(VH&ĐS) - Nằm giữa quần thể DTLSVH nổi tiếng với những Lăng miếu triều Nguyễn, Ly cung Nhà Hồ, chùa Long Cảm, đền Hàn Sơn… rừng Sến Tam Quy - rừng sến nguyên sinh thuần loài còn lại duy nhất ở Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

< Hồ Đập Cầu và rừng sến Tam Quy tạo nên vẻ đẹp huyền bí.

Du khách đến rừng sến Tam Quy (Hà Trung) đều có chung cảm giác như lạc vào một thế giới khác, đắm chìm trong không gian thiên nhiên tĩnh lặng, bình yên nơi rừng núi. Đi sâu vào rừng sến, đến với hồ Đập Cầu càng thêm choáng ngợp trước vẻ đẹp nên thơ của những đồi sến in bóng mình xuống mặt hồ, toả mùi thơm man mát cùng tiếng hót của hàng trăm loài chim rừng, như níu chân người ghé thăm.

< Xuyên qua rừng sến là con đường lớn.

Tổng diện tích rừng sến của Khu bảo tồn được quy hoạch hơn 500 ha, trải dài trên địa bàn các xã Hà Tân, Hà Lĩnh, Hà Đông. Rừng sến Tam Quy được bảo vệ nghiêm ngặt bởi đây là nguồn tài nguyên quý giá ở Việt Nam.

Không chỉ là một trong “tứ thiết”, loài sến mật đặc hữu, đa tác dụng này còn được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Than sến có nhiệt lượng hơn bất kỳ loài than nào. Các lò rèn ở Hậu Lộc xưa muốn có sản phẩm tốt thường đến vùng này khai thác, tận dụng thứ phẩm của sến về đốt làm than để luyện thép.

Hạt sến ép làm dầu ăn và từng là sản vật tiến vua, được dùng trong chế biến thực phẩm rất bổ dưỡng cho sức khỏe, nhất là những người bị bệnh tim mạch. Bã của hạt sến dùng cho phòng trừ sâu bệnh hại trong sản xuất nông nghiệp. Vỏ và lá sến được dùng để chiết suất thuốc chữa bỏng rất hiệu quả. Có thể nói ngoài giá trị điều hòa không khí, cải thiện môi trường sống, rừng sến Tam Quy còn là nơi bảo tồn nguồn gien quý phục vụ cho công tác bảo tồn loài và nghiên cứu khoa học, được ví như bảo tàng thiên nhiên về chủng loại sến, là niềm tự hào của xứ Thanh.

Tuy nhiên, đến nay rừng sến Tam Quy mới chỉ dừng lại ở khu rừng đặc dụng Quốc gia bảo tồn loài sến chứ chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển du lịch. Việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về rừng đặc dụng duy nhất này tới đông đảo người dân cũng chưa được quan tâm đúng mức, khiến cho rừng sến Tam Quy trở nên xa lạ. Bên cạnh đó, việc thiếu sự định hướng chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về phát triển du lịch sinh thái tại rừng sến Tam Quy, sự đầu tư chuyên nghiệp của các công ty du lịch khiến cho rừng sến này vẫn đứng đó, như tách hẳn với những lễ hội nhộn nhịp tại những di tích văn hóa nổi tiếng của Hà Trung.

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục và cấp kinh phí thực hiện Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp bảo tồn nguồn gien Sến mật tại Tam Quy”. Theo đó, Dự án JICA 2 Thanh Hóa cũng đã hỗ trợ thêm kinh phí cho việc bảo tồn và phát triển rừng sến Tam Quy. Đây là cơ hội tốt cho rừng sến Tam Quy phát triển bền vững.

Để phát huy tiềm năng này rất cần một quy hoạch cụ thể về phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tại Hà Trung nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Bên cạnh đó cần có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, hướng dẫn viên chuyên nghiệp am hiểu sâu về rừng sến, nhằm nâng cao nhận thức của khách du lịch về giá trị và vẻ đẹp độc đáo của rừng sến.

Theo Mai Hương (Văn Hóa & Đời Sống)
Du lịch, GO!