Tà Chì Nhù là những con dốc thẳng đứng, là con đường dọc sống núi trơn trượt với gió giật liên hồi.
< Hành trình chinh phục Tà Chì Nhù không dành cho những kẻ thiếu kỹ năng và kinh nghiệm đi rừng và leo núi.
Tôi đã nghe những kẻ đi trước nói rằng: Tà Chì Nhù vẫn là miếng bánh khó xơi dành cho dân du lịch bụi. So với đỉnh Fansipan với độ cao 3.143m, Tà Chì Nhù chỉ cao 2.979m nhưng lại có đường lên đỉnh khó khăn hơn rất nhiều và đáng để những kẻ ưa phiêu lưu chinh phục. Tà Chì Nhù được xem là đỉnh núi cao thứ 6 tại Việt Nam thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái và là nơi “săn mây” lý tưởng từ khoảng tháng 10 đến tháng 2 năm sau cho các “phượt tử”
Đi giữa mùa xuân Tây Bắc
Ăn Tết vội vàng ở quê nhà, chúng tôi hẹn một sáng đầu năm để cùng nhau chinh phục Tà Chì Nhù. Men theo quốc lộ 32 rời khỏi Hà Nội từ sáng sớm, quá trưa đã đến Thu Cúc, chúng tôi may mắn được chứng kiến Tết Gioi của đồng bào dân tộc Mường vào ngày mồng 7 âm lịch với tục Đâm đuống.
< Tà Chì Nhù chỉ cao 2.979m nhưng lại có đường lên đỉnh khó khăn hơn rất nhiều so với đỉnh Fansipan.
Tục lệ này còn được tổ chức vào các dịp hội mùa, cưới xin hay dựng nhà với mong muốn một vụ mùa bội thu, thóc gạo đầy bồ cùng cơm no áo ấm. Những chiếc chày dài như đòn gánh cứ đều đều đâm vào cái cối bằng gỗ hình chiếc thuyền độc mộc dài hai tới ba sải tay mô phỏng hình ảnh giã gạo và chỉ do phụ nữ biểu diễn.
Tục Đâm đuống của đồng bào Mường - Phú Thọ là một tục lệ đẹp, biểu hiện tấm lòng trân trọng thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết trong bản làng.
Chúng tôi ngập trong sắc xuân của Tây Bắc bởi đào mận khoe sắc hai bên đường, bởi nắng vàng ngọt lịm trên đồi chè. Cả đoàn cứ mải mê cho đến khi hoàng hôn sà dần xuống núi mới vội vã về Nghĩa Lộ rồi Trạm Tấu và có mặt ở nhà chú Sinh khi trời đã tối hẳn.
Đã gần hai năm nay, Tết của người Mông được tổ chức cùng với Tết nguyên đán của người Kinh nhưng cách ăn Tết lại hoàn toàn khác nhau. Bữa cơm thân mật, chú Sinh giới thiệu một vài phong tục của người Mông như tục cúng lễ bằng gà, bàn thờ được dán giấy bản với ba chiếc lông nhúng tiết gà. Phía góc bàn thờ là các dụng cụ làm đồng được rửa sạch sẽ, đồ đạc trong bếp cũng được dán miếng giấy tương tự, chắc để báo cáo với thần linh.
< Tục Đâm đuống của bà con dân tộc Mường ở Phú Thọ.
Sau khi phân vai vế trên dưới, trưởng đoàn ngồi cùng chú Sinh ở phía trên gần bàn thờ, chúng tôi nâng chén rượu chúc mừng xuân mới, thưởng thức món ăn truyền thống của người Mông như thịt treo gác bếp, bò hầm, cải mèo luộc, măng ngâm ớt,… Thêm một gia vị mới cho bữa ăn, chú Sinh kể cho về cách làm rượu: gạo nương ngon được thổi lên và ủ với men lá trong bảy ngày, sau đó ngâm tiếp với gạo cẩm sẽ cho màu rượu tím sẫm, rượu không hăng, không cay nhưng nồng ấm và khá nặng.
Tiếng chày giã cơm của con trai và con dâu nhà chú Sinh lúc trời còn chưa sáng làm cả đoàn thức giấc. Cơm được giã ra để làm thành bánh giày rồi cắt từng miếng đem rán lên. Bánh giày truyền thống của người Mông được làm từ gạo nếp nương, là loại bánh quan trọng trong nghi thức cúng lễ, không thể thiếu trên bàn thờ mỗi dịp lễ tết. Bánh giày cũng là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái Mông.
