Đã từ lâu, hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam, trong tà áo dài dạo phố trên những chiếc xích lô đã đi vào trong tâm trí nhiều người Việt Nam.

Ở Sài Gòn, xích lô lại gắn liền với những bà nội trợ, với chợ Bến Thành...

Xe xích lô là một phương tiện giao thông sử dụng sức người, có 3 bánh dùng để vận chuyển khách hoặc hàng hóa, thường có một hoặc hai ghế cho khách và một chỗ cho người lái xe. Người lái xe cũng vận hành nó như xe đạp thường, một vài loại có mô tơ để giúp người lái đỡ tốn sức, nếu có gắn động cơ thì gọi là xích lô máy.

Thông thường xích lô có ba bánh, cũng có vài loại có bốn bánh. Loại xe đạp kéo thùng chở khách đằng sau trở thành xích lô thường gọi là xe lôi, phổ biến ở miền Tây Nam Bộ.

Nghề xích lô ở Việt Nam vốn xuất phát từ Sài Gòn. Theo tài liệu, chiếc xích lô xuất hiện ở Campuchia và Sài Gòn vào năm 1939, do một người Pháp tên P.Coupeaid sáng chế.

Người chạy xe xích lô thông thường đạp xe đằng sau phần chở khách; nhiều loại có người đạp xe đằng trước. Từ “xích lô” có gốc từ cyclo trong tiếng Pháp. Xích lô nhanh chóng thay xe ngựa và xe kéo bởi sự tiện dụng, linh hoạt, cũng như kiểu dáng vừa cổ điển vừa hiện đại của nó.

Xích lô vào Việt Nam trong những năm tháng đất nước đang gồng mình bởi chiến tranh và đói nghèo. Cách đây hơn một thế kỷ, khi chiếc cáng, kiệu không còn là phương tiện đi lại thông dụng của người Việt nữa, người ta bắt đầu chuyển sang dùng xe kéo.

Ở Đông Dương, vài chiếc xe kéo được xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Nội năm 1883 do Ông Toàn Quyền Đệ Nhất Bonnal đã cho phép đem từ bên Nhật qua.

Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, xích lô trở thành phương tiện đắc lực phục vụ sản xuất và chiến đấu: chở hàng hoá tại những nơi ô tô không đi được; chở người đi sơ tán, chở thương binh đến nơi cấp cứu, chở các phương tiện chữa cháy, chở đạn dược, khí tài ra trận địa...

Chiếc xích lô ở Tp.HCM cũng lạ. Du khách cần, giới lữ hành cần, người nước ngoài coi nó như đặc sản Sài Gòn. Nhưng hễ xích lô lăn bánh xuống đường trung tâm nội ô là có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Phía sau nó là số phận của hàng chục con người "dưới đáy" như họ tự nhận. Người đạp xích lô ở nghiệp đoàn đều có hàng chục năm trong nghề. Với họ, chiếc xích lô như ân nhân, như cần câu cơm, như một sinh mệnh.

Xích lô ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác, người lái đều ngồi trước, chỉ riêng xích lô Việt Nam và Camphuchia người khách ngồi trước, ung dung tạo ra một kiểu dáng độc đáo, thuận tiện việc ngắm phong cảnh. Xích lô ngoài Bắc quen dùng chở hàng nên thô kệch. Xích lô Sài Gòn được thiết kế đẹp, đệm cao, lọng dày. Đàn bà quý phái áo dài, túi cói, trang điểm kỹ, gọi xích lô đến tận cửa nhà.

Xích lô có thể nâng hạ, người ta dễ dàng bước lên xe. Xích lô đạp không gây ô nhiễm, không tạo tiếng ồn, không mùi xăng dầu. Mùa mưa, mùa nắng đi xích lô đều rất tiện.

Những người chạy xích lô cuối cùng ở nghiệp đoàn nói với tôi: "Để đường thông hè thoáng, chấp nhận bỏ nghề xích lô, nhưng bảo xích lô gây ra ách tắc giao thông, gây tai nạn giao thông thì oan. Sức người đạp xích lô gây tai nạn được với ai? Người chạy xe, chỉ mong không tắc đường để còn kiếm sống, gây ách tắc để làm gì?"

Cấm xích lô ở quận trung tâm, người ta dần mất thói quen truyền thống. Người ta chuyển qua đi tắc xi, đi xe ôm. Một số chấp nhận đi bộ. Cảnh xích lô lọng vàng rồng rắn rước dâu chỉ còn trong phim quảng cáo, phim ca nhạc. Nhưng ai ngờ, cấm ta thì được, đâu cấm được Tây. Khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn thích nét văn hóa bản địa mà họ tìm khắp thế giới không thấy.

''Xích lô là một cái gì đó rất Việt Nam. Xích lô ở ba thành phố mà tôi từng đi mang đến cho tôi những cảm xúc khác biệt", White nói. "Với Hà Nội, tôi luôn nhớ đến nó trong sự gắn bó với phố cổ. Tôi nghĩ các bạn sẽ có cách để giữ nét đẹp này". Ngày nay, đất nước phát triển và mở cửa.

Hình ảnh chiếc xích lô lại đi cùng với du khách nước ngoài, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của du lịch Việt Nam...

Theo Chudu24
Du lịch, GO!

Nét đẹp xích lô Huế