Hò…ơ…Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao...Thấy con cá bông lau nó nhảy nhào vô lưới...Anh ngồi anh chắc lưỡi…Hò…ơ… anh ngồi anh chắc lưỡi…không biết chừng nào mới cưới đặng em !
Câu hò xưa được cập nhật lại, thay vì hò "Thấy con cá đao…" người ta cải biên: "Thấy con cá bông lau nó nhảy nhào vô lưới" nhưng vẫn đảm bảo âm vận, ý nghĩa và nhất là phản ánh rất sát đúng một loài thủy sản đặc hữu của con sông Vàm Nao, thuộc tỉnh An Giang.

Nói cá bông lau là một loài thủy sản đặc hữu của sông Vàm Nao là rất đúng, và cũng rất… không đúng! Bởi lẽ dân số bông lau được phân bố sống rải rác khắp sông Tiền, nhất là trên sông Hậu, có nhiều ở vùng hạ nguồn như miệt Kế Sách, Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Nhưng, đặc biệt là chúng đã chọn sông Vàm Nao làm nơi quần cư với mật độ nhiều hơn những nơi khác.

Dòng Mê Kông chảy vào lãnh thổ Việt Nam chia ra thành hai nhánh gọi là sông Tiền và Sông Hậu. Còn sông Vàm Nao như một dấu gạch ngang của chữ H nối liền hai nhánh Cửu Long giang. Có lẽ nhờ vào địa hình và thủy triều đặc biệt của dòng Vàm Nao mà nhiều loài cá sông về đây trú ngụ, trong đó có 2 loài cá quý hiếm là cá hô và cá bông lau.

Hằng năm, khi nước dưới sông chuyển màu từ đục sang trong, là lúc ngư dân hai bên bờ bước vào mùa đánh bắt cá bông lau. Mùa cá bông lau kéo dài từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau. Vào mùa đánh bắt, xóm làng nhộn nhịp hẳn lên mọi người dồn sức cho việc thả lưới, bắt cá. Trên dòng Vàm Nao, ngư dân chia làm 3 bãi để đánh bắt gồm: “bãi trên" ngang chợ Mỹ Lương, phía trên sông Vàm Nao; “bãi giữa" từ Vàm Trước ngang Chợ Đình đến bến phà Thuận Giang; “bãi dưới" từ bến phà đến cuối sông. Bãi nào cũng có 40 – 50 xuồng lưới.

Từ thời khẩn hoang, người xưa điều có tín ngưỡng “Đất có thổ công, sông có hà bá". Còn đối với những người đánh bắt cá bông lau ở Vàm Nao thì tin sông nước ở đây còn có “Bà cậu". Đánh bắt cá được hay không, bắt được nhiều hay ít cá là do “Bà cậu" có độ hay không? Có nhiều ngư dân, vào con nước đánh bắt hoặc khi đánh bắt được nhiều cá thường âm thầm làm mâm cỗ cúng như là một cách tạ ơn với dòng sông, bến nước đã bao dung cho bao người làm nghề hạ bạc.

Vào mùa cá bông lau, lúc mặt trời chen lặn, sông Vàm Nao bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi vào lúc này hàng trăm ngư dân thả lưới kín sông, cờ hiệu la liệt. Mỗi tay lưới đều có đèn phao mắc theo viền lưới cách nhau khoảng 40m, thế nhưng khi đêm xuống, nếu có dịp theo xuồng lưới ra khơi, phóng tầm nhìn về Vàm Trên hoặc Vàm Dưới của sông, phía nào cũng vậy, xa đến mút mắt, đâu đâu cũng đèn là đèn như sát khít nhau, lung linh kỳ ảo lạ thường, ta không thể không cảm nhận đây là “con sông đèn" vô cùng thơ mộng, như dải Ngân Hà ở hạ giới !

Thường thì người ta thả lưới chừng 3-4 giờ đồng hồ và chờ nước nhửn ròng mới kéo lưới. Trong lúc được ngơi tay, từng đoàn xuồng cặp hông nhau trò chuyện. Uống với nhau vài ly trà hoặc nhân nhi vài chun rượu đế cho ấm lòng giữa trời đêm trên sông lạnh giá.

Khi con nước vừa đứng mọi người bắt đầu chuẩn bị kéo lưới. Đây là lúc hồi hộp nhất vì phải chờ đợi suốt nhiều giờ liền. Thường thì một đêm người ta chỉ đánh hai vác, đầu hôm dính cá không nhiều bằng vác khuya. Vào những ngày cao điểm, bình quân một đêm mỗi xuồng lưới bắt được được 4 –5 con, hoặc hơn, mỗi con trung bình nặng từ 4 đến 8 ký. Có con nặng tới 15 ký.

Theo những lão ngư dân ở đây cho biết, vào mùa cá rộ người ta đánh bắt cả ban ngày. Hồi trước ở Vàm Nao ngư dân đánh bắt cá bông lau bằng câu và lưới, nhưng bây giờ chỉ còn dùng lưới mà thôi.

Chuyện kể rằng, cách đây hơn 20 năm, ông Bảy Út ở cồn Bình Thủy giăng câu, lúc móc mồi vô ý bị lưỡi câu móc vào tay và giềng câu bị nước chảy xiết đã kéo ông văng xuống sông. Nhờ có anh em bạn nghề phát hiện kịp thời, quăng dây vớt, khi lên được thì gần chết, may mắn mới cứu sống. Từ đó Bảy Út và một số người khác sợ, bