Có lẽ không mùa nào Tây Nguyên lại xanh tươi như mùa hè, khi những cơn mưa mát lạnh tưới tắm gọi thức dậy những cánh rừng, những đồi cà phê, những cánh đồng lúa mơn mởn, những bụi hoa cỏ dại phủ xanh khắp các nẻo đường dọc ngang núi rừng.

< Hồ Lăk yên ả dưới chân đồi biệt điện Bảo Đại đẹp như một bức tranh.

Những năm gần đây, du lịch Đắc Lắc đã được nhiều du khách gần xa biết đến với những ngọn thác hoang dã hùng vĩ giữa đại ngàn. Nhưng Đắc Lắc không chỉ có những ngọn thác trong chốn thiên thai. Mùa xanh ấy thôi thúc bước chân du khách tìm về Đắc Lắc.

Ngút ngàn xanh những triền đồi

< Biệt điện Bảo Đại được phục dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2004 nằm trên đỉnh đồi xanh tươi bóng k'nia và sứ cổ thụ.

Trải dài trên những cung đường đồi núi Đắc Lắc không thiếu những ngọn đồi xanh mướt đẹp đến nao lòng. Hết đồi bắp dập dờn lá biếc đến những đồi chuối xanh nõn nối dài đồi cà phê chúm chím quả óng xanh...

< Làng quê đồng ruộng xanh tươi in bóng xanh biếc mây trời nhìn từ đỉnh đồi Biệt điện Bảo Đại.

Bên cạnh những ngọn đồi vô danh ấy, có không ít những ngọn đồi đã đi vào tour xanh Đắc Lắc.

Trải đoạn đường dài 52 km từ Buôn Ma Thuột, đồi Biệt điện Bảo Đại hiện ra bên hồ Lăk với ngôi nhà mang kiến trúc nhà sàn được vua Bảo Đại cho xây dựng vào năm 1949 làm nơi nghỉ ngơi, săn bắn, thưởng lãm cảnh núi rừng.

< Nhà dài của người Êđê nằm giữa vườn cây tươi xanh bên hồ Lăk.

Từ đỉnh đồi cao 200m so với mặt hồ Lăk, phóng tầm nhìn ngút ngát xuống đồng ruộng tươi xanh vừa bừng tỉnh sau những cơn mưa hè và núi Chư Yang Sin xanh mờ xa viền đường chân trời. Thưởng lãm bức tranh sơn dã từ đỉnh đồi, không ai khỏi thầm phục ông vua cuối cùng của triều Nguyễn đã tinh mắt chọn nơi đây làm điểm dừng chân.


< Lưới cá mưu sinh trên hồ Lăk.

Cũng vì lý do ấy mà Công ty du lịch Đắc Lắc đã đầu tư phục dựng ngôi nhà của vua Bảo Đại vốn bị tàn phá sau chiến tranh và đưa vào phục vụ du lịch từ tháng 4-2004, biến nơi này thành điểm du lịch mang dấu ấn lịch sử, thu hút khách trong và ngoài nước.

Nằm cách chân đồi 200m, hồ Lăk yên ả phản chiếu mây trời xanh ngắt. Thi thoảng lại bắt gặp một chiếc thuyền độc mộc hoặc những chú voi tung tẩy đưa khách dạo hồ.


< Tượng Đức Mẹ xây dựng từ năm 1973 to bằng người thật, mang dáng dấp của người miền cao.

Sau một ngày khám phá, không gì thích bằng những phút dừng chân bên hồ thưởng thức đặc sản cá hồ Lăk giữa không khí trong lành tươi nguyên của rừng núi thoang thoảng quanh hồ.

Cách không xa đó là đồi Đức Mẹ Giang Sơn, điểm du lịch xanh của đông đảo khách du lịch gần xa, bất kể tôn giáo với cung đường xoắn ốc cho ô tô leo tận lên đỉnh đồi.

Đồi Đức Mẹ Giang Sơn cao gấp đôi đồi Biệt điện Bảo Đại nên tầm nhìn vươn đến những cảnh ngoạn mục hơn bên dưới chân đồi. Gần chạm đỉnh là nhà dừng chân vọng cảnh cho du khách. Leo vài chục bậc thang lên đỉnh đồi, mở ra trước mắt là một không gian tĩnh lặng với tượng Đức Mẹ đứng trầm tư dõi nhìn về hướng núi đồi xa xa. Bất cứ lúc nào cũng thể bắt gặp vài du khách đang đắm mình suy tưởng trong không gian yên tĩnh...

