(Yahoo.nang) Trong mùa hè, nhiều bạn trẻ, chị em lại rục rịch ôm mộng đi du lịch bụi, phượt khắp nơi. Phượt được hiểu là du lịch mạo hiểm tới những vùng đất hoang vu, xa xôi để khám phá khả năng của bản thân, tìm hiểu và chinh phục những vùng đất xa lạ.

Trong thật tế, cách du lịch mạo hiểm kiểu tự phát và ngẫu hứng của giới trẻ cũng mang đến nguồn lợi không nhỏ cho du lịch của các địa phương. Thậm chí, nhiều vùng đất rất xa xôi mà chỉ những đoàn phượt với khả năng vượt núi, băng rừng mới tìm đến được. Nhiều bạn trẻ khi đi phượt với mục đích tốt như tặng quà cho những người dân ở bản vùng cao còn nghèo khó, đấy chính là cái đẹp.

Vậy nhưng cũng có một số bạn trẻ lại có xu hướng lập 'chiến tích để đời' nhằm chứng tỏ bản thân hay khoe mẽ với các bạn phượt khác. Nhưng thay vì trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn, nhiều người lại có kiểu phượt liều mình, tự biến chuyến phượt thành cái bẫy nguy hiểm.

Tháng 3 vừa qua, cư dân mạng được một phen xôn xao trước thông tin về chuyến đi bão táp của bốn bạn trẻ P. V, V. L, T. và K. D. Bốn bạn đã có hành trình phượt 90km ra Côn Đảo bằng xuồng hơi vào một đêm tháng 3 sau một phút quyết định ngẫu hứng.

Ra đến cách bờ khoảng 5km thì các bạn ấy gặp gió giật mạnh, càng ra xa, biển càng động dữ dội. May mắn là nửa đêm, nhóm được một tàu đánh cá giúp đỡ neo xuồng vào. Mặc dù nhanh chóng nổi như cồn vì… độ liều, nhưng chuyến đi của các bạn nói trên nhận được nhiều dư luận trái chiều. Có bạn ngưỡng mộ sự liều lĩnh, phiêu lưu của nhóm bạn... nhưng không ít người trong số 'dân phượt thứ thiệt' lại cho rằng đó là một 'hành trình quá hiểm nguy', xem thường mạng sống.

Muôn kiểu bỏ mạng vì phượt

Chẳng phải cư dân phượt không có lý khi bày tỏ bức xúc bởi được biết trong nhóm này, chỉ có bạn trưởng nhóm P. V là biết lái xuồng hơi, ba thành viên còn lại hoàn toàn không có kinh nghiệm đi biển. Hơn nữa, chuyến đi lại diễn ra sau thời điểm nhạy cảm bởi tháng 7-2012, cộng đồng mê du lịch bụi ở Việt Nam vừa mới bàng hoàng vì tin một cô gái có nick name Hanamichi... (sinh năm 1991) đã chết ngay trên đường cùng nhóm bạn khám phá mũi Cực Đông.

Theo thông tin từ các diễn đàn Phượt, cô gái bị đuối sức, hạ huyết áp và co giật dẫn đến tử vong sau một đoạn đường vất vả. Trước chuyến đi, cô có hơn một tháng ăn kiêng ép cân. Cái chết của cô gái trẻ là tiếng chuông cảnh báo cho nhiều người vẫn đang ấp ủ suy nghĩ hồn nhiên rằng muốn đi bụi thì chỉ cần “vác ba-lô lên và đi” mà không cần lo âu chuẩn bị gì về sức khỏe, tinh thần và kỹ năng 'phượt'.

Lật lại thông tin về các vụ tai nạn trên đường phượt, mọi người còn giật mình hơn khi biết, tháng 9-2010, cô gái N. T. H (sinh năm 1983, quê Thái Bình) trong một chuyến phượt bằng xe gắn máy từ Lào Cai đến Lai Châu, trong lúc chụp hình bên bờ suối cũng đã không may trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi. Một người bạn cùng đoàn của cô đã nhảy xuống cứu và cũng bị cuốn đi theo dòng nước mạnh khiến cả 2 đều tử nạn.

Ngày 14-8, trên đường chạy xe máy về Hà Nội sau chuyến phượt dài ngày ở Lào Cai, bạn Chu Hồng Đăng (SN 1977), một dân phượt lão luyện có hơn 15 năm kinh nghiệm du lịch mạo hiểm đã thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Bạn phượt này rất nổi tiếng vì thường xuyên cứu hộ, trợ giúp nhiều đoàn chẳng may gặp nguy hiểm trên hành trình...

Gần đây nhất là vụ mất tích bí ẩn trên đường rời đỉnh nóc nhà Đông Dương: Sau khi chinh phục đỉnh Fansipan, sinh viên Phạm Ngọc Ánh đã mất tích trên đường trở về. Dù đã huy động hàng trăm công an, kiểm lâm và người dân địa phương tìm kiếm nhưng chàng sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng, sau 40 ngày mất tích trên đỉnh Fansipan, gia đình em buộc phải từ bỏ nỗ lực tìm kiếm. Đây là nạn nhân mới nhất gặp nạn khi đi phượt.

