Ngày bé, dịp gần đến rằm tháng Tám, đám trẻ chúng tôi thường trốn người lớn nhảy tàu điện lên Bờ Hồ rồi đi bộ lên Hàng Mã. Phố ấy ngày xưa chỉ có một đoạn giáp với phố Hàng Đường là bán đèn với đồ chơi trung thu.

< Hàng bán đèn lồng mới chiều đã vội lên đèn.

Chạng vạng, đèn điện được thắp lên khiến cả đoạn phố rực rỡ trong màu vàng, đỏ. Bọn trẻ chúng tôi như kẻ mộng du, lạc bước vào thế giới của lung linh, lấp lánh giấy màu, giấy bóng kính. Đèn ông sao các cỡ treo trên sào dài, đèn cá, đèn thỏ treo dây chỉ ngang tầm mặt, đèn kéo quân có nến thì quay tít treo cả lên cành cây….

< Đầu sư tử rực rỡ dưới nắng.

Thế là bao nhiêu đồng xu 5 hào, 1 đồng, tiền giấy 2 đồng để dành từ Tết đã đổi thành đèn, mặt nạ giấy bồi, trên tay mỗi đứa lại thêm cái trống bỏi kêu lách chách.

Giờ phố Hàng Mã đông hơn, nhiều đồ chơi hiện đại hơn, đồ chơi Trung Quốc chạy pin chứ không cắm nến. Nhưng Hàng Mã vẫn rực rỡ ánh đèn, vẫn lung linh sắc màu và vẫn là con phố chứa đựng những khát khao, ao ước. Để rồi trong mắt bọn trẻ lại ánh lên những mơ mộng về một đêm rằm cổ tích, đèn nến huy hoàng lẫn trong tiếng thì thùng trống ếch...

< Mỗi anh em một chiếc đèn ông sao, mẹ mua đều cho khỏi tị.

Phố Hàng Mã xưa

Hàng Mã đi suốt từ ngã tư Hàng Đường đến phố Phùng Hưng, đất thôn cũ Vĩnh Hanh và Yên Phú, hai thôn xưa cách nhau bằng con sông Tô Lịch, sông đã bị lấp nên hai đoạn phố ở hai bên bờ đối diện tưởng như vẫn liền với nhau. Vì thế, thời thuộc Pháp, đường phố được đặt một tên chung là Rue du Cuivre (Hàng Đồng) cũng như hiện nay nó là Hàng Mã.

< Cô gái thử ướm cái mặt nạ giấy bồi.

Đoạn phố phía đông trên đất thôn cũ Vĩnh Hanh vẫn có tên gọi thông thường là phố Hàng Mã. Dân ở phố này có một số gia đình người làng Tân Khai (Hàng Sắt và Cổng Đục) dọn đến mở cửa hàng bán giấy và đồ mã nhỏ, đó là đồ hàng giấy để trang trí (hoa giấy, đèn giấy các kiểu...) và đồ mã để cúng lễ (mũ thổ thần, mũ ông Táo, vàng giấy...) Đồ mã nhỏ thì làm và bán ở đây, còn đồ mã lớn dùng cho tang lễ (minh tinh nhà táng) hoặc đám làm chay, đám lễ cầu mát, hoặc đám mã khác thì người ta đặt làm ở Mã Mây.

< Cô bé này lại ham mê tiếng trống ếch.

Khi nghề làm đồ hàng mã ở Mã Mây tàn thì nghề làm đồ mã ở Hàng Mã cũng không hơn trước được, các cửa hàng trong phố mạnh về bán các loại giấy màu, giấy trắng mộc và làm đèn giấy, đồ giấy trang trí; đồ mã cúng lễ chỉ sản xuất theo tháng.
Một số nhà thịnh vượng, nhà cửa cũ được cải tạo theo kiểu mới, nhà làm từ xưa theo kiểu cổ còn sót lại rất ít riêng chỗ ngã năm đầu phố Chả Cá- Hàng Đồng vẫn tồn tại mấy căn nhà cổ lụp xụp.

< Người mẹ trẻ chọn mặt nạ cho cậu con cưng.

Ở đoạn phía tây mang tên cũ Rue du Cuivre thời Pháp trên đất làng Yên Phú ở bên bờ nam sông Tô Lịch, gần mấy phố Lò Rèn, Hàng Sắt thì lại tập trung nhiều cửa hàng bán đồ dùng bằng đồng như mâm, nồi, đỉnh, hạc, cây nến, lọ hoa, bát hương... những người buôn bán đồ đồng hầu hết là người làng Đề Cầu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Họ làm ăn giàu có về làng xây đình riêng.

< Phố Hàng Mã vẫn mãi là con phố chứa đựng những ước mơ, những khát khao trong mắt trẻ thơ Hà Nội.

Còn ở Hàng Mã có ngôi đình Yên Phú còn tổ chức sinh hoạt thôn xóm cũ, khi có việc làng, có tế lễ thì người nguyên cư và người ngụ cư cùng dự.
Những người ngụ cư không nhiều ở nơi khác đến, đa số chồng là công chức, vợ có sạp hàng đồ sắt trong chợ Đồng Xuân. Đồ đồng bày bán ở phố này là hàng đúc sẵn đặt làm tại các lò đúc của phường Ngũ Xã.

Về mặt xây dựng, đoạn phố mà bán đồ đồng là những cửa hàng có nhiều vốn liếng nên nhà cửa sớm được cải tạo, kể cả những nhà cao tầng kiểu cũ, nhiều nhà được xây lại rộng hơn. Ngôi đình Yên Phú ở góc phố Hàng Rươi và Hàng Mã cũng mới được xây lại năm 1923. Dân gốc làng Yên Phú không còn nhiều, người ta mở rộng tổ chức Hương ẩm Yên Phú đối với tất cả dân ngụ cư trong phố.

Sau năm 1954, đoạn phố có tên cũ Rue du Cuivre (Hàng Đồng) không bán đồ đồng nữa vì đồng là mặt hàng do Nhà nước quản lý và có nhiều gia đình di cư vào Nam. Cũng có một ít nhà còn bán những thứ đồ đồng nhỏ và gò đồng lá làm nồi sanh thì ở bên phố Hàng Đồng mới...

Du lịch, GO! - Theo Danviet, Hanoi.gov