Thôn Phú An được mệnh danh là "xóm chùa", "làng chùa Đại Ninh" từ bao năm nay. Vùng đất này chính là nơi tập trung nhiều cơ sở thờ tự nhất trong cả nước, bởi chỉ trong một thôn mà có tới 72 cơ sở thờ tự lớn nhỏ.
Chỉ cần đi dọc theo quốc lộ 20 đoạn qua thôn Phú An, xã Phú Hội sẽ thấy thấp thoáng những mái chùa cong cong, những bức tượng Phật vươn lên nền trời xanh thẳm và mùi hương trầm phảng phất khắp nơi.

Đến thế giới của chùa cổ

Thôn Phú An (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) vốn là vùng đồi núi hoang sơ trên cao nguyên Đức Trọng, nằm dọc phía hữu ngạn sông Đa Nhim, gần cầu Đại Ninh, cách TP. Đà Lạt khoảng 40 cây số.

Chúng tôi tới thăm làng chùa Phú An vào một buổi chiều muộn cuối năm. Con đường lên chùa Pháp Vân ngày càng dốc đứng, hai bên đường chỉ thấy sỏi đá và những rặng cây già. Tọa lạc trên một ngọn đồi, chùa có diện tích khá rộng, nhìn xuống là làng chùa Phú An chìm trong nắng chiều.

< Một trong những ngôi chùa ở Phú An.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, từ ngã ba chùa, chúng tôi đi vào sâu trong xóm, cứ cách vài căn nhà lại thấy một ngôi chùa, tự viện, tịnh xá, niệm phật đường, am thất… của các tu sĩ Phật giáo, mang màu sắc cổ kính cũng có, hiện đại cũng có, đan xen hòa quyện vào nhau. Trên các triền đồi, dọc theo dòng sông Đa Nhim, tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh, gõ mõ văng vẳng bay lên trong cái không khí thanh bình, yên ả của một làng quê. Ngôi chùa nổi tiếng nhất tại đây là Vĩnh Minh Tự Viện. Dù không phải là ngôi chùa được thành lập sớm nhất tại Phú An nhưng đây là một tự viện có quy mô lớn, với một kiến trúc đẹp, hài hòa. Hàng năm, nơi đây đều tổ chức những trại hè sinh hoạt Phật pháp cho các thanh thiếu niên phật tử, những đêm hội hoa đăng, rồi lễ Phật đản,… thu hút đông đảo phật tử và du khách thập phương.

Chùa Hương Nghiêm được coi là "Tổ đình" của xứ làng chùa, với tháp mộ ba tầng. Phương Liên Tịnh xứ với tháp bảy tầng đồ sộ, toạ lạc trên ngọn đồi cao. Theo số liệu thống kê của Ban tôn giáo huyện Đức Trọng năm 2012, Phú An có tới chín ngôi chùa được coi là nơi thờ tự hợp pháp và hàng chục các cơ sở thờ tự nhỏ khác như tịnh xá, tịnh viện, ni viện… cùng không biết bao nhiêu cơ sở thờ tự của những người tu chưa được công nhận hợp pháp. Bóng áo nâu, áo màu lam của người tu hành thấp thoáng trên các con đường nhỏ trong thôn.

< Cổng chùa Dược Sư.

Có lẽ, hiếm có nơi nào lại có duyên với miền đất Phật như đất Phú An. Số liệu thống kê mà xã Phú Hội cung cấp cho thấy, toàn xã có 221 chức sắc và tăng ni, thì riêng thôn Phú An đã có tới 220 vị. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Phú An lại thu hút nhiều chư tăng tới lập chùa, am thất tu hành như vậy. Làng chùa được hình thành suốt hơn sáu thập niên qua với một địa thế khá hấp dẫn khi vừa có sông, vừa có núi đồi, cây cối bao bọc xung quanh, như một miền "đất lành" cho những chiếc áo nâu sòng sớm tối cầu kinh niệm Phật.

Miền đất lành cho những bước đường tu

Trên đường vào thôn, ngang qua tịnh xá, chúng tôi gặp một ni cô đang dọn cỏ phía ngoài bờ tường bao. Ni cô đi tu đã mấy chục năm nay rồi, không vì lý do riêng tư cá nhân nào cả, chỉ bỗng nhiên thấy "chán" sự đời nên lên chùa cắt tóc đi tu. Theo ni cô này, ở đây không khí trong lành mát mẻ, lại yên tĩnh, người dân hiền hòa nên nhiều người muốn về đây lập am thất tu hành.


< Phương Liên Tịnh Xứ.

Theo số liệu thống kê các cơ sở thờ tự hợp pháp của Ban tôn giáo huyện Đức Trọng thì ngôi chùa được thành lập sớm nhất tại Phú An, Phú Hội là chùa Phú Hội (năm 1939). Trong khoảng 20 năm sau đó, không có một cơ sở thờ tự nào mới được thành lập. Mãi cho đến những năm 60 của thế kỷ trước trở đi, hàng loạt các ngôi chùa, tịnh xá, tịnh viện khác ra đời. Cũng tại Vĩnh Minh Tự Viện, vị trụ trì Thích Nguyên Hiền đã cho chúng tôi hiểu phần nào về quá trình hình thành làng chùa Phú An này.

