(Cinet) - Tết Lùng Cùng thường được tổ chức thường niên vào mùng 1 tháng 2 âm lịch tại xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định. Và nói đến Tết Lùng Cùng, người ta không thể quên món bánh khúc, đặc sản làm nên nét riêng khác biệt của ngày Tết đặc biệt này.

Tết Lùng Cùng còn có tên gọi khác là Tết Bánh Khúc hay Tết Vỗ bồ, là dịp lễ truyền thống của nhân dân 3 thôn Thượng, Tâm, Tiền xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định. Tích xưa kể rằng: khi xưa vùng đất này thuộc trấn Sơn Nam Hạ, sinh ra một vị tướng danh tiếng, tài giỏi, cả cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ bờ cõi dân tộc. Có một năm ông và quân sĩ không thể về ăn Tết cùng gia đình vì phải lo đánh dẹp giặc ngoại bang.

Đầu tháng 2 (âm lịch) năm đó, đội quân do ông làm thủ lĩnh đã giành chiến thắng, ông quyết định tổ chức ăn mừng. Song vì đánh giặc dài ngày, lương thảo dự trữ không còn nhiều, ông đã nghĩ ra cách giã rau khúc để trộn thêm với gạo nếp làm thành chiếc bánh khúc để tế cáo trời đất, sau đó phát cho quân sĩ và nhân dân nơi đây.

Thời gian trôi qua, cho đến nay, Tết Lùng Cùng vẫn được tổ chức để tri ân công đức tổ tiên và là ngày cả gia đình sum họp. Trong ngày này, món bánh khúc thay thể cho bánh chưng, bánh dày trong Tết âm lịch để dâng lên tổ tiên.

Rau khúc là một loài rau dại, mọc nhiều vào mùa xuân nhất là từ đầu tháng 2 âm lịch tới Tết thanh minh. Rau khúc có hai loại là khúc tẻ và khúc nếp. Nhưng để làm bánh khúc thì nhất thiết phải chọn được lá khúc nếp để bánh thơm ngon và có vị đặc trưng. Rau hái từ ruộng về phải chế biến ngay. Gạo tẻ và nếp phải được ngâm từ đêm hôm trước, cứ hai phần gạo nếp lại cho thêm một phần gạo tẻ. Nguyên liệu làm bánh khúc chỉ gồm: gạo, đỗ xanh, thịt lợn cộng với gia vị.

Rau khúc đã nhuyễn được đem trộn lẫn với bột gạo, sau đó đem nặn thành bánh khúc. Nhân bánh là đỗ xanh giã mịn và một miếng nhỏ mỡ lợn đã được xào thơm với hành. Thịt mỡ phải là thịt mỡ gáy để bánh ăn vừa đủ ngậy mà không bị ngán. Đặc biệt có một loại gia vị không thể thiếu khi làm bánh khúc dịp Tết Lùng Cùng, đó là hạt tiêu. Hương hạt tiêu đậm đà quyện với vị rau khúc độc đáo tạo thành vị ngon riêng biệt của bánh khúc nơi đây.

Bánh mới nặn xong lớp vỏ còn dẻo dính sẽ được lăn qua một lớp gạo nếp đã được ngâm kỹ, thường gọi là áo bánh; sau đó gói hờ vào tấm lá chuối tươi rồi xếp chồng lên nhau, đem đi đồ trong chõ xôi. Bánh khúc ngon nhất khi ăn nóng và có thể để đến hai ngày mà vỏ bánh vẫn mềm, dẻo dai.

Hằng năm, cứ vào Tết Lùng Cùng, người dân xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định dù có đi làm nơi đâu cũng hướng vê quê nhà, cũng nhớ tới hương vị đặc trưng của món bánh khúc như để tri ân với tổ tiên và tự nhắc mình không quên cội nguồn.

Đã từ lâu lắm, Tết Lùng Cùng đã tồn tại trong tâm thức mỗi người dân Vụ Bản, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng quê Nam Định.
Xem thêm >

Theo chuyên trang lễ hội Cinet
Du lịch, GO!