Phố Tràng Tiền thế kỷ 19 nằm trong “Bảo Tuyền Cục” trường đúc tiền giữa kinh thành Thăng Long, nay trở thành khu phố thương mại sầm uất của thủ đô Hà Nội.
< Ảnh phố Tràng Tiền: những năm đầu của thế kỷ 20 và ngày nay.
Phố Tràng Tiền thuộc quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Phố đi từ đường Trần Quang Khải, qua Quảng trường Nhà hát Lớn kéo dài tới ngã 4 Tràng Tiền – Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng.
Đoạn phía Đông phố nguyên là đất thuộc thôn Tây Long Đồn, Tả Túc, kinh thành Thăng Long xưa, nửa kia thuộc thôn Cựu Lâu, Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.
< Ngôi nhà góc ngã 3 Tràng Tiền - Nguyễn Xí ngày nay và ảnh của thế kỷ trước.
Tên gọi "Tràng" là một âm khác của "trường", phố xưa nguyên là nơi mở trường đúc tiền vào năm 1808, có tên gọi chữ Hán là “Bảo Tuyền Cục”. Trường này nằm trên 1 khu đất hình chữ nhật, so với diện mạo phố ngày nay thì phần phía Bắc gần trùng với phố Tràng Tiền, phía Nam là phố Phạm Sư Mạnh, phía Tây là đoạn phố Ngô Quyền. Quanh trường này có hào bao bọc, để vào được bên trong phải đi qua 1 cây cầu ở cổng chính phía Bắc.
Trường này tới năm 1887 thì ngừng hoạt động. Sau này người Pháp chiếm Hà Nội, đã cho chia khu đất này ra cho tư bản xây cửa hàng, cửa hiệu.
< Ngã 4 Tràng Tiền - Ngô Quyền bây giờ và ngày xưa.
Đời Lê khu vực này là 1 bến đò chính đưa đón bên xứ Bắc vào kinh thành. Ngày ấy dòng chảy của sông Hồng sát ngay đường Trần Quang Khải, bãi sông được gọi là Tây Long. Xưa 1 cửa ô cũng được dựng nên, nay là nơi Nhà hát Lớn tọa lạc.
Vào thế kỷ thứ 18, chính tại bến Tây Long, quân Tây Sơn đã đổ bộ đánh vào trận địa quân Chúa Trịnh khi đó đang ở lầu Ngũ Long mà nay là Trung tâm Bưu điện Bờ Hồ ngày nay. Ngót 3 năm sau vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, bến này lại chứng kiến 2 vạn quân Thanh rút lui thảm bại.
< Tràng Tiền góc nhìn ra Nhà hát Lớn, nay và xưa.
Những ngày đầu chiến Hà Nội, Tràng Tiền là 1 trong những phố người Pháp chú ý xây dựng đầu tiên, nhiều hiệu buôn, khách sạn, nhà hàng lớn mọc lên, cũng là nơi người giàu sang thường lui tới, ngựa xe luôn tấp nập. Năm 1886 Pháp gọi đoạn từ quảng trường Nhà Hát Lớn tới hết phố Hàng Khay là phố Paul Bert, đoạn từ Trần Quang Khải vào tới Nhà Hát Lớn là “phố nước Pháp”.
Những năm đầu thế kỷ 20, tại số nhà 47 trên phố mà nay là Nhà Thông tin, trường Cao đẳng duy nhất của Đông Dương được mở ra với 2 ngành đào tạo là luật và sư phạm. Trên phố còn có rạp chiếu bóng Eden sau đổi tên là rạp Công nhân, có nhiều cửa hàng mỹ phẩm, và những cửa hiệu buôn lớn như là hiệu Chaffanzon...
< Cửa hàng bách hóa tổng hợp sau một thế kỷ.
Đầu phố, mạn hồ Gươm có Khách sạn Hà Nội. Nơi nhiều lính tây và người giàu có hay lui tới quán giải khát có tên Taverne Royal và hiệu bánh ngọt Bodega mà nay trở thành hiệu kem Tràng Tiền nổi tiếng bây giờ. Năm 1913 cũng tại phố đã xảy ra vụ ném bom khách sạn Hà Nội giết chết 2 sỹ quan Pháp gây xôn xao dư luận cả nước.
