Đến huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế), hỏi dân địa phương nên thăm cảnh đẹp nào, chắc chắn du khách sẽ được chỉ đến thác A Nô (A Nôr). Thác cách trung tâm huyện A Lưới 3km thuộc làng Việt Tiến, xã Hồng Kim. Người dân A Lưới có câu: “Chưa thăm A Nôr như chưa đến A Lưới”. 

Phải băng qua vài ngọn đồi mới đến được thác A Nô nhưng trên đường đi, du khách đã có thể thả mình vào không gian trong lành của thiên nhiên. Men theo con đường đất, nhiều người sẽ gặp những tảng đá rêu phong với đầy đủ kích thước. Có tảng đá to được tận dụng làm giường ngủ dưới tán cây rất mát mẻ, lại có nhiều tảng đá rộng bằng bàn ăn là nơi để khách du lịch “nhâm nhi”.

Đường đi khá gập ghềnh, nhưng đã có “dàn giao hưởng” của tiếng chim hót, vượn hú, tiếng rì rầm của nước trong, tiếng lá cây cổ vũ nên không ai cảm thấy mệt mỏi.

< Đường vào thác ANôr.

Không gian A Nô đúng là có thể xoa dịu sự căng thẳng cuộc sống thường nhật, làm cho mọi người ai cũng thấy dễ chịu và sảng khoái. Đặc biệt, khi đến nơi, đắm mình vào dòng nước mát lạnh thì người khó tính nhất cũng có cảm giác thích thú.

< Thác A Nôr.

Từ trên cao dòng nước trắng xóa đổ xuống thành ba ngọn thác liên hoàn làm nên một thác A Nô hoang sơ và quyến rũ. Trên cùng là ngọn thác ngắn nhất và cuối cùng là ngọn thác cao nhất. Phía dưới chân thác là một hồ nước khá rộng. Nơi đây có thể bơi lội và tha hồ xông hơi nước mát.

< Dòng nước mát lạnh từ thác tạo thành suối.

Do đổ từ độ cao hơn trăm mét nên thác A Nô luôn có một lớp sương mờ bao phủ xung quanh thác với những thảm thực vật xanh ngắt, không khí mát lạnh vì bụi nước lan tỏa. Vách núi đá cheo leo luôn có nhiều hoa đỗ quyên rực đỏ càng làm A Nô thêm thơ mộng. Nhiều người ví A Nô như một máy điều hòa tự nhiên, chống lại cái nắng gay gắt và gió Lào khô khốc, bức bối.

< Núi Chóp Mũ mờ sương.

Ở khu du lịch sinh thái A Nô có ngọn Chóp Mũ cao chót vót quanh năm mây phủ cùng những cánh rừng già, là khu vực bảo tồn nhiều loài động - thực vật quý.

< Làng Việt Tiến.

Đến đây du khách còn khám phá những nét văn hóa của người dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hi, Cơ Tu và Vân Kiều cùng chung sống ở đại ngàn A Lưới. Đặc biệt có làng Việt Tiến nằm ngay lối vào khu du lịch, nơi du khách dừng chân thưởng thức rượu cần, nghe cồng chiêng và xem điệu múa Cha Chấp truyền thống của người Pa Kô. Làng có tên như thế vì được Công ty may Việt Tiến tài trợ xây dựng, gồm 22 hộ dân với 22 nếp nhà sàn.

< Đội cồng chiêng của làng.

Thời kháng chiến chống Mỹ, đây là điểm ra mắt đội du kích xã Hồng Kim. Dừng chân ở cổng làng Việt Tiến, ta có thể nghe thấy âm thanh nước đổ đồng vọng với tiếng chim rừng ríu rít. Cách chân thác 1km, cảm giác mát lạnh, trong lành ập đến khiến du khách như quên cái mỏi mệt sau chuyến hành trình dài.

Nước A Nôr đổ ra thành suối rộng, người dân quanh vùng thường đến đây bắt ốc, cua, cá. Lội qua suối, bạn có thể thấy những chú cá leo búng mình lên các tảng đá rất điệu nghệ.

Người già kể, xưa, A Nôr là nơi trú ngụ nhiều con vật nhà trời. Ngày nọ, người đàn ông trong bản thấy con ếch to, anh ta giương nỏ bắn. Con ếch chết, người đàn ông về nhà đổ bệnh và chết theo. Dân làng thương nhớ và lấy tên ông đặt tên cho ngọn thác. A Nôr gồm ba ngọn thác liên hoàn cao 8m, 60m, 120m. “Đứng ở đỉnh A Nôr sẽ thấy được toàn cảnh A Lưới”, Quỳnh Liên, người già trong bản cho biết.

Nước A Nôr đổ từ trên cao xuống trông như suối tóc của thiếu nữ. Hai bên thác là những vạt hoa rừng tím, đỏ điểm tô thêm cảnh sắc. Mùa hè, dân bản và du khách tìm đến đây mỗi ngày hàng trăm lượt. A Nô được ví như như chiếc máy điều hòa giúp bà con chống lại cái nắng gay gắt trên dãy Trường Sơn. Trên đường ra, bạn có thể ghé bản làng Việt Tiến mua một số hàng lưu niệm truyền thống và nghe những bài dân ca trữ tình của người Pa kô.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTCT, QĐND và nhiều nguồn khác