Những đứa trẻ cũng dạy rất sớm cùng bố mẹ, mắt còn ngơ ngác chờ cho ăn. Cả bản còn chìm trong sương sớm, chú Sinh làm vội con gà đen, nhét thêm ít đồ vào cái gùi và dặn dò anh con trai đưa chúng tôi lên đường. Cả đoàn đi xe đến một công ty mỏ cách nhà chừng 6km, gửi xe tại đây và bắt đầu cuộc hành trình của mình. Những thửa ruộng bậc thang loang loáng nước đang ánh lên những tia nắng bình minh là màn chào đón của dãy Phu Song Sung với chúng tôi.
Hoàng hôn trên đỉnh Tà Chì Nhù
Những bước chân đầu tiên đã nhanh chóng làm chúng tôi vã mồ hôi mà quên đi cái lạnh giá. Đây không phải là lần leo núi đầu tiên của cả đoàn nhưng việc bị mất sức nhanh là điều rất khó tránh khỏi.
Khi chỉ vừa qua con dốc thứ hai, sự cố đã xẩy ra khi một người bạn đồng hành bị tụt đường huyết do không kiểm soát tốt hơi thở của mình. Kinh nghiệm đi rừng đã giúp chúng tôi xử lý tốt tình huống này chỉ với đường gluco và nghỉ ngơi điều hòa lại nhịp. Núi tiếp núi, dốc cứ dựng đứng như thách thức, đi thêm chừng dăm bảy con dốc nữa thì cả đoàn đến trảng rừng xanh ngút mắt, có cả dòng suối mát lạnh chảy xuyên qua làm dịu đi cái nắng trên đầu.
Càng lên cao, mặt trời càng dương oai rải nắng rát mặt và gió càng mạnh. Dần dần tôi cũng thấy rõ “những đường nguệch ngoạc trên nền trời xanh đó” đang đu mình theo gió, tung tẩy trong nắng vàng, reo vang giữa mây ngàn với vũ điệu của cây. Vượt qua đồi ba cây, chúng tôi đến khu rừng trúc ăn trưa, nắng xuyên kẽ lá, trảng rừng đu đưa, kẽo kẹt, cùng gió thổi những bản nhạc của thiên nhiên. Tính đến đây, chúng tôi đã đi được một nửa đường lên đỉnh.
Sau bữa trưa đơn giản và nhanh chóng, chúng tôi tiếp tục leo dốc, trườn qua những sườn núi để lên độ cao 2.600m. Đây cũng là khu vực mà các nhóm đi trước hay cắm trại để nghỉ đêm vì đất khá bằng phẳng lại gần nguồn nước. Khu trại nuôi dê của nhà chú Sinh cũng ở đoạn này, thế nên chúng tôi để lại đồ đạc và tiếp tục hành trình lên đỉnh với hi vọng có thể ngắm được hoàng hôn.
Càng lên cao gió thổi càng mạnh, phải men theo sườn núi, nhiều đoạn chúng tôi phải ngồi thụp hẳn xuống để tránh gió giật có thể xô ngã xuống vực. Cả ngày leo trong nắng, tưởng chừng như giấc mơ biển mây trên đỉnh núi sẽ tan tành nhưng như một món quà của thiên nhiên, khi leo qua sống núi cuối cùng là cả một khung cảnh như chỉ có trên thần tiên hiện ra. Đó là bồng bềnh mây trắng trong màu nắng của hoàng hôn, nắng chiều nhuộm vàng những ngọn núi xung quanh chúng tôi.
Phía xa kia là đỉnh Tà Xùa, Tà Y Chơ mờ ảo trong mây, cũng sẽ là đích đến trong những cuộc chinh phục tiếp theo của chúng tôi.
Mải mê với cảnh sắc nơi đỉnh cao Tà Chì Nhù mà quên mất trời đang tối rất nhanh, cả lũ chúng tôi cuống cuồng xuống núi trong ánh sao mai và trăng non đã mọc. Trời càng tối, gió càng mạnh hơn, nhiệt độ hạ xuống rất nhanh khiến ai cũng run rẩy vì chỉ mang một manh áo mỏng lúc đi lên từ điểm nghỉ. Đoàn chúng tôi bị tách làm hai nhóm nhỏ, nhóm trước có người dẫn đường, còn bốn người phía sau trong đó có tôi đã bị lạc đường.