Phượt chẳng phải là khái niệm gì mới mẻ, nhưng gần đây, giới trẻ thích thú gọi tên hai loại hình phượt: phượt 'tốc độ' (đi xe gắn máy tốc độ cao) và phượt “vượt biên” (đi bụi ra nước ngoài). Một trong những câu chuyện 'phượt tốc độ' nổi tiếng khiến nhiều người lắc đầu, lè lưỡi là trường hợp của một thanh niên có biệt danh Hiếu Điên. Anh chàng đã một mình trên chiếc Honda CBR 1.000 phân khối chạy một mạch từ TP. HCM ra Hà Nội chỉ trong vòng 23 tiếng với chặng đường 1.800km và tốc độ chạy xe hơn 200km/giờ không nghỉ ngơi. Đến Hà Nội, chỉ kịp nhìn mặt bạn bè rồi anh... xỉu tại chỗ.

Một số ý kiến cho rằng, "phượt tốc độ" kiểu này là một hình thức chơi trội hết sức nguy hiểm cho bản thân lẫn người đi đường, chủ yếu để ghi thành tích và khẳng định cơn nghiện tốc độ chứ không thực sự giúp người đi khám phá được gì theo đúng tinh thần phượt.

Một bạn phượt tự nhận là một “phượt tử có số má”, nói rằng: “Đi phượt phải chấp nhận hiểm nguy. Trên hành trình đi phượt, tôi thường tự ném mình vào những tình huống khó khăn để tự xoay xở vượt qua. Chẳng hạn lần phượt xuyên đêm từ Điện Biên qua Lai Châu để sang Sa Pa. Khi đi qua đèo Ô Quy Hồ, tôi bị ngã xe mấy lần vì sương mù dày đặc, chỉ cách 1m cũng không nhìn thấy đường. Đó là cung đường với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Tất nhiên, chạy xe máy buổi đêm thì cả trăm cây số đường rừng không có lấy một bóng người”. Đấy là những ngộ nhận mà người ta dễ cho là thành tích.

Chuyện dân phượt đi xuyên rừng, qua những chặng đường núi nguy hiểm trong đêm tối bây giờ không có gì là dữ dội cả. Riêng những người không dám mạo hiểm ngay lập tức bị chê là... quá non hoặc chưa đủ tuổi để phượt.

Nhàm chán phượt đêm, nhiều đoàn phượt rủ nhau du lịch vào mùa mưa hay qua những con đường chưa ai chinh phục để thỏa mãn thú vui mạo hiểm. Thậm chí, không ít bạn trẻ sẵn sàng đi xe máy dưới trời mưa qua những con đèo từ Bắc Kạn lên Cao Bằng. Vậy nhưng nếu bất ngờ có sạt lở, lũ ống, lũ quét trên những cung đường ấy thì họ sẽ phải trả giá rất đắt, đôi khi có thể bằng tính mạng của chính mình.

Cảnh báo từ bác sĩ

Theo PGS TS, BS Nguyễn Hoài Nam (Giảng viên Đại học Y dược TP. HCM): “Người đi phượt thường di chuyển bằng xe gắn máy qua những cung đường khó, cheo leo, nguy hiểm. Chỉ nên phượt khi thực sự mạnh khỏe". Bác sĩ cũng nhấn mạnh, dân phượt trước nay ít chú ý đến việc kiểm tra sức khỏe để phát hiện những bất thường của cơ thể. Có những thể trạng hoàn toàn không phù hợp với hình thức du lịch khám phá, mạo hiểm như người có bệnh lý về tim mạch, hen suyễn, suy dinh dưỡng, bệnh mạn tính, người ăn kiêng... Phượt cũng không thích hợp với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai.

Bác sĩ cũng tư vấn thêm, người đi phượt cần nghiên cứu kỹ tình hình thời tiết, địa hình nơi sắp đến để trang bị trước những vật dụng chống rét, thiết bị bảo vệ sức khỏe phù hợp. Việc học một khóa sơ cấp cứu cũng chẳng thừa để giúp bạn kịp thời xử lý những sự cố có thể gặp phải như tai nạn giao thông, chấn thương do leo trèo, vượt rừng, lội suối, cảm cúm, sốt, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, thời tiết thay đổi...

Theo kinh nghiệm từ nhiều phượt thủ, cách bảo đảm sức khỏe trước một chuyến phượt dài và vất vả là dành 1-2 tháng để rèn thể chất một cách nghiêm túc. Chẳng hạn, một thành viên trong đoàn đạp xe Xuyên Việt C4E đã được đưa vào khuôn phép với yêu cầu đi ngủ lúc 10h, dậy vào 5h sáng đạp xe quanh thành phố. Một phượt thủ đạp xe Xuyên Việt đã chuẩn bị một tháng, mỗi ngày đạp xe 30-70km theo đại lộ Đông Tây rèn sức khỏe.

