Để hiểu về đời người làm biển, tôi đã có một chuyến đi "bão táp" cùng những ngư dân của thôn Đinh Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tới vùng khu vực biển Đông xa đất liền ngót 1.000km.

Cả tháng trời lênh đênh trên biển cả, tôi đã chứng kiến đủ đầy sự hào phóng, giận dữ, tàn nhẫn và đáng thương mà biển đã ban phát và hứng chịu với con người.
Những thợ săn trên biển đã không ít lần bị những "quái vật"  là những con cá "khổng lồ" gieo rắc nỗi kinh hoàng khi đụng phải chúng. Rất nhiều ngư dân từ thợ săn đã phải làm mồi trong bụng cá hung dữ giữa biển khơi.

Tôi và 7 người đang cần mẫn kéo lưới, nhặt những con cá chuồn to cồ như bắp ngô thì bị giật mình bởi tiếng hét lớn của thuyền trưởng Leo "bỏ qua, bỏ qua, cá lọn, cá lọn".
theo hướng tay anh Leo chỉ cách mũi tàu khoảng 70m, có đến hàng trăm mét lưới bị dính vào nhau, cuộn thành một quả cầu tròn, chạy trên mặt nước, bên trong có một vật gì đó lao chạy loạn xạ đập nước bắn tung tóe.

Từ đầu phiên biển, tôi đã nhiều lần được mục sở thị những người trên tàu câu được những con cá vài chục ký. Nhưng đây là lần đầu thấy lưới bị cuốn chặt vào nhau, chỉ nhô lên 2 chiếc vây to như đôi quạt nan, nên không hiểu được giống cá gì trong lưới nữa.

Anh Quý leo thoăn thoắt lên nóc tàu, lấy thêm một chiếc khấu nữa (khấu là một loại móc sắt, giống như một lưỡi câu khổng lồ dùng bập vào những con cá lớn để kéo lên tàu).  Đây là điều bất thường, vì ngay cả bắt những con cá cả trăm ký thì vẫn chỉ cần dùng một chiếc khấu, kéo phát một, là tóm gọn ngon ơ.

Tàu từ từ tiến lại quả cầu lưới, anh Quý và anh Nhọt là 2 người khỏe nhất, tay lăm lăm khí giới, rồi đồng thanh hô "khấu". Hai mũi thép sáng xanh sắc ngọt bập vào hai bên vai của con vật đen sì, đang bị bọc trong đám lưới, con cá vùng vẫy điên cuồng. Nhưng 2 chiếc khấu đã móc sâu vào yết hầu của nó.

Không sớm chịu chết, con lọn khổng lồ ra sức dùng đôi cánh rộng, lớn đến 4m khỏa nước liên hồi, làm cho 4 người đang giữ khấu nghiêng ngả, mỗi khi nó vỗ cánh. Cứ đà này thì chỉ mấy cái quạt nữa thôi là con cá kéo cả người và khấu xuống biển.

Trước nguy cơ tuột mất cá lớn, ông Tám Hùng hét lớn: "Mang cái móc đá ra , buộc dây neo vào”, chiếc móc sắt vẫn được dùng để kẹp những cây đá cả tạ, mỗi khi lôi từ dưới hầm lên. Anh Thời dang rộng rồi bập mạnh vào hàm của con lọn. Sợi dây to như cổ tay vẫn dùng để neo cả con tàu đã biến thành chiếc dây câu khổng lồ, bị kéo tuột xuống biển.

Không còn đủ sức giữ 2 chiếc khấu nữa, 4 người ngư dân đành phải buông ra để trợ chiến cho những người đang kéo dây. Tôi cũng bỏ cả máy ảnh lao xuống giúp sức tạo thành một cuộc chiến 9 người với 1 con cá. Người thì cố kéo, cá thì cố thoát. Nó cứ kéo chúng tôi xềnh xệch hết lên mũi, rồi lại xuống giữa tàu. Lúc nào căng quá thì cả 9 người lại phải buông ra cho nó chạy, rồi lại hò như hò kéo pháo lên núi, để kéo nó vào mạn tàu.

Sau 2 giờ quần nhau với 9 người, bị dính mấy chục vết đâm từ cây xà beng dùng để đào đá, cuối cùng con cá cũng được kéo lên mạn tàu,  theo nó là một chùm cá dọn vệ sinh ăn theo. 9 người chúng tôi tất cả đều nằm vật xuống, ho sặc sụa vì quá mệt,  đôi bàn tay ai cũng bỏng rát.

Lúc này chúng tôi mới nhìn rõ kẻ đã vắt kiệt sức của cả tàu. Nó là một con cá lọn (họ hàng với cá đuối) đen sì, chiều ngang dài khoảng 4m, nhìn giống như một chiếc tàu lượn vừa đáp xuống sân bay. Trên lưng nó được bao phủ một lớp gai tua tủa, cứng như thép và sắc nhọn.

Sau khi ước lượng con cá không dưới 500kg, ông Tám Hùng, người nhiều tuổi nhất lắc đầu nói: "Sắp hết đời đi khơi rồi mà tôi chưa lần nào và cũng chưa nghe ai đụng phải con lọn dữ dằn như thế này". Thấy con cá nằm phơi nắng cả tiếng đồng, tưởng nó đã chết, ông Trung thản nhiên đi  dọn lưới thì bất thình lình chỉ một cái vẫy cánh nhẹ, ông Trung đã bị gạt văng xuống biển, làm mọi người hết hồn, vừa kéo cá mệt xong lại phải cứu bạn lên.

