"Người sóc" ở làng Mèn

Cuộc sinh tồn của các tộc người dưới cánh rừng là ký ức của những lần di dân. Đốt rừng, làm rẫy, dời làng, lại đốt rừng… Riêng cư dân ở làng Mèn (thôn Kà Đâu, xã Kà Dăng, huyện Đông Giang) lại chọn dừng chân dưới tán rừng, sống bằng biệt tài được tạo nên từ rừng: tài leo trèo như sóc.

“Làng sóc”

Làng Mèn nằm ẩn mình trong màu xanh ngút mắt của cây trái, nhìn từ xa chỉ thấy được những chóp nhà lúp xúp. Nơi làng ở là thượng nguồn sông Vu Gia, sống chung với những cách trở địa lý và sự khắc nghiệt của mùa, nhất là mùa mưa. Mỗi năm, làng có vài tháng sống biệt lập, không hàng hóa, không liên lạc.

Giữa trưa, hơi nóng phả ra từ những nền đất sỏi, hầm hập như nung. Chúng tôi tạt vào gươl, đang lúc những người già kể chuyện về hai đứa con của Alăng Coó: Alăng Hoàng và Alăng Hậu. Hai đứa con của Coó vừa chơi trò trèo cây, một đứa leo lên cây lồ ô, một đứa đứng dưới đất, chờ đứa kia leo lên đến ngọn là cầm rựa… chặt gốc, để luyện “chuyền cây”, tức là nhảy qua cây lồ ô khác. Rốt cuộc, một thằng rơi xuống đất phải nhờ người làng khiêng về nhà. Già làng Alăng Chớch nghe xong câu chuyện, cười bảo: “Ngã rồi lành. Làng này, lớn lên rồi đứa nào cũng phải trèo cây!”.

< Những cách trở đường sá khiến làng Mèn luôn bị biệt lập.

Chúng tôi nghe kể về trò chơi của hai đứa nhỏ mà không khỏi rùng mình. Nhưng dân làng Mèn thì khác. Họ lớn lên giữa rừng, sống bằng những gốc lòn bon cổ thụ, đến mùa ai cũng đeo gùi leo hàng chục mét để hái. Chưa kể hai đứa bé ấy lại là con trai Alăng Coó, người nổi danh khắp vùng với biệt tài trèo cây. Già làng Alăng Chớch kể, từ khi lập làng, những đứa trẻ đã lớn lên dưới gốc lòn bon. Gùi quả về Hà Tân, xuống Đại Lộc đổi muối, đổi hàng từ nhiều đời trước, dân làng Mèn ý thức được giá trị của loài cây này.

Vậy là trồng, chăm sóc, giữ gìn những gốc lòn bon, đến mùa ra trái lại trèo cây hái quả, cần mẫn gùi đổi từng món đồ về làng. Biệt tài leo trèo như sóc có từ đó. Nói không ngoa, đi khắp vùng, không ai giỏi leo trèo như người làng Mèn. Những cái tên như Alăng Tùng, Alăng Coó, Alăng Man, Alăng Căng… nổi danh với biệt tài leo cây hái trái, lấy mật ong. Cánh rừng Z’roong nổi tiếng nhiều chôm chôm, mật ong, dù gần làng Pachepalanh hơn, nhưng chỉ có dân làng Mèn mới chinh phục được những gốc cây ba bốn người ôm, trèo lên tận ngọn, trong khi những người khác chỉ biết lắc đầu chào thua.

< Alăng Tùng biểu diễn lại một cuộc đi săn, hạ gục con hổ.

Chúng tôi đến nhà Alăng Tùng, tìm gặp một trong những “dị nhân” của làng Mèn. Alăng Tùng đã gần 50 tuổi, là một trong số những người làng Mèn chinh phục được ngọn cây cao nhất đỉnh Z’roong. “Đồ nghề” trèo cây chỉ vỏn vẹn chiếc đai bảng rộng dùng vòng qua những thân cây ba bốn người ôm để ngược lên ngọn cây đốt ong, hái quả. Chừng như để “quảng bá” cho biệt tài của mình, Alăng Tùng dẫn chúng tôi ra vườn, chọn cây mít cao nhất, thoăn thoắt đu mình như sóc. Thiện nghệ hơn, ông còn biểu diễn nhảy qua cây bên cạnh, đu mình vắt vẻo trên những nhánh cây chỉ to hơn bắp tay.

Chính khả năng chuyền cành và đu mình như sóc ấy đã cứu Alăng Tùng thoát chết trong một lần trèo hái chôm chôm rừng. Dân làng kể, một lần trèo hái chôm chôm, Alăng Tùng vươn mình ra cành lớn chặt các nhánh để hái quả. Bỗng trời nổi cơn gió mạnh, các nhánh cây đã bị chặt gọn chỉ còn


< Hái trái loòng boong ở trên độ cao 20-25m.

