(ĐĐK) - Sau nhiều dự định, cuối cùng chúng tôi cũng quyết định "thượng sơn”, trở lại huyện vùng cao Mường Lát trong một buổi sang đầu Đông se sắt lạnh.

Pha Đén là bản cao nhất ở xã Pù Nhi, với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, đây cũng là bản Mông cao nhất ở huyện biên viễn Mường Lát, đồng thời cũng là bản cao nhất của tỉnh Thanh Hoá, chính vì thế Pha Đén được ví như “nóc nhà” của xứ Thanh.

Anh cán bộ phòng văn hóa huyện Nguyễn Thái Việt - người có "thâm niên” tại vùng biên viễn này cho hay: Nếu mới chỉ đi dọc tỉnh lộ 520 và một số bản quanh thị trấn thì chưa thực sự là người hiểu Mường Lát...

Muốn tìm hiểu những đặc trưng và hoàn cảnh sống của đồng bào Mông nơi đây, phải đến với bản Cang, bản Nà Hin của xã Mường Chanh. Cần biết những tập tục gần như còn nguyên vẹn của người Dao, phải về tận các bản Quan Dao, Suối Tút của xã Quang Chiểu... Các bản Hua Pù, Pha Đén của xã Pù Nhi nằm trên cao nhất, song ở đây đang có nhiều đổi thay đáng ghi nhận.

Thượng sơn

Nếu đi dọc tỉnh lộ 520 - sợi dây duy nhất nối Mường Lát với các huyện miền xuôi – một trong những điểm cao nhất của vùng đất này lữ khách phải qua là bản Pù Toong xã Pù Nhi. Nhưng so với Pha Đén, Pù Toong mới chỉ là nơi bắt đầu cuộc hành trình vượt núi. Đứng ở cuối bản Pù Toong, ngước nhìn con đường ngoằn ngoèo ngày một nhỏ dần như vút lên lưng chừng trời khiến lòng tôi không khỏi ái ngại. Đắn đo mãi rồi chúng tôi cũng quyết định "chinh phục” Pha Đén bằng xe máy. Bởi đây đang là đợt nắng hiếm hoi trong tiết giao mùa. "Chỉ đi bằng phương tiện này các bạn mới có thể cảm hết được vẻ đẹp hùng vĩ, sự thân thiện trong ánh mắt của thiên nhiên và con người cũng như những khó khăn mà đồng bào phải vượt qua ở nơi đây” – Việt nhìn tôi cười khích lệ.

Tròng trành qua cầu treo Na Tao của bản cùng tên thuộc xã Pù Nhi, những triền núi cao bắt đầu hiện hữu. Chiếc xe máy phải gồng mình để leo theo con đường vắt ngang qua các sườn núi phủ đầy mây. Hết rú ga rồi sang số, chúng tôi cũng đã vượt qua 3 ngọn núi khá cao thuộc dãy Pha Đén hùng vĩ. Bản "nóc nhà xứ Thanh” hiện ra bồng bềnh trong mây. Hiện Pha Đén chỉ có 67 hộ đồng bào người Mông sinh sống nhưng lại phân bố trải dài theo con đường mòn tới 4,7 km.

Dọc hai bên đường, những người làm lúa nương, người đi lấy nước, chăn thả gia súc vẫy tay cười chào khách. Bản người Mông này luôn có mây mù vây phủ quanh năm. Khí hậu Pha Đén bốn mùa mát mẻ, người dân phải đắp chăn 12 tháng, kể cả đêm Hè. Cái tên của mảnh đất "ngày đến sớm, đêm về muộn” này cũng xuất phát từ thực tế ấy. "Theo ngôn ngữ của người bản địa, "Pha” nghĩa là núi, "Đén” là ở trên trán. Hàm nghĩa là cao, lúc nào cũng phải ngước lên mới thấy được” - một cán bộ huyện Mường Lát giải thích.

Thấy có người lạ, đám trẻ con tỏ ra hơi lạ lẫm rồi lại vô tư nô đùa. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song từ nhiều đời qua, những lớp trẻ ở đây vẫn cứ lớn lên như cây gỗ giữa rừng. Ai có dịp qua bản, cũng được người dân nơi đây coi là thượng khách. Vượt qua quãng đường cuối cùng với những đoạn đường dốc và đá hộc lởm chởm, chúng tôi đã đến được những hộ gia đình nằm xa nhất của bản.

Những đổi thay ở Pha Đén

Do khó khăn về đường đi nên đồng bào ở đây sớm hình thành kiểu làm ăn tự cấp tự túc. Hướng mưu sinh chính của người dân trong bản là trồng lúa nương và ngô rẫy. Trên triền núi cao, những nương ngô vẫn xanh tốt dưới mây chờn vờn bay. Đồng bào ở đây đã biết "ứng dụng” ống luồng làm đường dẫn nước từ các suối nhỏ về nương tạo nguồn "thuỷ nông” nâng cao năng suất lúa. Lợi dụng khí hậu mát mẻ trên cao, bà con trồng nhiều loại rau ưa lạnh làm nguồn thực phẩm. Các loại rau cải, su su, bầu bí nhờ đó vẫn gối lứa để đâm chồi, nảy lộc quanh năm.

