“Từ sáng đến giờ tôi đã giao được hơn 2000 chiếc lồng đèn rồi đó. Năm nay, hàng được sản xuất nhiều, ra bao nhiêu hết bấy nhiêu”. Một chị bán hàng trung thu ngay ngõ vào nhà thờ Phú Bình trên đường Lạc Long Quân (P.5 Q.11 TP.HCM) vui vẻ khoe với chúng tôi như thế…

< Những gian hàng lồng đèn ở xóm lồng đèn Phú Bình.

Hồi sinh một nghề “hiếm”

Buổi sáng cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch, con hẻm dẫn vào xóm đạo Phú Bình nhộn nhịp hơn ngày thường. Những gian hàng bán lồng đèn trung thu trưng bày nhiều sản phẩm khá đẹp. Những chiếc lồng, đèn giấy kiếng truyền thống có dịp khoe sắc.

Trên chiếc ba gác máy, một thanh niên đang cẩn thận xếp từng chiếc lồng đèn lên xe. Đủ hình thù con vật, nào bướm, cua, thỏ, gà…rất nhiều mẫu mã đẹp mắt. Anh thanh niên vừa làm vừa cho biết, một đơn vị hoạt động từ thiện đặt 4.000 chiếc lồng đèn trong dịp trung thu này. Do số lượng lớn, nên anh phải giao hàng theo nhiều đợt.

Anh thắc mắc: “Không hiểu vì sao những năm trước mãi lực lồng đèn giấy kiếng mỗi năm mỗi thấp nhưng năm nay lại tăng cao. Có được như vậy chúng tôi mới tiếp tục duy trì được làng nghề truyền thống của cha ông để lại từ hơn 50 năm nay”.


< Chuyển hàng lên xe.

Tính từ đầu ngõ vào đến nhà thờ khoảng 100m có chừng 5 gian hàng bán lồng đèn giấy kiếng. Họ là những hộ vừa sản xuất vừa kinh doanh lâu đời mặt hàng này.Ghé vào một gian hàng, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bích đang cặm cụi chẻ từng chiếc nan làm khung sườn lồng đèn. Bàn tay của cô gái mềm mại, nhịp nhàng…

Là nhân viên kế toán của một công ty trong thành phố, Bích hiện 28 tuổi, đã nghỉ việc nhiều năm về với gia đình, tiếp tục nối gót cha ông làm nghề truyền thống.

Phía trong cửa hàng, cụ Nguyễn Thị Hoa, mẹ Bích đang ráp những khung lồng đèn. Thực ra cả nhà bắt tay vào công việc sản xuất lồng đèn ngay từ sau Tết. Trải qua 8 tháng lao động cần cù, không mệt mỏi, hàng chục ngàn chiếc lồng đèn với đủ loại hình thù, màu sắc ra đời, tỏa ra muôn hướng đem lại niềm vui cho trẻ thơ trong đêm rằm tháng 8.

Bích cho biết sức bán năm nay tăng cao. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh hàng điện tử ngoại nhập vẫn ồ ạt tấn công các món hàng truyền thống…

Một cụ già trong xóm lồng đèn nhận xét: đèn năm nay bán chạy hơn có nghĩa là, sau nhiều năm chơi các loại đèn ngoại nhập, trẻ thơ Việt Nam muốn trở về với cái mộc mạc, vẻ nét đẹp thâm sâu của những chiếc lồng đèn giấy kiếng. Phải chăng cái hồn của dân tộc đang trở lại mạnh mẽ ?

Lồng đèn “Báo Đáp”

Xóm lồng đèn Phú Bình được hình thành vào giữa thập niên 1950. Nơi đây là một quần cư của những gia đình có gốc gác từ miền Bắc. Theo những bậc cao niên còn sót lại, xuất phát từ làng nghề lồng đèn ở Nam Định. Họ mang vào Nam nghề truyền thống của cha ông, sống quay quần cùng nhau duy trì và phát triển. Ban đầu vài chục hộ, sau lên cao điểm tới hơn 200 hộ và hiện nay con số chỉ còn một nửa, chủ yếu là cầm cự để giữ nghề.

< Những cô gái trẻ thực hiện công đoạn cuối cùng: trang trí cho lồng đèn.