Alăng Tùng đu lơ lửng, cách thân cây chính cả chục mét. Nhờ tài treo mình trên nhánh cây bằng, Alăng Tùng đu được vào thân cây chính, thoát chết. “Nhờ leo trèo từ nhỏ nên tay khỏe, người dẻo, mới đeo được gùi leo cây, hái quả, đốt ong. Ai trong làng cũng thế” - Alăng Tùng chia sẻ.

Sống dưới tán rừng

Làng Mèn nằm dưới chân đỉnh núi Pa Trzương, màu xanh của cây trái quanh làng phần nào làm dịu đi cái nắng nóng của những ngày cuối hè. Già làng Alăng Chớch kể, vì nắng nóng, đất xấu nên dân làng Mèn phải làm rẫy cách nơi ở hơn chục cây số đường rừng. Nhờ có nghề leo cây hái quả, lấy mật ong nuôi sống dân làng Mèn từ bao đời nay. Xã Kà Dăng thường xuyên bị biệt lập với những làng Cơ Tu khác, nhưng lại nằm ở thượng nguồn Vu Gia, điểm cuối của con đường muối huyền thoại ngày trước.


< Chuyện cổ tích trái loong boong nuôi sống làng Mèn được kể bên bếp lửa trong ngôi nhà Gươl khang trang.

Chuyện gùi lâm sản đổi muối, đổi hàng hóa đã trở thành truyền thống, nên chính những gốc lòn bon, những gùi chôm chôm rừng, mật ong trở thành nguồn sống của người làng Mèn. Không khai thác theo kiểu tận diệt, người làng Mèn sống thân thiện với rừng, chỉ lấy quả bằng cách trèo lên cây hái, hoặc chặt các nhánh nhỏ, tuyệt đối không đốn hạ cây.

Khi cây ươi khắp nơi rơi vào cảnh bị triệt hạ để lấy quả, dân làng Mèn vẫn thầm lặng bảo vệ những cánh rừng của mình. Trưởng thôn Alăng Linh khẳng định, người làng Mèn không đốn hạ cây ươi, cây lòn bon để lấy trái, dù đó là cây của rừng. “Chặt rồi lấy gì năm sau hái đổi muối, đổi gạo. Đây là cây của cha ông để lại nuôi con, nuôi cháu, có chặt thì chỉ là chặt nhánh nhỏ để hái thôi” - ông Alăng Linh nói.

< Leo gốc loòng boong lâu đời gần bằng hai người ôm là chuyện nhỏ đối với người dân làng “Sóc”.

Những năm 2003 - 2005, khắp vùng Đông Giang rộ lên nạn khai thác cây huỳnh đàn (gỗ sưa), dân tứ xứ đổ xô băm nát cả cánh rừng. Đồi thung Z’lạc nằm gần làng Mèn là một trong những nơi có huỳnh đàn, dân làng Mèn chỉ ngậm ngùi nhìn người tứ xứ đến cày xới rừng, đào cả gốc mang đi trong sự bất lực của làng. Già làng Chớch bảo, có tiền đó cũng không giàu lên được, ai lấy rồi sẽ trả giá. Trong ánh mắt xa xăm của vị già làng, rừng không chỉ là mái nhà, mà còn là tín ngưỡng.

Tín ngưỡng của riêng làng, từ già đến trẻ. Tín ngưỡng ấy là bùa hộ mệnh, là nguồn sống, để những đứa trẻ ra đời, lớn lên, để làng Mèn tồn tại. Cho đến bây giờ, không ít những đứa trẻ ra đời dưới một gốc cây, một vạt rừng nào đó cạnh làng Mèn. Hai đứa con của Alăng Linh, đứa lớn mới hơn mười tuổi, đứa nhỏ vừa biết chạy, đều sinh ra ở rừng. Alăng Thị Ký, vợ Linh, đến ngày sinh nở vẫn còn lên rẫy, chuyển dạ chỉ kịp tìm một gốc cây, nhờ sự trợ giúp của những người phụ nữ đi cùng, không kịp xuống trạm xá xã. Hay chỉ mới trước Tết Nguyên đán, Alăng Thị Nhoor sinh con ngay tại nhà duông (nhà canh rẫy). May mắn, những đứa trẻ sinh ra trên rẫy ấy sống sót, lớn lên khỏe mạnh, và lại… leo trèo giỏi như những con sóc rừng…

< Làng Mèn ẩn mình trong màu xanh của cây trái.

Giữa chừng câu chuyện của chúng tôi với lũ làng, một phụ nữ mang đến gùi đầy lòn bon và mía để làm thức quả mời khách. Già Chớch khoe, dân làng Mèn giờ đã nhiều nhà mua xe máy, ti vi, biết lên trạm xá lấy thuốc, chuyện đẻ trên rẫy, trên duông cũng đã ít dần. Trong số những đứa trẻ của làng Mèn ngày ấy, đã có những cử nhân đại học đầu tiên. Những cử nhân đại học ngày trước từng leo hái, gùi lòn bon đổi chữ. Rồi sẽ có nhiều, nhiều người nữa được rừng chở che, được những gốc lòn bon cổ thụ nuôi lớn, mang cái chữ về làng…

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4

Theo Thành Công, Alăng Ngước (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!