Hôm nay bản có khách, Trưởng bản Lâu Văn Sung vừa với tay lấy gói trà Thái được cất kỹ trong hộc bàn ra pha vừa khề khà: "Bản ta trước đây nghèo lắm, lại đẻ nhiều. Bà con quanh năm thiếu thốn không đủ ăn. Nhiều người trẻ còn nghiện thuốc phiện không làm được gì nên càng cơ cực. Gần đây bà con được cán bộ phổ biến và cấp giống trồng ngô lai hai vụ, các chú bộ đội tuyên truyền phải chăn nuôi nhiều bò, chăm sóc rừng nên đời sống ngày càng khá giả. Dân bản cám ơn Đảng, cám ơn chính quyền nhiều lắm!”. Được biết chi bộ đảng nơi đây đã phát triển tới 18 đảng viên. Qua chi bộ, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống.

Từ năm 2000, trường Tiểu học Pù Nhi đã mở được khu lẻ tại đây nên cảnh thất học được đẩy lùi. Đến nay, gần như 100% số em trong độ tuổi đều được vận động đến trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Pha Đén có gần 20 học sinh đang học cấp II, hơn 10 học sinh đang trọ học THPT trên thị trấn.

Không như một số bản xa của Mường Lát, người Mông ở Pha Đén hoàn toàn có quyền tự hào bởi trong bản đã có nhiều người làm cán bộ. Ông Lâu Minh Pó, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Mường Lát cũng là người con của bản này. Lớp kế cận thì có anh Lầu Mai Dơ, hiện đang là Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Lát. Hàng chục học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường ấy đang góp phần nâng cao tỷ lệ số người biết đọc, biết viết tiếng phổ thông của bản. Từ đó, chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự giao lưu văn hoá, đưa nhiều cách làm ăn mới và hiệu quả về cho bản làng.

Tuy chưa có điện lưới quốc gia, song nhiều hộ dân đã biết lợi dụng nguồn thuỷ năng ven suối để đặt các máy thuỷ điện mi ni phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhờ thế, 30% số hộ trong bản đã được dùng điện. Nhiều gia đình đã mua được xe máy. Giờ đây, các gia đình ra trung tâm xã mua sắm đồ, giao lưu thường xuyên chứ không phải vài tháng một lần như trước kia.

Muốn tìm gặp một gương làm kinh tế giỏi, chúng tôi được giới thiệu đến gia đình thanh niên Chá Văn Dơ. Trong bản, Dơ được coi là trí thức và là người có tư duy đổi mới. Anh đã tốt nghiệp THPT từ 2005, sau đó vào quân đội. Hết nghĩa vụ quân sự, anh quyết định về quê tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất nghèo chôn rau cắt rốn của mình. Tiếp cận nhiều cái mới, tư duy dám nghĩ dám làm, Dơ đã nhận chăm sóc rừng cho Nhà nước, chăn nuôi bò, dê theo hướng hàng hoá. Đến nay, đàn bò của anh đã phát triển lên đến 9 con, mỗi năm, từ bán bò và các hoạt động làm kinh tế khác cũng cho thu nhập cả chục triệu đồng. Nhờ sự đột phá trong phương cách làm ăn, cái đói, cái nghèo đã lùi xa 4 nhân khẩu trong gia đình anh.

Trong bản, Chá Văn Dơ cũng chính là người tích cực tuyên truyền cho dân bản xoá bỏ các hủ tục, sống theo lối sống mới. Hiện tại, Dơ đang là đảng viên dự bị của xã Pù Nhi. Tâm sự với chúng tôi, Dơ cho biết: "Trình độ dân trí của bà con đang dần được nâng cao. Gần như không còn tình trạng cúng bái đuổi ma tà mỗi khi có người ốm. Nếu có bệnh, đồng bào đã biết xuống trung tâm xã mua thuốc Kinh (thuốc Tây - PV) để chữa trị”.

Sau khi thăm bản, những tưởng tượng trước đây trong tôi về một miền sơn cước lạc hậu, khốn khổ đã không còn. Hình ảnh một thanh niên chạy theo phóng viên xuống đầu bản, nhất định tặng một quả dưa Mông khiến chúng tôi cảm động và thấy ấm lòng.

Ở nơi núi cao và nguyên sơ ấy, tình người như được tôn ở vị trí tối thượng. Tuy còn nhiều vất vả, song tình cảm chân thành và tinh thần vươn lên trong cuộc sống của họ lúc nào cũng dạt dào như mây gió trời xanh vậy. Thật vui khi một con đường lớn lên bản đang được mở bởi "Dự án ổn định đời sống và sản xuất vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát”. Tuy chưa xong nhưng xe tải nhỏ đã lên được đến đầu bản. Đây chính là dấu mốc quan trọng để bà con có thể bán ngô, bò, dê, lợn cỏ... mà không bị ép giá như trước kia. Thế giao lưu đang rộng mở hơn bao giờ hết. Pha Đén chắc chắn sẽ đổi thay theo từng ngày...

Theo Nguyễn Chung (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!