Từ xa xưa, dân gian ta đã có câu ca ”cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” để ngợi ca vẻ đặc sắc, sự tinh tế, độc đáo trong từng những nét kiến trúc của những ngôi đình ở vùng đất xứ Đoài (Hà Nội).

< Đình Chu Quyến năm 2006, trước khi được tu bổ tôn tạo.

Đình Chu Quyến, thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì - một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17 chính là một ngôi đình tiêu biểu, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng Ba Vì và Thủ đô Hà Nội ở độ tuổi nghìn năm hôm nay.

< Đình Chu Quyến sau khi trùng tu, tôn tạo, vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa.

Đình Chu Quyến thờ thành hoàng làng là Nhã Lang Vương - con của Hậu Lý Nam Đế Phật tử. Đình thường được người dân ở đây gọi là đình Chàng vì xưa đình vốn thuộc làng Chu Chàng, xã Châu Chàng, tổng Châu Chàng, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Đình nhìn về hướng Tây Bắc, phía trước có hồ nước rộng. Đình thuộc công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ của người Việt về quy mô, vật liệu sử dụng, sự kết hợp tài tình, hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc.

< Đình Chu Quyến có kết cấu khung gỗ chồng rường với đầy đủ sáu hàng cột, đối xứng nhau qua trục dọc nhà.

Được mệnh danh là ngôi đình lớn nhất xứ Đoài, đình Chu Quyến nằm ở địa thế rất đẹp thuộc địa phận làng Chu Quyến - ngôi làng hiền hòa ven đê sông Hồng, phía xa xa là đỉnh núi BaVì hùng vĩ. Đình được thiết kế chỉ gồm một tòa đại đình trông rất sừng sững và bề thế gồm hai gian, ba chái, không có một công trình phụ trợ, bổ sung nào.

Như hầu hết các ngôi đình cổ xứ Đoài, đình Chu Quyến có bộ mái đình xòe rộng ra bốn phía, chiếm tới hơn 3/4 toàn thể ngôi đình nhưng lại lan rộng xuống thấp nên càng làm tăng thêm vẻ vững chãi, bề thế của ngôi đình. Bù lại, các đầu đao của mái đều được uốn cong làm cho ngôi đình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và duyên dáng gấp bội phần. Mái đình xoà rộng lan xuống thấp tạo vẻ bề thế, vững chãi, các đầu đao vút cong lên làm toàn bộ ngôi đình nhẹ nhàng, thanh thoát. Mái lợp ngói ta, bờ nóc gắn hai hàng gạch, tường rộng và dày.

< Đình Chu Quyến là công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam.

Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện cả trên đất nung và trên gỗ. Ông Bạch Công Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết, rất nhiều đoàn chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đã đến tham quan, tìm hiểu về giá trị của ngôi đình cổ này và đều khẳng định: Những con giống làm bằng đất nung được trang trí trên hai đầu nóc, đầu đao của đình là rất tuyệt vời. Hình ảnh mây lửa mềm mại, hình tượng con lân, đầu rồng mắt to, trợn tròn, miệng há rộng hướng về các đao lửa trên bờ guột của đình thể hiện tài năng sáng tạo cao độ của người Việt xưa.

< Trang trí rồng trên đầu dư đỡ câu đầu.

Bước vào tham quan đình, người xem cũng dễ dàng nhận thấy, các cột ở ngôi đình này đều rất to, chắc chắn; đặc biệt chiếc cột cái có chu vi tới hơn 2,4m. Vì thế mà người dân trong vùng từ lâu thường có câu ví quen thuộc: To như cột đình Chàng.

< Hình tường điêu khắc đầu rồng đỡ cột sắc sảo.

Các tác phẩm được chạm khắc bằng gỗ trong đình cũng hết sức cầu kỳ, tinh xảo và độc đáo. Những đề tài, khung cảnh vốn quen thuộc hàng ngày trong đời sống của người cư dân nông nghiệp như cảnh làm ruộng, chọi gà, người đánh đàn, người cưỡi hổ, người dắt voi, múa hát… được tái hiện hết sức đặc sắc, sống động.

Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng: Các hình chạm trang trí được người nghệ sỹ dựng đình Chu Quyến bố trí hết sức cầu kỳ với những mảng chạm nông, bố cục đăng đối xen với kỹ thuật chạm "lộng,” chạm “kênh” tạo ra nhiều lớp hình khối phong phú tạo sự tương quan về khoảng cách và ánh sáng rất vừa phải, hợp lý.

< Những cột cái ở gian chính điện đình Chu Quyến đều được làm bằng gỗ lim, một số cột có đường kính lên tới 80cm.

Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được thể hiện ở những thần tích và một số di vật cổ, đặc biệt là những đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Hàng năm cứ vào ngày 13-15 tháng Giêng, người dân địa phương lại mở lễ hội tại đình để tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức tưởng nhớ thành kính, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ, vật dân tộc, ca hát thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia.

< Các tác phẩm chạm khắc gỗ trong đình Chu Quyến hết sức cầu kì, tinh xảo và độc đáo.

Với những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, từ năm 1962, đình đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng là một trong những di tích văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng của Quốc gia.

Do xây dựng hàng trăm năm nay, mối mọt làm hư hỏng nặng nên từ năm 2007, đình Chu Quyến được  trùng tu, tôn tạo theo “Dự án thực nghiệm tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến”.

< Đình Chu Quyến được trùng tu trên cơ sở áp dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc.

Nội dung bảo tồn rất tỉ mỉ, trong đó xác định chính xác những tác nhân gây hại để loại bỏ hoặc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng tới di tích. Kết hợp sử dụng vật liệu, công nghệ truyền thống với vật liệu, kỹ thuật, công nghệ mới để tăng độ bền vững, sự ổn định lâu dài của di tích, trên cơ sở bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc cùng giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đồng thời, cải thiện môi trường, phục hồi, tôn tạo khung cảnh tổng thể công trình, tương ứng với đặc điểm của di tích.

Công trình sau khi hoàn thành đã được Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, ghi nhận thành công trong công tác trùng tu, tôn tạo, trên cơ sở sử dụng kĩ thuật tiên tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc, vẫn thể hiện được nét đẹp cổ xưa của ngôi đình hơn 400 năm tuổi.

Với mỗi người dân Chu Minh, ngôi đình cổ Chu Quyến đã cho họ niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương thân thương, gắn bó tự thủa ấu thơ. Bởi lẽ, ngôi đình không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của họ mà còn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa- xã hội của cả cộng đồng làng xã, đúng như chắc năng quen thuộc mỗi ngôi đình làng Việt tự bao đời.

Còn với những du khách phương xa, có dịp đi qua vùng đất thiêng Ba Vì với núi Tản sông Đà hùng vĩ, không thể bỏ qua di tích văn hóa nghệ thuật đình Chu Quyến - một công trình kiến trúc đặc sắc.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Nuibavi, Vnanet và nhiều nguồn khác