Đi qua nhiều lần, nhưng tôi chưa dừng chân ở Phú Yên lần nào. Hè năm nay, tôi có duyên ghé chơi Tuy Hòa (Phú Yên). Khác với những thị tứ du lịch ồn ào, người lạ đến rồi đi vội vã, Tuy Hòa tạo cảm giác thân quen, yên bình.

Ra khỏi TP. Tuy Hòa về phía Nam, rồi rẽ vào huyện Phú Hòa, theo con đường đất đỏ xưa, nay đã được phủ bê tông, uốn lượn giữa cánh đồng Hòa Trị xanh màu lúa non trù phú, tôi tìm đến ngôi đền thờ “Thần” Lương Văn Chánh. Ông được coi là người đầu tiên đưa 4.000 lưu dân đàng ngoài vào khai phá đất mới, lập phủ Phú Yên, mở cõi về phía Nam từ bốn thế kỷ trước. Trong đền hiện còn giữ đầy đủ bản chính nhiều sắc phong của vua, chúa nhà Nguyễn, phong các tước hiệu cao vọng cho ông. Từ 1996, đền Lương Văn Chánh được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Xe của chúng tôi dừng ngoài cổng tam quan mới xây nhân kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611-2011). Cổng tam quan xưa xếp đá tảng vẫn còn, đơn giản và gọn ghẽ, nhỏ nhưng đẹp hơn cổng mới.

Đền xưa rất nhỏ đã đổ nát hết, chỉ còn lại ba khuôn cửa được gốc bồ đề cổ thụ ôm gọn rất lạ mắt. Ông từ giữ đền khá trẻ, áo dài khăn đóng, xưng là cháu đích tôn nhiều đời của cụ Chánh họ Lương. Anh dẫn chúng tôi vào đền mới hoành tráng, ban thờ gian giữa có một chữ “Thần” viết Nôm, rồi anh thắp hương, đánh hồi trống, hồi chiêng cho khách chiêm bái. Trải bốn thế kỷ, vẫn nguyên vẹn lòng dân kính cẩn biết ơn người mở cõi.

Tuy Hòa (Phú Yên) có một thắng cảnh được ghi trong các sách hướng dẫn du lịch: Gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An. Nhưng, đến đây tôi được biết, có một xóm đạo nhỏ ven đường từ Gành Đá Đĩa trở ra quốc lộ.

Đó không chỉ là họ đạo xưa nhất (từ thế kỷ XVII ) ở xứ Đàng Trong, mà còn nổi danh nhờ có nhà thờ nguyên bản hơn trăm năm cực đẹp: Nhà Thờ Mằng Lăng.

Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng khoảng năm 1892, cùng thời kỳ với Nhà thờ Lớn Hà Nội hay Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Tuy ở nơi chốn hẻo lánh, nhưng kiến trúc và trang trí nhà thờ nơi đây lộng lẫy không kém gì các công trình tiếng tăm cùng thời. Mặt trước nhà thờ Mằng Lăng được trang trí các hàng cột, gờ uốn vòng cung, hoa văn tỉ mỉ…toát lên vẻ đẹp hoa mỹ, cầu kỳ. Xen giữa những cột tròn kiểu châu Âu là những cột vuông đình chùa thuần Việt. Thật bất ngờ khi bắt gặp hoa văn các chân cột thuần Việt có đắp nổi trái xoài, trái măng cụt, đặc sản đất phương Nam.

Đáng quý hơn, nhà thờ Mằng Lăng còn lưu giữ cuốn giáo lý "Phép giảng tám ngày", là cuốn sách cổ đầu tiên in bằng tiếng Việt (tại Italia 1651) của Alexandre de Rhodes tức Cha Đắc Lộ.

Đến Tuy Hòa, nơi có nhiều thắng cảnh biển, núi, là vựa lúa của Phú Yên hôm nay, chiêm ngưỡng những vết tích của hình xưa bóng cũ từ mấy thế kỷ trước, như thấy năm tháng trôi thật nhanh trên lịch sử một miền đất…

Du lịch, GO! - Theo Anh Việt (PNO)