Phố Tràng Tiền ghi nhiều dấu ấn đối với lịch sử cách mạng hiện đại, bởi Quảng trường Nhà hát Lớn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan tới cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội.
Sau ngày giải phóng Thủ đô phố mang tên gọi chính thức là phố Tràng Tiền. Ngoài ra còn có 1 ngõ song song với phố đi từ Phan Chu Trinh tới Nguyễn Khắc Cần ngày nay là ngõ Tràng Tiền, so với thời còn trường đúc tiền thì con ngõ trùng với 1 đoạn tường rào phía Bắc của Bảo Tuyền cục.
< Nhà hát Lớn thời nay và hồi thời chưa có khách sạn Hilton.
Từ đó tới nay Tràng Tiền trở thành con phố trung tâm với những cửa hàng, nhà may, cửa hiệu lớn, như Nhà in báo Nhân dân,Tổng Công ty Phát hành sách Trung ương, cửa hàng sách Quốc văn của Hà Nội. Khách sạn Hà Nội cũ, trở thành trung tâm sách ngoại văn và trung tâm phát hành báo chí. Rồi cửa hàng thời trang, cửa hàng kính...
< Tràng Tiền thu hút du khách thăm quan con phố biểu trưng vẻ đẹp Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 vẫn còn được lưu giữ.
Giữa phố ngày nay là Trung tâm văn hóa Pháp, nơi dạy tiếng Pháp và là nơi giao lưu văn hóa, nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại thường xuyên được diễn ra tại đây.
Đi suốt chiều dài lịch sử xuất phát từ 1 trường đúc tiền từ thế kỷ 19 cho đến nay, qua nhiều thời kỳ xây dựng mở mang, Tràng Tiền đã trở thành 1 con phố thương mại sầm uất giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Du lịch, GO! - Theo Soha.new
5 Comments
... trường đúc tiền... là sao ta, em vẫn chưa hiểu?
Trả lờiXóaTrường dạy đúc tiền hay là nơi đúc tiền?
Tiền này cho thời nào vậy anh? Bảo đại? sorry, lịch sử em.. yếu lắm :)
Nơi đúc tiền trong thời nhà Nguyễn có tên gọi theo từ Hán là 'Bảo Tuyền cục', tên gọi Nôm là Trường (hoặc tràng) Tiền - tức là xưởng đúc tiền (khoảng năm 1808).
XóaTrong cuốn từ điển Từ Hải của TQ có viết là vào đời nhà Minh, Minh Thái Tổ là Chu Nguyên Chương, cho lập các xưởng đúc tiền. Tại Kinh thành (Nam Kinh) thì được gọi là Bảo Nguyên cục; các tỉnh cũng có những lò đúc tiền, được đặt tên chung là Bảo Tuyền cục. Vậy lò đúc tiền của Hà Nội xưa, nơi mà về sau được đặt tên cho phố có nơi ấy là phố Tràng Tiền.
Vậy nên Trường, Tràng Tiền hay Bảo Tuyền cục cũng chính là nơi đúc tiền thời Nguyễn.
Tks thông tin của anh
Trả lờiXóaNhư anh nói :"Vậy lò đúc tiền của Hà Nội xưa, nơi mà về sau được đặt tên cho phố có nơi ấy là phố Tràng Tiền."
thì phố "Lò Đúc" hiện tại ở HN có ý nghĩa gì vậy :)
Phố Lò Đúc là đất thuộc thôn cũ Phương Viên - Cảm Hội và Lương Yên. Thời Pháp thuộc phố có tên là Avenue Armand Rousseau. Đoạn dưới có tên là phố Đông Mác.
XóaĐời Hậu Lê, đoạn đầu phố có đúc đồng và gang và có chùa Tổ Ong thờ Minh Không là tổ sư nghề đúc đồng. Do vậy nên gọi phố 'Lò Đúc' chắc hẳn cũng do nguyên nhân này.
cám ơn anh, đã đi vài lần, bây giờ em mới rõ :)
XóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.