Nhắc đến những món ăn dân dã mang hương vị đồng quê, nhiều người không thể bỏ qua các món ăn được chế biến từ thịt nhái.
Từ thịt nhái, người Mường xứ Thanh cũng có một món ăn đặc sản: “nhái đồ”.

Đối với những ai từng một thời gắn bó với ruộng đồng thì những kỉ niệm ấu thơ gắn liền với con cua, con ốc, con nhái… sẽ không thể nào quên. Đó là những buổi sớm tinh mơ hay những chiều tối theo chân các ông, các bố ra đồng bắt nhái, hay hình ảnh lũ bạn đùa nhau ríu rít cùng bắt nhái.

Âm thanh đồng quê cứ rộn ràng náo nức với tiếng gió vi vu, tiếng côn trùng kêu, tiếng ếch, tiếng nhái. Một bản hòa ca của ruộng đồng lúc trầm lúc bổng mà nếu không tập trung, bạn khó lòng phát hiện đâu là tiếng nhái. Phải tập trung lắng nghe, định hướng chính xác và nhanh như cắt, dùng tay chụp mạnh là chú nhái sẽ nằm gọn trong tay. Cứ thế sẽ được một bữa ăn thịt nhái đã đời.

Thịt nhái có thể được chế biến làm nhiều món ăn hấp dẫn như chả nhái, nhái chiên giòn, cháo nhái, nhái nướng… Đây là những món ăn đã trở nên quen thuộc với người dân Việt. Nhưng có lẽ ít người được thưởng thức món “Nhái đồ” - món ăn độc đáo của người Mường xứ Thanh. Bởi lẽ chỉ khi tiếp đãi khách quý thì đồng bào nơi đây mới dùng món này.

Nhái thường rất nhiều vào mùa mưa, mùa tháng 4 tháng 5. Thịt nhái được làm sạch, ướp với lá chanh thái chỉ, nước mắn, mì chính, rồi cùng với hạt Mắc Khẻn giả nhỏ (hạt Mắc Khẻn là hạt lấy từ Mắc Khẻn cây mọc trên núi cao, là  loại cây dại thuộc họ hồi. Hạt giống với hạt tiêu, nhưng hạt Mắc Khẻn không cay nóng như hạt tiêu, cũng không cay xè như ớt, vì vậy được đồng bào Mường dùng rất nhiều và trở thành gia vị không thể thiếu trong mỗi món ăn).

Thịt nhái được ướp trong khoảng 30 phút rồi gói túm lại bằng lá chuối, sau đó cho vào nồi hấp như đồ sôi. Khi chín, thịt nhái trắng, mềm, vị đậm đà lại có mùi thơm đặc biệt của hạt Mắc khẻn khiến cho những ai đã một lần nếm thử đều không thể quên được mùi vị của núi rừng.

Theo Du lịch Xứ Thanh
Du lịch, GO!