Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi dòng Nàng Nhị gắn với truyền thuyết cải lão hoàn đồng của đôi trai gái lại chảy ngang qua xã Hữu Lập, Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi có nhiều người thọ trên trăm tuổi.

< Bản làng ở Hữu Lập, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Ở Nghệ An, mỗi khi nhắc đến xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn người ta sẽ nghĩ ngay đến nơi sinh sống của những cụ ông, cụ bà râu tóc bạc phơ, dẻo dai, minh mẫn. Xã Hữu Lập nằm cách thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn gần 15 km đường chim bay về phía bắc.
Từ Hà Nội, xuôi theo quốc lộ 1A đến ngã ba Diễn Châu, rẽ về quốc lộ 7 sẽ đến Hữu Lập. Là vùng cao gần biên giới, đường vào xã quanh co những con dốc kéo dài, trơn trượt mỗi lúc mưa, khi thì ì ạch lên cao, lúc lại dập dềnh qua cầu treo vắt vẻo ngang suối.

Sóc ngược là thế nhưng con đường heo hút mùa này được ôm trọn trong làn mây trắng, khiến du khách ngỡ như lạc vào cõi bồng lai trên đường tìm đến những vị “tiên” tóc bạc. Hữu Lập hiện ra với những mái nhà sàn mốc thếch như tổ chim treo rải rác lưng chừng núi.

Ngay từ bước chân đầu tiên du khách đã có thể nghe tiếng suối chảy thì thầm. Đó là dòng Nàng Nhị bắt nguồn từ chân núi Piơng hùng vĩ chảy qua Hữu Lập. Những bản làng nơi đây hầu hết đều quây quần hai bên dòng suối. Không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà móm mém, khoác tay nhau ngồi rủ rỉ chuyện trò trước hiên nhà.

Vẫn những mái nhà sàn cổ kính ẩn mình dưới tán lá, lãng đãng mây vờn, lảnh lót tiếng chim, trong tiếng nói cười sang sảng của cụ già trên trăm tuổi đã tạo nên bức tranh huyền ảo giữa miền sơn cước, mà ẩn chứa trong đó biết bao truyền thuyết từ ngàn đời.

Đó là câu chuyện tình yêu về nàng Nhị - công chúa xinh đẹp của đất nước Triệu Voi với chàng trai chăn ngựa tên gọi Khăm Pon. Để lấy được nàng Nhị, Khăm Pon phải vượt qua thử thách của vua cha là tìm được viên ngọc cầu vồng trong miệng con hổ một chân ở ngọn núi Piơng. Thương Khăm Pon vì bị đẩy vào chỗ chết, nàng Nhị đã trốn đi tìm rồi lạc vào cánh rừng đầy mây trắng.

Trú ngụ trong hang đá chờ Khăm Pon trở lại, mỗi mùa hoa ban đến, nàng lại khắc lên phiến đá nơi cửa hang một bông hoa ban. Nàng không hề biết rằng chàng trai cũng bị lạc trong cánh rừng này và chỉ ở cách nàng một ngọn núi. Khi Khăm Pon tìm được đến nơi thì nàng đã hóa thành một người đàn bà tóc trắng, gục chết bên phiến đá khắc 64 bông hoa ban. Còn Khăm Pon cũng đã là một ông lão già nua, ôm lấy xác người yêu và cũng trút hơi thở cuối cùng.

Tình yêu của họ đã làm cho thần núi phải bật khóc. Từ chân núi nứt ra một con mắt khổng lồ, nước từ đó ào ào tuôn thành suối. Sau ba ngày ba đêm đầm mình dưới suối, nàng Nhị và chàng Khăm Pon không những được cải tử hoàn sinh mà còn cải lão hoàn đồng. Họ nên vợ nên chồng, cùng sống hạnh phúc bên dòng suối. Từ đó, con suối này được gọi là suối Nàng Nhị hay suối Dụ Kẻ (sống mãi).

Tuy câu chuyện nàng Nhị chỉ là truyền thuyết nhưng sự trường thọ của người dân tại nhiều bản làng ở Hữu Lập nơi suối Nàng Nhị chảy qua là hoàn toàn có thật. Số những cụ trên 100 tuổi hiện đã quá hai bàn tay trong khi trên 80 tuổi thì chưa thể đếm hết. Số người sống thọ chủ yếu nằm ở bản Na, bản Xốp Thặp, bản Xốp Thặng.

Nhiều người cho rằng nhờ dòng Nàng Nhị với truyền thuyết cải tử hoàn đồng mà người Hữu Lập sống thọ như vậy. Tiếng lành đồn xa, nhiều người vùng khác cất công, lặn lội đến tận suối Nàng Nhị để tắm, ngay cả trong tiết trời giá lạnh. Họ còn lấy nước vào chai, can để mang về.

Chẳng ai có thể chắc chắn dòng nước ấy kéo dài tuổi thọ nhưng nếu dành thời gian nghỉ lại các bản quanh dòng suối, mỗi người sẽ tự tìm được cho mình một cách lý giải khác nhau về sự trường thọ ở đây. So với nhiều vùng khác, không khí ở Hữu Lập vô cùng trong lành, thuần khiết và ổn định, trên có rừng xanh, dưới là suối bạc.

Bữa cơm đạm bạc nhưng luôn cân bằng hàn nhiệt. Cùng với xôi, rau rừng và cá suối, mâm cơm lúc nào cũng không thể thiếu vài chén rượu ngâm từ rễ cây rừng. Nếu có thêm khách, chủ nhà có thể đãi thêm món rêu đá hấp với trứng chim hoặc trứng gà.

Điều đặc biệt là đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng các cụ trong các bản lúc nào cũng lạc quan, yêu đời và sống chứa chan tình cảm, nhất là với bạn đời. Chỉ cần sau ít ngày hòa mình vào cuộc sống bên suối trường thọ ở Hữu Lập, biết đâu bạn sẽ có những thay đổi trong chính cuộc sống của mình.

Theo Vy An (Vnexpress)
Du lịch, GO!

Riêng ở bản Nọong ó, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An): Đời Sống & Pháp Luật lại cho biết trước kia vốn là một điển hình của kinh tế vùng cao nhưng giờ đây lại vắng bóng người qua lại. Giờ đây, bản làng chỉ còn trơ lại những ngôi nhà hoang, những người già, phụ nữ và trẻ con. Nguyên nhân chính được cho là khi cơn bão ma túy đi qua, hầu hết những người đàn ông trong thôn bản đều bị sự lôi cuốn mãnh liệt của nàng tiên nâu nên hầu hết đều dính vào vòng lao lý...