ra những bông hoa xinh xắn, bắt mắt. Ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên thường được đem đi trưng bày trong các lễ hội để bạn bè khắp nơi biết đến như Festival Huế, “Sóng nước Tam giang”….
Dulichgo
Ngoài hoa giấy thờ cúng đầy màu sắc trên bàn thờ, bếp núc thì người dân làng Thanh Tiên còn sáng tạo ra hoa sen giấy để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Những bông hoa sen đem trưng bày ở phòng khách sẽ làm cho ngôi nhà thêm đẹp hơn.

- Làng hạt nổ Lại Ân (Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên Huế)

Với sự ứng dụng máy móc vào trong sản xuất, người dân đã cho ra những hạt nổ đầy màu sắc phục vụ lễ cúng bái. Mỗi ngày họ làm ra khoảng 150kg hạt nổ, bán được 17.000đ/kg, dịp Tết thu nhập khoảng 4.000.000 – 4.500.000đ/tháng.

Những năm trở lại đây, số hộ làm ra hạt nổ ngày càng giảm, trong thôn giờ chỉ còn 3-4 hộ làm nghề này.

- Bánh in Kim Long (phường Kim Long, thành phố Huế)

Bánh in là thứ bánh không thể thiếu trên bàn thờ của người dân xứ Huế trong ngày Tết, có nhiều loại bánh khác nhau như bánh tháp, bánh rời, bánh hạt sen.

Những chiếc bánh in nhiều màu sắc, thơm mùi bột đậu xanh liên tục được ra lò qua bàn tay điệu nghệ của những người thợ Kim Long.

Những động tác tay nhanh thoăn thoắt đúc từng cái bánh in từ bột đậu xanh, rồi bánh được cho vào lò sấy, sau hơn 20 tiếng thì lấy ra để bộc vỏ, những chiếc bánh ngũ sắc: xanh, vàng, đỏ, cam, hồng trông rất đẹp mắt.

Những tháng gần dịp Tết, các cơ sở sản xuất bánh in luôn bận rộn, một ngày làm ra khoảng 5.000 bánh, bánh được đem bán khắp nơi trong cả nước.

- Ông Táo làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế)

Ngày 23 tháng Chạp sắp đến, nhà nhà đều tổ chức lễ đưa tiễn ông Táo về trời, sau đó họ sẽ mua ông Táo mới thế vào.

Ở Huế có một ngôi làng hiện đang lưu giữ và làm ra ông Táo, đó là làng Địa Linh.
Dulichgo
Trong không khí những ngày đầu mùa xuân, những cô, những chú ở làng Địa Linh lại tất bật làm ra ông Táo. Từ các cơ sở này, những bức tượng đẹp mắt sẽ đến với từng góc bếp của người dân Huế nói riêng và cả nước nói chung góp thêm hương xuân cho ngày Tết cổ truyền của người dân Việt.

Để có tượng ông Táo đẹp, hoàn thiện nhất cần phải chọn loại đất thật tốt, đó phải là đất sét mềm, có thể lấy đất từ các cánh đồng trong làng hoặc đi mua ở các vùng lân cận. Giá bán một tượng chỉ từ 500-2.000 đồng, nhưng nhờ hàng ngày làm ra số lượng lớn khoảng 600.000 – 700.000 tượng nên thu nhập cũng kha khá.

- Đan lát Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế)

Những chiếc đèn lồng có đèn bên trong, những cái rổ, cái khay được nước, đựng ly…ở làng Bao La sẽ được đem trang trí và dùng trong các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội…vào dịp Tết này.

Những ngày cận kề cái Tết, hàng chục người thợ đan lát ở hợp tác xã (HTX) Bao La vẫn chăm chỉ làm việc bởi dịp cuối năm đơn đặt hàng rất nhiều.

Nếu chưa tận mắt chứng kiến những sản phẩm tinh xảo, làm hoàn toàn từ cây tre ắt hẳn nhiều người sẽ không tin. Qua trí tưởng tượng và đôi bàn tay thành thục, những người thợ ở đây luôn sáng tạo ra những sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu của thị trường. Theo chủ nhiệm hợp tác xã Bao La thì mỗi năm họ sáng tạo ra khoảng 80 mẫu mới, tạo nên sự da dạng về mẫu mã.

Vài chục năm trước, HTX chỉ làm ra các dụng cụ nông nghiệp như rổ, rá,…thì những năm trở lại đây HTX chuyển sang làm các sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí, hàng lưu niệm như đèn lồng, nắp thư pháp,…Sản phẩm của HTX luôn được khách hàng khen ngợi và hài lòng, đặc biệt còn nhận nhiều giải thưởng và giấy khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, tỉnh Thừa Thiên Huế…

Theo Văn Tâm (Huế S)
Du lịch, GO!