Thời vàng son của nghề lồng đèn phải kể đến những năm trước 1975. Hồi ấy, chiếc lồng đèn là cả một niềm mơ ước của những đứa trẻ Sài Gòn. Nét hoa văn rực rỡ, hình tượng phong phú: hình con cá, con tôm, nai…đủ màu vàng, đỏ, xanh đã làm các em nhỏ ngẩn ngơ. Vài nan tre phất lên tấm giấy kính, những chiếc lồng đèn đã gợi cho các em thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người thợ làm nên sản phẩm.

Đến nay, từ những chiếc lồng đèn giấy kính, bàn tay và khối óc người thợ đã sáng tạo ra cái mới, theo từng nhịp bước của thời đại. Mẫu mã mỗi năm mỗi khác, buộc lòng những người còn nặng lòng với nghề thủ công này phải sáng tạo ra những chiếc lồng đèn phù hợp.

Chúng tôi ghé vào căn nhà ở gần chợ Phú Bình. Ông Nguyễn Văn Quyền năm nay đã 54 tuổi đang ngồi giữa đống nan tre. Bàn tay ông khéo léo uốn từng những chiếc nan ra lồng đèn hình con gà. Dừng tay tiếp chúng tôi ông nói : “đến đời tôi đã 3 đời làm lồng đèn. Lồng đèn ở Phú Bình này còn có tên là lồng đèn Báo Đáp. Theo ông bà tôi kể lại nguồn gốc thưở xưa cả làng Báo Đáp di dân vào đây đem theo nghề lồng đèn. Ngày nay, gọi là lồng đèn Báo Đáp hay báo đáp thì suy cho cùng cũng một ý nghĩa như nhau. Báo Đáp là tên làng cũng có nghĩa là chúng tôi duy trì nghề của cha ông nhằm báo đáp công ơn tổ tiên dày công gầy dựng”.

Ông Quyền dõi đôi mắt về hướng xa xăm. Ông nhớ lại những nhọc nhằn của một đời làm nghề. Ông cho biết, cứ sau ăn tết xong là cả nhà lao vào cuộc. Ông đến tận ngã tư Bình Phước vào các vựa lồ ô (một loại giống tre nhưng rỗng ruột) mua nguyên liệu tập kết ngay tại nhà. Từ đó, mỗi người mỗi công đoạn cưa cắt, chẻ nan. Có 10 chủng loại gia đình ông thường làm là các loại thú, máy bay, tàu thủy. Cứ một cây lồ ô dài 5m có thể cho ra từ 80 – 100 chiếc lồng đèn các loại.

< Anh Quyền và vợ ráp khung lồng đèn.

Công việc của gia đình ông cứ thế trôi theo ngày tháng. Ông chỉ sản xuất ra khung sườn rồi giao lại cho một nhóm thợ dán giấy kính. Nhóm thợ này phải là những người có tay nghề cao để có thể cho ra sản phẩm vừa nhanh vừa đẹp. Công đoạn cuối cùng là trang trí cho lồng đèn được giao cho nhóm thợ chuyên vẽ hoa văn. Những đường nét độc đáo vừa giản dị nhưng lại thâm thúy tạo hồn cho chiếc lồng đèn khởi sắc.

Mỗi người mỗi công việc. Ai nấy cũng đều có việc làm quanh năm. “Làm một mùa, ăn cả năm” quả là đúng với nghề làm lồng đèn. Ông Quyền cho biết sau trung thu cả nhà lại bắt tay vào làm đèn ngôi sao giáng sinh. Sau giáng sinh cho đến tết là quãng thời gian người thợ làm lồng đèn được nghỉ ngơi.

Từ giã ông Quyền, chúng tôi được ông báo cho một tin vui: hai ngày nữa ông sẽ giao hàng cho một mối ở tỉnh, với hơn 2.000 chiếc lồng đèn. Ông mời chúng tôi trở lại để ghi hình hoạt cảnh này...

Chúng tôi ra về khi xóm lồng đèn Phú Bình đã lên đèn, với hi vọng sẽ trở lại…Có điều cảm nhận rõ nhất ở đây là năm nay không khí dường như tươi vui hơn,   bởi đèn giấy kiếng đã trở lại… từ đó tỏa đi khắp mọi miền đất nước, chào đón một mùa Trung thu yên ấm, thanh bình.

Du lịch, GO! - Theo Trần Chánh Nghĩa (Vietnamnet)

ĐGD: Mua và chơi lồng đèn VN để ủng hộ hàng trong nước, vực dậy những làng nghề truyền thống của cha ông đã có từng bao đời nay. Cảm ơn người tiêu dùng của chúng ta!