(NLĐ) - Những năm 60 của thế kỷ trước, xuất phát từ đàn chó nuôi mắc bệnh dại cắn làm nhiều người dân ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chết. Kinh hãi về bệnh dại, kể từ đó tới nay đã hơn 50 năm, người dân xã này cùng nhau lập hương ước không nuôi chó.

< Đường làng xã Diễn Nguyên vắng bóng các chú chó đã 50 năm nay.

Người Việt Nam có thói quen nuôi chó, trước để giữ nhà, sau bầu bạn. Vì vậy, tiếng chó sủa đã quá quen thuộc, nhất là ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, có một vùng quê ở Nghệ An, tiếng chó sủa đã mất hẳn từ hơn 50 năm qua.

Trận dịch dại kinh hoàng

Về xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hôm nay cảm giác yên ả bao trùm. Đi trên những con đường bê-tông sạch bóng, chúng tôi ghé thăm các xóm trong xã như Tân Châu, Tân Cảnh, Tân Phong, Tân Ninh…Đi tới đâu, ghé thăm nhà nào cũng không thấy bóng dáng các chú chó như ở những vùng quê khác.

Theo các vị cao niên trong làng kể lại thì ở xã này, từ mấy chục năm rồi không nuôi chó, xuất phát từ việc một số người dân trong làng bị chó nuôi phát bệnh dại cắn dẫn đến tử vong. Cụ Đào Thị Thuyết (85 tuổi, ngụ xóm Tân Châu) nhớ lại: “Cũng như nhiều nơi khác, ngày xưa nhà nào cũng nuôi chó để giữ nhà. Năm 1962, bệnh dại bùng phát trên đàn chó nuôi. Chó dại cắn cụ cố Phiên trong xóm và một số người khác. Do không được chữa trị kịp thời, tất cả họ đều chết. Lo sợ bệnh dại nên từ đó người dân trong xóm, xã thống nhất với nhau không nuôi chó nữa”.

Một lý do khác mà người dân xã Diễn Nguyên đã hơn 50 năm nay nói không với việc nuôi chó là do chó thả rông phóng uế khắp đường làng, ngõ xóm làm mất vệ sinh và có khi dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, mất tình cảm giữa hàng xóm láng giềng với nhau. Cụ Nguyễn Văn Hồng (90 tuổi, xóm Tân Châu) lý giải: “Nhà nào cũng nuôi 2-3 con chó, cứ thấy người lạ là lao ra cắn. Muốn đi thăm anh em, làng xóm nhưng nghĩ tới cảnh đàn chó dữ là sợ không dám sang nhà chơi. Nuôi chó đúng như cha ông mình vẫn nói “chó dữ mất láng giềng”.

Cũng theo cụ Hồng, từ khi xóm làng không nuôi chó thì người già ra đường không sợ chó cắn, trẻ nhỏ đêm, ngày ngủ ngon giấc bởi không bị giật mình do tiếng chó sủa.

Hương ước kỳ lạ

Ông Nguyễn Bội (87 tuổi, ngụ xóm 7, nguyên Chủ tịch UBND xã đầu tiên của xã Diễn Nguyên) nhớ lại: Sau đợt chó dại cắn làm nhiều người chết, dân làng thống nhất với nhau là xử lý toàn bộ số chó còn sống đồng thời đặt ra hương ước không nuôi chó, ai nuôi sẽ bị phạt. Từ đó tới nay đã trên 50 năm, người dân trong xã không ai bảo ai nhưng đều chấp hành hương ước này một cách nghiêm túc.

Ông Trần Ngọc Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên, cho biết: “Hương ước về việc không nuôi chó có từ những năm 1960 cho đến nay, người dân trong xã đều thực hiện nghiêm túc. Không nuôi chó, vệ sinh môi trường trên địa bàn xã luôn sạch sẽ, người dân không còn lo sợ bệnh dại, không có nạn trộm chó”.

Cũng theo ông Sanh, việc đưa ra hương ước không nuôi chó là hoàn toàn tự nguyện, người dân có quyền quyết định việc nuôi hay không nuôi. “Luật pháp không cấm nuôi chó, mới đây, một số người dân có ý kiến về việc này nên chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến và có đến 80% người dân đồng tình với việc không nuôi chó”.

Ông Ngô Quốc Khánh, Công an xã Diễn Nguyên, cho biết nhiều người lo ngại nếu không nuôi chó thì nạn trộm cắp sẽ hoành hành, tuy nhiên tại xã Diễn Nguyên, tình hình an ninh trên địa bàn trong những năm qua rất ổn định. “Ngoài ra, do người dân không nuôi chó nên không xảy ra nạn bắt trộm chó như nhiều địa phương khác” - ông Khánh cho hay.

Làng không ăn thịt chó

Đã hơn 15 năm nay, người dân làng Phú Dương, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam không ăn thịt chó. Ông Nguyễn Văn Thìn, Trưởng thôn Phú Dương, cho biết trước đây, người làng cũng ăn thịt chó như các địa phương khác nhưng sau cái chết thảm khốc của một phụ nữ trong làng thì người dân trong thôn đã cạch món này cho đến nay. Ông Thìn kể: Năm 1999, bà Nguyễn Thị Đ. lên ngọn núi Gò Thị đốn củi từ sáng sớm đến chiều tối vẫn không thấy về. Cả gia đình và chính quyền địa phương tổ chức đi tìm nhiều ngày liên tục.

< Người dân Phú Dương nuôi chó nhưng chẳng bao giờ giết thịt ăn.

Sau 1 tuần, thi thể bà Đ. được phát hiện nằm trong một đám mía nhưng không còn nguyên vẹn, chỉ còn lại phần đầu và một phần xương chân. Trong khi gia đình tổ chức lễ tang cho bà Đ. thì nhiều người dân trong làng phát hoảng bởi những khúc xương của bà Đ. bị chó mang về nhà. Sự việc này khiến người dân trong làng hết sức kinh hãi, ám ảnh.

Bà Lê Thị Hòa (70 tuổi) rùng mình: “Kể từ thời điểm đó đến nay, tôi không bao giờ đụng đến miếng thịt chó, con cháu tôi cũng chẳng bao giờ ăn. Người dân ở đây vẫn nuôi chó nhưng không bao giờ giết thịt, chó có thể bán hoặc chết thì đem chôn”.

Ông Bùi Tuần, Chủ tịch UBND xã Quế Thuận, xác nhận chuyện người dân thôn Phú Dương không ăn thịt chó là có thật. “Chuyện này xuất phát từ cái chết của bà Đ. cách đây cũng đã lâu mà đến nay dường như đã trở thành thói quen. Không những thôn Phú Dương, một số thôn lân cận cũng như vậy” - ông Tuần cho hay.

Theo Đức Ngọc, Tr Thường (Người Lao Động)
Du lịch, GO!