Núi La Hiên thuộc rặng Trường Sơn, ở địa phận xã Phú Mỡ - huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có độ cao trên 1.318 mét so với mặt nước biển. Nhìn từ xa La Hiên như một mái nhà doi ra chắn gió mưa. Trên rặng La Hiên có hòn núi nhỏ mà dân trong vùng gọi là Hòn Ông và một hòn khác kề bên gọi là Hòn Bà.

Rặng La Hiên xưa kia là nơi Nguyễn Hào Sự dùng làm căn cứ luyện tập binh sĩ, đồng thời là chiến lũy chống Pháp rất vững chắc, bởi trước mặt là dòng sông Cái (hạ lưu của sông Trà Bương, Cà Bương) ba bên là núi rừng trùng điệp. Pháp đã nhiều lần mang quân tấn công, nhưng tất thảy đều bị ngăn chặn, gây nhiều tổn thất cho quân lính viễn chinh.

Sau này khi Nguyễn Hào Sự cùng nghĩa binh thất bại thì giặc Pháp đã tiến hành xây dựng cứ điểm quân sự trên núi, mà nhân dân Đồng Xuân gọi là thành (trụ?) Bồ. Người dân địa phương kể lại rằng:

Trong quá trình xây dựng, thực dân Pháp sức nhiều dân công là nhân dân địa phương và tù binh khiêng những tảng đá lớn từ chân núi lên nhưng khi lên được tới lưng chừng núi thì trời bỗng tối sầm lại như mực đen, khiến các dân công và bọn chỉ huy Pháp không thể tìm thấy đường đi nữa. Nhưng khi bỏ cuộc đi xuống khỏi núi thì trời bỗng nhiên bừng sáng trở lại, như đất trời vẫn không hề thay đổi như trước đây mấy phút. Sau hàng chục lần khiêng đá lên núi không thành, thực dân háp đành cho xây 4 trụ đá quanh hòn Ông và cho trồng bồ lên chính giữa 4 trụ nhằm yểm tướng, nghĩa là làm cho hào kiệt nước Nam mất nhuệ khí, không còn sức phản kháng, hưng binh chống lại bọn chúng.

Khi vừa mới xây xong, trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm lại và trút cơn mưa như thác đổ làm nghiêng ngã các cột trụ đá. Gió  to lại nổi lên làm cuộn bay chiếc bồ, trên núi đá hòn lớn hòn nhỏ lăn xuống như vãi trấu khiến bọn giặc Pháp thất điên bát đảo bỏ chạy tán loạn.

Các cụ cũng kể thêm rằng, mấy ngày sau, khi đã hoàn hồn, bọn Pháp lại kéo binh lính lên núi La Hiên đóng quân, nhưng trưa đó trời bỗng nổi cơn cuồng phong kéo phăng bọn chúng lăn lông lốc xuống chân núi, lá cờ Tam Tài rách bươm và biến mất trong rừng sâu. Chúng đành bỏ cuộc, thôi không lên đóng quân trên núi nữa, nhưng lại bố trí đồn binh chung quanh chân núi. Đêm đến, những lúc tối trời, khi vừa mới canh hai thì có hàng đoàn binh sĩ nước Nam với gươm giáo, súng hỏa mai bước đi rầm rập, hô vang “xung phong” khiến giặc Pháp phải bao phen kinh hoàng đởm mật. Hiện tượng này cứ lập đi lập lại mãi đến nỗi bọn chúng phải cho dời trại binh đóng ra xa hơn.

Nằm phía đông bắc núi La Hiên là rừng già Hòn Hàn cùng ngọn Đá Mài cao 590m. Chân phía nam là vực Ông của sông Hà Đang, phía bắc chạy giáp núi Đồng Tranh bao quanh mạn bắc của huyện Đồng Xuân. Núi Đá Mài còn có tên là núi Vực Ông, và sau này có tên là núi Cơ Xưởng.

Núi Đá Mài thuộc Tổng Đá Mài. Tổng này do những ngôi làng của đồng bào Chăm ở xung quanh chân núi ấy hợp lại mà thành. Người ta lấy tên núi đặt cho tổng. Tại chân núi phía vực Ông ở một con suối có nước, đá có nhiều bùn mài dao rất sắc. Từ con suối ấy mà thành tên núi.

Sông Hà Đang từ trên cao đổ xuống tạo nên một cái vực rộng lớn xung quanh đá dựng cao. Vực Ông lắm thuyết linh thiêng, rằng có một con cá Ông to như một con trâu đen, trăng thanh gió mát nó thường nổi lên mặt nước tỏa ra ánh sáng xanh cả một vùng, rằng vực Ông sâu tận lòng đất, người bơi thuyền nối dây dừa hàng trăm thước không thấm vào đâu.

Ở đây có đàn trâu nước do Ông nuôi dưỡng, đàn trâu thường lên núi ăn, đùa giỡn. Không một dân chài nào dám đánh bắt cá ở vực Ông vì sẽ bị nhận chìm thuyền hoặc về nhà sẽ bệnh chết bất đắc kỳ tử.

Núi Cơ Xưởng còn có ngọn núi Đạt cao 806m. Từ năm 1945, bộ đội quân khu 5 về xây dựng xưởng sản xuất vũ khí ở đây, và có hệ thống kho tàng để cất lựu đạn, bom, mìn, súng đạn. Đặc biệt trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, kho tàng không hề bị máy bay bắn phá, dân gian tin rằng đó là nhờ sự bảo hộ của Ông và các thần linh…

Ngày nay, núi La Hiên và các cụm núi lân cận vẫn sừng sững với bản hùng ca của người anh hùng Nguyễn Hào Sự... để sau này, ông Phan Lưu Thanh thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Phú Yên trên mảnh đất hào hùng của cha ông thuở trước.
Xem thêm >

Theo Đào Minh Hiệp, Đoàn Việt Hùng, PĐD (báo Phú Yên)
Du lịch, GO!