Dưới chân đồi, những gam màu sơn thủy trải ra trước mắt. Dòng sông đẫm màu phù sa uốn lượn giữa đồi núi và nương lúa xanh nõn, những cánh rừng già chen với vạt đồi đỏ màu đất bazan chở nặng những vườn cà phê bạt ngàn, vài sợi khói lam chiều phảng phất từ bếp nhà nơi chân núi mờ xa...

Xanh mát vườn nhà

< Bức tranh sơn thủy mê hoặc nhìn từ đỉnh đồi Đức Mẹ Giang Sơn.

Từ giã những ngọn đồi, chúng tôi tìm kiếm những trải nghiệm mới nơi vườn cà phê, cây trái xanh ngút mắt trong những buôn làng đồng bào Êđê - tộc người bản địa mến khách và thật thà. Nhà Mị Rum (tiếng Ê đê có nghĩa "mẹ của cô Rum") ở xã Eabhok, huyện Cư Kuin nằm giữa khu vườn xum xuê hoa trái đủ loại, và cả bắp, cà phê xanh tốt lúc lỉu những trái.


< Gia đình Mị Rum lưu luyến tiễn khách với đặc sản gạo rẫy trong buôn và cây trái vườn nhà.

Mị Rum mời mọi người vào ngôi nhà mới xây cạnh nhà sàn dài truyền thống của đồng bào Êđê. Ngôi nhà khang trang làm theo kiểu người Kinh mới xây được vài năm nhờ hoa lợi cây trái. Mị hồn hậu mời khách ở xa đến nếm thử cây trái vườn nhà với cơm lam nấu trong vỏ trái bầu. Nào là bơ, chôm chôm, sầu riêng, bắp... trong nhà có bao nhiêu trái thu hái được ngoài vườn, Mị Rum mang cả ra tiếp khách, vì "lâu lâu mới có khách đến thăm buôn mà"!
Đất bazan ở đây quả đãi người, thứ quả nào trồng trên đất này cũng ngọt ngào như màu đất đỏ thắm.


< Ngôi nhà trù phú của "vua" ong mật nằm giữa cơ man thùng ong mật và vườn cà phê, tiêu.

Một điểm đến lý thú khác nữa là nhà "vua" ong mật giữa vườn cà phê trù phú. Nghĩa, anh nông dân cần cù đến từ tỉnh Thái Bình được mọi người ở xã Eabhok phong cho danh hiệu "vua ong" nhờ kiếm vài trăm triệu từ đàn ong mật mỗi năm. Đàn ong của anh sản xuất từ 800 đến 1.000 tấn mật ong mỗi năm vào mùa xuân, mang lại món hoa lợi không nhỏ nếu nhân lên 50.000 đồng/lít mật.

Mùa này, Nghĩa đang dưỡng sức đàn ong mật bằng đường mía để chờ đến mùa hút mật hoa cà phê mùa xuân tới. Lúc ấy đàn ong sẽ cho ra những dòng mật thiên nhiên tinh khôi ngọt lịm mà thị trường nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Chia tay vườn cà phê, vườn tiêu chập chờn những chú ong mật nhà anh Nghĩa, chúng tôi mong ngày mùa mật ong vào mùa xuân tới để quay về đây ngắm nhìn và thưởng thức những dòng mật ong óng vàng chảy từ những nhụy hoa cà phê thơm ngát...

< Làng nghề thủ công mỹ nghệ sản xuất sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ gốc cây vừa chớm hình thành ở huyện Krong Ana - Đắc Lắc.

Giữa những vườn cà phê trĩu quả của huyện Krong Ana vài năm gần đây đã mọc lên một làng nghề thủ công mỹ nghệ mới với những nghệ nhân trẻ tuổi đến từ tỉnh các tỉnh phía Bắc. Nhóm nghệ nhân ở làng nghề mới này chuyên săn lùng những dáng gốc cây lạ để chạm hình tượng Phật, những độc bình lớn hoặc những kiểu dáng lạ cho những loại đồ gỗ trong gia đình như kệ thờ, kệ trang trí nội thất...

Đây cũng chính là điểm du lịch mới cho du khách muốn tìm hiểu về những làng nghề mới nổi ở Tây Nguyên.

Du lịch, GO! - Theo Khánh Ngọc (TTO)