Trở lại vị trí cầm lái, cả tàu tiếp tục kéo lưới, anh Leo rút một nén nhang thắp lên ban thờ, xong xuôi anh nói: "Chỉ có may mắn bắt được con cá này, chứ lưới của mình thì chỉ như gãi ghẻ cho nó, khác gì đem chỉ buộc chân voi".

Bắt được cá lớn lại được giá thì cả tàu vui ra mặt, nhưng công đoạn xử lí đưa vào hầm là cả một vấn đề. 4 người cùng với rìu, búa sau cả tiếng đồng hồ mới xẻ thịt con cá to như con trâu chiến ra làm 4 khúc, đút xuống hầm. Moi ruột cá xong, ông Trung giữ lại cái dạ dày to bằng miệng thúng cái, đây là món đặc sản mà dân đi biển ai cũng nghiền, mỗi khi nhắc tới đều thèm nhỏ nước miếng, thèm lắm mà không dám ăn ngay. Vì sợ cá già tích tụ nhiều độc tố, phải hôm vào tới bờ mới dám đem ra làm mồi nhậu, lỡ có sao còn kịp cấp cứu.

Ám ảnh cá Bình

Sau giờ kéo lưới của tập thể, thì những ngư dân ai cũng trang bị cho mình vài ống câu tay để kiếm thêm. Tôi cũng hăng hái nhập cuộc để giết thời gian, chứ chẳng mong kiếm được cá. Sau khi trao cho tôi chiếc ống câu đã làm mồi đầy đủ, anh Chính mà cả tàu vẫn gọi là vua câu cá vẫn dặn "không được quấn cước vào tay, nếu thấy cá kéo mạnh quá thì phải bỏ ống câu, không được cố vì nhiều người đã bị mất ngón tay, vì cá lớn ăn mồi bao giờ cũng bập một miếng rồi phóng vút đi như tên bắn, nếu bị cước quấn vào tay thì phải dùng răng cố cắn cho đứt dây".

Trước khi đi ngủ, anh Leo còn để sẵn một con dao rựa ngay dây buộc neo, để đề phòng nếu tôi bị cá kéo xuống biển thì sẵn dao chặt dây cho tàu trôi theo, chứ không được nổ máy. Vì kinh nghiệm tàu nặng bao giờ cũng trôi nhanh hơn người, mà trôi tự do sẽ không bị mất vị trí so với người rớt xuống biển.

Dây câu của tôi căng tít, thả hết cả ống câu mà vẫn như vậy. Anh Chính lao đến giải thoát cho tôi, từng sải cước được kéo lên. Cứ tưởng số mình may sắp câu được cá lớn thì anh Chính hô "lấy dao đi, cắt cước". Lưỡi dao sắc lẹm làm sợi cước đang móc con cá đuối to bằng cái mẹt đứt phịch. Con cá lặn đi mất dạng trong tích tắc.

Tôi cứ thắc mắc sao không lấy cá mà lại phải cắt câu, để mất cả lưỡi lẫn chì? Anh Chính nói: cá Bình lấy làm gì. Tôi cự lại cá đuối chứ. Anh nói: "Ở đây gọi nó là con Bình và dân đi biển thấy nó là kiềng mặt không bao giờ bắt". Đây là câu chuyện đau lòng, cách đây hơn 20 năm.

Làng biển Định Tân ai cũng phải nể phục sức khỏe và tài đi biển của một thanh niên trẻ  tên là Nguyễn Huy Bình. Mới lấy vợ được 3 hôm thì Bình ra khơi. Lúc câu tay một mình anh đã kéo được con cá đuối hơn 1 tạ lên tàu. Bình lại gần để gỡ bộ lưỡi câu, thì bất ngờ con cá quăng đuôi, đập trúng chân phải anh. Không biết luồng điện hay chất độc làm anh Bình ngất lịm tại chỗ, lúc tỉnh dậy thấy mình ở bệnh viện, với một chân đã bị tháo khớp đến háng. Thì ra cú quất của con cá đã làm chân anh bị hoại tử, phải cắt bỏ không sẽ mất mạng.

Quá thất vọng khi phải làm người tàn phế, Bình sinh ra chán nản rượu chè. Cô vợ trẻ cũng bỏ anh một mình để đi theo người khác. Bình nhớ biển, nhớ cá, nhớ những ngày tháng tung hoành trên sóng dữ, hàng phục cá lớn. Anh cứ ra biển đứng mãi nhìn những người bạn ra khơi, rồi lao mình xuống biển. Từ đó dân đi biển của Quảng Ngãi đặt tên loại cá đuối chết người là cá Bình và bảo nhau không bao giờ bắt cá này nữa.

Nghe câu chuyện hãi hùng về cá Bình, tôi chẳng còn lòng dạ nào mà cầm ống câu, đành đi ngủ sớm, chỉ đến khi anh Chính và mọi người hô hoán khi kéo được một con cá thu bè khoảng 90 kg, tôi mới dậy để chứng kiến buổi hàng phục cá lớn nữa lại được bắt đầu.

Du lịch, GO! - Theo Suckhoe Doisong, internet