(VH&ĐS) - Hiện nay nhiều ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường, Thái đang dần biến mất, thay thế bởi những ngôi nhà xi măng cốt thép. Nhưng đến xã Thạch Lâm (Thạch Thành) chúng tôi hết sức ngạc nhiên, vì người dân vẫn còn lưu giữ được những mái nhà sàn cổ kính như một phần không thể thiếu trong nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường nơi đây.

< Làng Thượng và những ngôi nhà sàn cổ.

Những ngôi nhà sàn cổ này tập trung chủ yếu ở 3 làng: Làng Đăng, làng Thượng và làng Thành Nội. Làng Thượng với trên 80 hộ dân, thì có đến trên 90% số hộ ở nhà sàn.

Hiện người đang sở hữu ngôi nhà sàn cổ nhất là ông Nguyễn Văn Phúc, trú tại làng Thượng. Ngôi nhà này đã có tuổi thọ trên 200 năm. Ông Phúc tâm sự: “Ngôi nhà này có từ đời cố nội tôi, đến nay đã 4 đời. Đây là tài sản lớn nhất mà các thế hệ cha ông đi trước để lại, nên chúng tôi không muốn tháo dỡ để làm nhà mới. Cái nào hư hỏng thì sửa sang lại. Đã có nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi không bán. Bán nhà khác chi bán đi tổ tiên của mình”.

Ngôi nhà của ông Quách Văn Thành ở làng Thành Nội tuy còn mới, nhưng cũng được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông Thành cho biết: “Ở nhà sàn vừa mát, lại giữ được nét văn hóa của đồng bào mình”.

Ông Bùi Văn Thương - Trưởng thôn Thượng cho biết đa phần người dân ở đây còn giữ được nguyên vẹn những ngôi nhà cổ. Tuy có một số ngôi nhà được làm mới, nhưng nó cũng thể hiện được một phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Để gìn giữ nét văn hóa nhà sàn, các cấp chính quyền ở đây đã có những chính sách hỗ trợ thiết thực, như hỗ trợ 6 triệu đồng/ hộ để xây dựng mới và sửa chữa những ngôi nhà đã và đang bị xuống cấp.

Hiện nay cả 3 làng này có gần 300 ngôi nhà sàn. Ông Bùi Văn Ních - một trong 7 chủ hộ có nhà sàn cổ nhất còn lại cho biết: “Những ngôi nhà sàn hiện nay được xây dựng theo 4 kiểu dáng khác nhau là kiểu chôn cột ngày xưa; kiểu đặt thêm nhiều trụ trong nhà và các xà ngang; kiểu thứ 3 là không có đốc 2 bên nhà và kiểu thứ 4 là thêm nhiều quá giang và đòn bẫy. Hiện cả 3 làng chỉ còn 7 nhà giữ được kiểu kiến trúc nhà sàn cổ. Để dựng được một ngôi nhà sàn kiểu cổ phải mất từ 2 đến 3 năm, nên hầu hết các gia đình đều làm theo kiểu mới”!

< Những ngôi nhà sàn đã hư hỏng người dân xin phép chính quyền để xây dựng lại chứ không làm nhà bằng gạch.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm Bùi Quý Ly cho biết: “Hiện nay huyện khuyến khích những gia đình còn giữ được những ngôi nhà sàn cổ thì không nên bán hoặc phá bỏ để làm nhà mới. Ngoài ra, chúng tôi hết sức tạo điều kiện cho những gia đình có nguyện vọng làm nhà sàn mới để ở. Mấy năm trước, khi rộ lên phong trào sưu tầm nhà sàn cổ, đã có nhiều gia đình hám tiền muốn bán nhà, nhưng rất may chúng tôi đã kịp thời phát hiện, tuyên truyền để người dân giữ lại nhà”.

< Thác nước Thạch Lâm tại làng Thượng cũng là một điểm đến hấp dẫn.

Ông Ly cũng cho biết thêm: 3 làng này có thể nói là một điểm nhấn về nhà sàn cổ. Mặt khác, do đây là địa bàn nằm ở vùng đệm của rừng Quốc gia Cúc Phương, nên chúng tôi cũng nghiêm cấm việc phá rừng để lấy gỗ làm nhà. Hộ nào làm nhà mới phải xin phép khai thác gỗ ở rừng sản xuất và được xã chấp thuận. Đây cũng là một điểm rất quan trọng để lưu giữ những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường nơi đây.

Du khách biết đến xã Thạch Lâm không chỉ có nhà sàn cổ mà ở đây còn có thác nước Thạch Lâm (trước gọi là thác Lải) rất đẹp. Xã Thạch Lâm và huyện Thạch Thành đang lập kế hoạch kêu gọi các tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại khu vực này.

Theo Phạm Thọ (Văn Hóa & Đời Sống)
Du lịch, GO!