Ngược dòng Sê Pôn hùng vĩ, chúng tôi tìm về những cánh rừng bạt ngàn ngàn nằm phía tây Quảng Trị, nơi đó có các khu rừng ma của người Vân Kiều. Với đồng bào Vân Kiều, sự sống đã chất chứa bao điều huyền bí và sự chết của họ cũng có không ít lạ lùng khác thường. Nghĩa địa của họ là nơi bất khả xâm phạm mà người ta gọi là rừng ma với biết bao điều bí ẩn.

Lần đầu lên miền núi Quảng Trị vào thập niên 1980, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc ấy nạn đốt rừng làm rẫy còn tràn lan. Đó là tập quán phát - đốt - cuốc - trỉa của đồng bào miền ngược, di chứng của lối sống du canh du cư từ cả ngàn năm trước.

< Từ ngoài nhìn vào rừng ma.

Nhưng có một điều lạ là bên cạnh những núi đồi bị đốt trụi lại có những cụm rừng nguyên sinh xanh thẳm nổi lên như một cù lao, thậm chí có những cánh rừng già cây cối cao vút um tùm như không hề có bàn tay con người đụng đến.

Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, một cán bộ người Kinh giải thích đó là chỗ chôn người chết của đồng bào Vân Kiều. Người sống không dám lai vãng chứ đừng nói đến chuyện phá rừng, người ta gọi nôm na là rừng ma...

Chết là về với rừng

< Nhà của người Vân Kiều.

Nơi chôn cất người chết được người dân nơi đây lưu giữ từ ngàn đời nay hiện vẫn còn tồn tại nhiều phong tục kỳ lạ. Không quá đau xót hay luyến tiếc, với quan niệm từ xưa đến nay của người Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn thì chết là sự trở về với rừng, chốn linh thiêng nhất. Ở đó, người chết vẫn có một thế giới với đầy đủ mọi sinh hoạt. Rừng ma đối với người chết cũng giống như căn nhà sàn của người sống.

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi ngược từ thị trấn Khe Sanh về ngã ba Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đi dọc đường biên tiến sâu vào khu rừng ma qua lời giới thiệu đầy hấp dẫn của những cư dân bản địa. Dòng Sê Pôn huyền thoại nhiều thác ghềnh chia đôi biên giới Việt-Lào cuồn cuộn như muốn nuốt chửng mọi thứ. Bên kia dòng Sê Pôn, những cánh rừng hoang vu thuộc tỉnh Savanakhet (Lào) trải dài hút tầm mắt. Bên này - nước Việt, khu đất thuộc xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là những khu rừng ma thâm u, huyền bí. Bên dòng Sê Pôn hùng vĩ chia đôi biên giới Việt - Lào có hàng chục khu rừng ma bí hiểm như vậy.

Vào rừng ma phải xin phép

Theo Pả Liên- một người dân sống hơn 50 năm ở khu vực biên giới này thì dọc con sông Sê Pôn có hàng chục cánh rừng ma. “Mỗi xâu (dòng họ) có một khu rừng ma riêng. Các khu rừng ma này vẫn còn mang đậm dấu tích của người Vân Kiều xưa với nhiều phong tục hết sức kỳ lạ. Nhưng muốn biết về sự bí hiểm, độc đáo của rừng ma thì phải nói đến xã A Dơi"- Pả Liên nói chắc chắn.

< Già làng Pả Chiến.

Đường vào bản Pa Roi, xã A Dơi không dễ. Dốc cao, vực sâu. Muốn vào tận nơi cũng phải mất vài giờ liền. Muốn vào rừng ma, trước hết phải xin phép người đứng đầu xâu. Người này có nhiệm vụ cai quản rừng ma của dòng họ mình. Phong tục của người Vân Kiều không cấm người lạ vào rừng ma dòng họ mình, chỉ cần trước khi vào phải xin phép trưởng xâu một tiếng.

Việc nói cho người đứng đầu xâu biết là để họ kiểm soát, tránh kẻ xấu làm động đến rừng ma của dòng họ. “Muốn gặp người đứng đầu xâu phải đến nhà từ sáng sớm, chứ các vị này mở mắt đã vào rừng và tối mịt mới về. Có khi họ ở trong các lán trại ngoài rừng cả tuần không về”. Lần theo chỉ dẫn của Pả Liên, chúng tôi tìm đến nhà Pả Chiến lúc trời còn tờ mờ sương. Mới sáng sớm mà bản làng vùng biên đã vắng tanh. Dân bản bảo mùa này họ dậy từ lúc ba, bốn giờ sang để tranh thủ thu hoạch sắn hay ra chợ huyện bán vài con gà, buồng chuối.    
                                                                                             
Buổi sáng, bản Pa Roi sương giăng kín cả vùng trời. Già làng Pả Chiến đón khách lạ với vẻ ngờ ngợ, cảnh giác. “Mày vào đây có việc gì, đã báo cho cán bộ biên phòng chưa? Chưa báo thì tau không cho vào rừng ma của tau đâu. Ở dọc sông Sê Pôn này nhiều bọn buôn lậu, kẻ xấu lắm. Tau sợ nó vào phá động rừng ma”.

Sau khi biết tôi muốn vào rừng ma qua lời giới thiệu của cán bộ biên phòng, già làng Pả Chiến xởi lởi tiếp và kể về truyền tích các khu rừng ma xưa của người Vân Kiều. Pả Chiến vui vẻ mời khách món măng rừng nấu cá suối rồi cùng mấy thanh niên bản nữa dẫn chúng tôi vào rừng ma.

Mục kích rừng ma

< Không ai được phép xâm phạm nên khu rừng ma còn lại rất nhiều cây gỗ lớn.

Thuở xưa, rẻo đất Pa Roi nép mình bên dòng Sê Pôn chỉ có lác đác vài khu rừng ma của người Vân Kiều bản địa. Sau đó, thấy vùng đất này bằng phẳng lại tốt tươi thuận lợi cho việc trồng cây sắn, nuôi con dê... nên người các nơi khác đổ về làm ăn sinh sống và định cư nơi đây ngày càng đông. Già làng Pả Chiến hồ hởi: “Đời con người có sinh có tử. Sau khi qua vùng đất mới, mỗi dòng họ kiếm một khu rừng để chôn cất khi có người trong dòng họ qua đời.

Hồi xưa, ở xứ này chỉ có ba, bốn khu rừng ma nhưng bây giờ nhiều lắm. Mặc dù không định rõ ranh giới nhưng một dòng họ được phần một vùng đất để chôn người chết”. Theo chỉ dẫn của người dân bản Pa Roi, chúng tôi men theo con đường tiến về tận sát mép bờ sông Sê Pôn để vào khu rừng ma. Từ đường cái vào khu rừng tuyệt nhiên không có một lối mòn. Sau khi vượt qua được tán cây bụi gai, không gian tối om u ám và lặng ngắt.

Xác người mới chôn bốc mùi tử khí rờn rợn. Pả Chiến cho biết ở trong khu rừng ma này ngẩng mặt lên trời bốn mùa vẫn không thấy mặt trời. Sở dĩ rừng không có đường đi là vì theo phong tục của người Vân Kiều sau khi chôn cất người chết họ không bao giờ trở lại ngôi mộ đó nữa nên không để lại lối mòn.          


< Đồ cúng cho người chết.

Càng tiến vào rừng ma của dòng họ Pả Chiến, hàng trăm ngôi mộ hiện ra, mỗi ngôi mộ là một mu đất nhỏ được đặt một viên đá làm dấu. Ở một vài khu bên cạnh, những mẻ sành chén bát bị hất tung lên mặt đất. Theo Pả Chiến, sở dĩ có tình trạng các vật dụng mà người sống chia phần cho người chết như ấm, chén bị nổi lên mặt đất là do xác người ở các khu mộ đó đã bị thú đào bới. Tục chôn người của người Vân Kiều hết sức đơn giản. Khi có người qua đời, họ chỉ ra rừng chọn một mô đất cao rồi đào huyệt mộ rất cạn bỏ xác người xuống và lấp lại rất sơ sài. Hầu hết các ngôi mộ đều nép mình bên một gốc cây lớn.

Rừng ma - chốn linh thiêng

Người Vân Kiều rất tự hào về khu rừng ma của xâu mình. Khu rừng của mỗi dòng họ rộng hẹp khác nhau. Có khu rộng vài hecta nhưng cũng có khu chỉ rộng vài trăm mét vuông. Theo quy ước thì người của xâu nào chết phải được chôn ở phần đất của xâu đó. Không ai được xâm phạm hay tranh giành phần rừng của người khác.

< Đây là chiếc bát cúng người ta để lại sau khi chôn người chết.

Người Vân Kiều quan niệm người chết là trở về với rừng, chốn linh thiêng nhất. Ở đó, người chết vẫn có một thế giới với đầy đủ mọi sinh hoạt. Cho nên họ mong cho khu rừng ma của dòng tộc mình được tốt tươi để những hồn ma đang “sống” ở đó được êm ấm. Họ bảo rằng rừng ma đối với người chết cũng giống như căn nhà sàn của người sống.

Người chết cũng mong được ở bình yên trong “căn nhà” của mình nên người sống không nên khuấy động, “phá” nhà của người chết. “Người Pa Roi xem các khu rừng ma là một phần tài sản của dòng họ nên không ai nỡ tay chặt phá. Nếu gia đình, dòng họ hay ai đó bên ngoài có việc gì cần đến gỗ thì phải xin phép người đứng đầu xâu. Sau đó vị đầu xâu sẽ đứng ra làm lễ cúng. Nếu giàu thì giết mấy con bò, con trâu, còn nghèo thì phải có gà trống để cúng thần mới được vào khai thác rừng” – Già làng Pả Chiến cho biết.

Chuyện lạ lùng trên núi thiêng

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ An Ninh Thủ Đô, Tuổi Trẻ và nhiều nguồn ảnh khác.