Những năm đầu thập niên 1960, các hòa thượng Bửu Lại, Bửu Huệ và Thích Thiền Tâm đã tìm đến núi rừng hoang vu bên bờ sông Đa Nhim này khai sơn, dựng thạch thất để yên tĩnh tu hành. Sau đó, hòa thượng Thích Thiền Tâm cho xây dựng tu viện và chùa Hương Nghiêm (ngôi chùa có quy mô đầu tiên ở vùng đất này, bây giờ được gọi là Tổ đình).

Còn người khai sơn Vĩnh Minh Tự Viện là hòa thượng Thích Tâm Thanh. Hòa thượng vốn xuất thân từ khóa Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Năm 1971, sau khi học xong đại học Vạn Hạnh và đang là Giảng sư Viện Hóa Đạo tại Sài Gòn, hòa thượng đã lên vùng núi rừng Đại Ninh cất một thảo am để tịnh tu sau những công tác Phật sự bề bộn tại Sài Gòn. Nhân duyên hội đủ, hòa thượng được một phật tử cúng dàng mảnh đất, mà thực chất là một ngọn đồi. Năm 1973, thảo am biến thành thạch thất, một cốc đá vuông vức 4m2 với mái lá đơn sơ và bốn bề rừng rú, nơi lưu trú của vô số khỉ vượn, heo rừng, sóc nhím và chim chóc.

< Tu viện Vĩnh Minh.

Năm 1983, tăng chúng theo học tại thạch thất ngày càng đông đảo, để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni và phật tử, hòa thượng cho xây dựng ngôi chánh điện chỉ rộng 30m2, nép mình dưới tán cây cổ thụ. Năm 1985, tịnh thất Chơn Nghiêm được đổi thành Vĩnh Minh Tự Viện với đầy đủ tiền đường, hậu tẩm và cả hai lầu chuông trống. Đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn, khi mà con đường dẫn vào Vĩnh Minh Tự Viện chỉ là một lối mòn giữa hai bờ lau cỏ, xi măng phải mua từng ký, cát gạch phải vác từng bao từ dưới triền đồi lên đỉnh dốc. Thế mà, ngôi tự viện vừa mới hoàn thành, trở thành nơi hành hương của người dân xa gần về chiêm bái.

Theo các phật tử, từ khi Vĩnh Minh Tự Viện hình thành, cùng với tài thuyết giảng kiệt xuất của hòa thượng Tâm Thanh (nguyên Phó ban trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng), nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần cho dân chúng khắp các làng quê quanh vùng. Tiếng lành đồn xa, không chỉ tăng ni, phật tử trong huyện Đức Trọng mà cả tăng ni, phật tử nhiều tỉnh thành khác cũng lặn lội lên vùng đồi núi Phú An để được nghe thuyết giảng và thọ giáo quy y. Từ đó, người tứ xứ về đây ngụ cư, lập tịnh thất, tịnh xá để tu hành.

Ông Trần Bảo Anh Quân (Phó chủ tịch UBND xã Phú Hội) cho biết: "Trước năm 1975, vùng núi đồi Phú An còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, chỉ có vài ba ngôi chùa, thạch thất ẩn mình sau rặng rừng già. Càng về sau dân tứ xứ kéo nhau về đây định cư, lập nghiệp tạo thành khu dân cư đông đúc với những mảnh vườn trồng cà phê, rau màu phủ lên nơi đây một màu xanh trù phú. Nhiều phật tử quy y tìm đến, chọn nơi đây làm chốn tu hành, thanh tịnh, xa lánh cõi hồng trần. Từ đó, Phú An được mệnh danh là vùng "đất lành" với chùa chiền, tịnh thất được thành lập ngày càng nhiều".

< Nét độc đáo của làng Phú An với nhiều ngôi chùa.

Cũng theo ông Trần Bảo Anh Quân, Phú An là vùng đất không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự luôn bảo đảm, ít ồn áo huyên náo. Các tăng ni về đây lập nghiệp, tu hành đều tự lao động sản xuất, trồng cà phê, cây ăn trái để nuôi sống bản thân. Chùa chiền ở Phú An cũng là những cơ sở kết hợp với chính quyền địa phương, tham gia nhiều hoạt động từ thiện như khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân trong vùng, vận động quyên góp các nhà hảo tâm xa gần để làm đường, xây dựng cầu treo cho người dân qua sông…

Trung bình, cứ 24 khẩu thì có một cơ sở thờ tự

Ông Trần Bảo Anh Quân, phó chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết theo báo cáo của UBND xã năm 2011, trên toàn xã có 76 cơ sở thờ tự, thì thôn Phú An có tới 72 cơ sở được công nhận và chưa được công nhận, gồm: Chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, ni viện, tịnh viện, tự viện và thiền viện… Với số nhân khẩu của thôn Phú An là 1807, thì tính trung bình cứ 24 người sẽ có một cơ sở thờ tự. Nơi đây có thể được xem là địa phương quy tụ nhiều chùa chiền nhất Việt Nam hiện nay.

Du lịch, GO! - Theo Người Đưa Tin, internet