Lần mò theo lối mòn cũ nhưng không thành, những tiếng hò hét gọi đồng đội bị những cơn gió đang rít liên hồi nuốt mất rồi bỏ lửng giữa không trung. Chỉ xác định được hướng đi về phía chân núi, nơi có chút ánh sáng rọi lên, chúng tôi đoán là từ khu cắm trại hắt lên. Từng bước chân lao xuống triền dốc, choạng vạng, nắm từng nhành cây, bụi cỏ để trượt xuống.
Có lẽ, vì chờ nhóm chúng tôi quá lâu nên con trai chú Sinh đã quay ngược lại và tìm thấy chúng tôi. Đó cũng là bài học kinh nghiệm nhớ đời với mỗi chúng tôi trong những hành trình về sau. Đêm trên Tà Chì Nhù hoang liêu, chúng tôi co ro trong những góc lều dưới cái lạnh như cắt da cắt thịt, giấc ngủ chập chờn trong không gian u minh của núi rừng.
Bình minh trên biển mây
Một ngày vất vả đã lùi xa phía sau, ánh bình minh đang ló dần sau đỉnh núi. Thiên nhiên không hề bạc đãi những kẻ dám dấn thân mình trong hành trình săn mây, cả biển mây lại hiện lên một lần nữa dưới chân chúng tôi. Cứ như ở thiên đường, ngay trước mắt chúng tôi thôi, những con sóng mây đang cựa mình cùng hơi thở của núi rừng, từng cuộn mây bồng bềnh trong nắng mai. Cả đoàn vội vàng dỡ trại để xuống gần hơn với tầng mây phía dưới.
Những con dốc cao lên đã khó, xuống cũng chẳng dễ nhằn, đất sỏi rất dễ làm trượt chân. Kinh nghiệm lúc này là bước chân cần xoay ngang ra một chút để tránh sục thẳng ngón chân cái vào mùi giày dễ gây đau và tránh bị trượt do mất trọng tâm.
Dừng lại ăn sáng ở rừng trúc, nấu bát nước chè xanh, nhấm nháp vị chát của sản vật Tây Bắc mà chúng tôi đã mang đi từ nhà chú Sinh. Khu rừng trúc trước đây là rừng pơ-mu xanh tốt nhưng đã bị tàn phá bởi bàn tay con người, nay chỉ còn lại tre trúc và dăm ba cây bụi nhỏ lơ thơ mà thôi. Trên đường về, chúng tôi phải ghé lại con suối ngang đường để lấy thêm nước, ở đây như một sự tình cờ, chúng tôi có thêm “bạn đồng hành” là một chú trâu đi lạc.
Chú trâu bám theo cả đoàn khá sát và rất nhẹ nhàng lao xuống dốc tưởng như dựng đứng trong khi chúng tôi dò dẫm đặt từng bước chân. Xuống tới tận chân dốc, chú trâu kia thủng thẳng đi trước, chẳng thèm quan tâm bọn chúng tôi phía sau đang làm gì. Vậy là hành trình chinh phục Phu Song Sung (theo cách gọi của người Thái) hay Chung Chua Nhà (theo cách gọi của người Mông) của chúng tôi đã thành công.
< Trò chơi leo cột lấy quà trong Tết của người Thái.
Trở về khu mỏ đã quá trưa, ghé thăm anh bảo vệ để xin lại xe và bát nước chè, ngồi thảnh thơi nghe câu chuyện về phỉ (cách gọi dân khai thác trộm khoáng quặng), cũng đôi lần đã xẩy ra xô xát.
Ngược ra nhà chú Sinh rồi Hát Lừu trong không khí vui tết của đồng bào Thái. Họ tập trung rất đông ở trung tâm xã, tiếng hò hét cổ vũ cho những người liều lĩnh trèo lên cây nêu để lấy phần thưởng vang khắp cả vùng. Tiếng hò reo phấn kính của đồng bào khi dành được phần thưởng hay chính tiếng lòng chúng tôi, cảm giác tự mãn của những kẻ chinh phục thành công một đích đến – Tà Chì Nhù.
Lịch trình:
Ngày 1: Hà Nội – Thanh Sơn – Thu Cúc – Nghĩa Lộ - Xà Hồ (Trạm Tấu)
Ngày 2: Trekking, ngắm hoàng hôn trên đỉnh Tà Chì Nhù
Ngày 3: Ngắm bình minh trên đỉnh núi – Xà Hồ - Hà Nội
Theo Cô Mộc (Autocarvietnam.vn)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.