Chung quy: phượt là khám phá muôn vẻ đẹp trong chuyến hành trình, phượt là thú vui cho cả mình và những người khác. Vậy nhưng, tìm vui cũng phải an toàn. Hãy vững lòng từ chối khi thấy mình không thể vượt qua: đó là điều nên làm, đừng tự ti vì sẽ có những lần phượt khác, ta sẽ qua được... còn hơn là gắng quá sức mình: chỉ một sự sai lầm là không còn cách nào review lại lần nữa!

Với dân phượt, hiểm nguy là thứ thường phải nhận trên các cung đường nếu ta không nghĩ đến phương cách đề phòng. 'Nguy' là sao và đề phòng thế nào? Ta có thể kể như sau:

5 kẻ thù chính trên đường phượt.

- Tai nạn giao thông.
- Chấn thương do sự cố địa hình: trượt chân, ngã nước...
- Kiệt sức vì bệnh tật, thiếu lương thực, mất nước, thay đổi thời tiết...
- Gặp thú dữ, động vật, côn trùng tấn công...
- Gặp cướp giật, lừa đảo...
Để phòng tránh phần nào thì các bước chuẩn bị sau sẽ không thừa:

7 chuẩn bị trước khi lên đường đi "Phượt".

- Tìm hiểu lộ trình: Internet là kho tàng khổng lồ các bài chia sẻ, gợi ý về các lộ trình du lịch ngắn - dài, bạn cũng nên gặp trực tiếp để thỉnh giáo kinh nghiệm của dân phượt kỳ cựu để được tư vấn về điểm, thời gian, chi phí cho chuyến đi.

- Chuẩn bị trạm dừng: Bạn có thể bắn tin trước đến bạn bè ở các địa phương dọc hành trình, nhờ họ hỗ trợ thêm về thông tin ăn, ở tại các địa phương. Bạn sẽ có thêm "hướng dẫn viên du lịch" địa phương và cơ hội được ở homestay cùng nhà dân với nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

- Hộp đồ sơ cứu: băng cá nhân, bông băng, ô-xy già, một số loại thuốc giảm đau, chống tiêu chảy, vitamin tổng hợp, gel rửa tay khô... là thứ không thừa.

- Các vật dụng nhỏ hữu dụng: Bên cạnh chiếc ba-lô tiện dụng chứa quần áo, thuốc men, thực phẩm khô, đừng quên chuẩn bị một số món đồ cần thiết như: sổ tay, bút, la bàn, bật lửa, dây thừng, đèn pin, võng đa năng, kính chống bụi, khẩu trang, khăn ướt, giấy vệ sinh...
Một đôi giày du lịch loại tốt, đế mềm, thoáng khí và bộ đồ nghề sửa xe cũng sẽ giúp bạn tự tin hơn trên hành trình.

- Giấy tờ tùy thân, tiền bạc, thẻ ATM cần được cất vào túi đeo sát bụng kín đáo, khoác áo ngoài...
- Điện thoại có kết nối Internet, máy ảnh đầy đủ cục sạc, pin dự phòng...

Phượt không chỉ là lãng mạn...

Người trẻ bao giờ cũng có cái khát khao được ngao du cho thỏa chí tang bồng. Nhưng nhiều bạn chỉ mới nhìn vào những chuyến đi được tô hồng, gợi lên những chiến tích, hình ảnh hết sức lãng mạn mà chưa có sự chuẩn bị nghiêm túc cho chuyến đi. Mạo hiểm khác với liều lĩnh, điên rồ. Mạo hiểm là chuyến đi có yếu tố nguy hiểm (tất nhiên) nhưng mọi thứ đã được lên lịch và chuẩn bị các phương án xử lý từ A đến Z.

Nhiều bạn cứ nghĩ "vác ba-lô lên và đi", không hề chuẩn bị, cứ nghe ai đó rủ, tổ chức chuyến đi là bay vào đăng ký mà không tìm hiểu kỹ về người tổ chức, cung đường, sức khỏe bản thân... chẳng khác nào đem tính mạng ra đặt cược. Các bạn cũng hay tưởng tượng đến cảnh ngủ đêm bên bãi biển, ăn mì gói cho tiết kiệm... trong khi thực tế, về cơ bản, vì tính mạng của bạn và người đi đường: hãy cố gắng tìm nhà trọ ngủ cho an toàn, tính toán đường đi tỉ mỉ và ăn uống đầy đủ để giữ sức.

Trước khi đi phượt, cần nhìn lại bản thân mình xem đã đủ bản lĩnh chưa rồi hãy tham gia cuộc chơi thú vị nhưng nguy hiểm và phức tạp này. Đừng chỉ nghe những câu chuyện đi phượt mộng mơ mà cả tin và làm liều... Bởi: đời không như là mơ và phượt cũng không bao giờ chỉ là thơ...
Xem thêm nguồn 1, nguồn 2... và nhiều nguồn ảnh khác.

Một phần thông tin theo Yahoo.nang
Du lịch, GO!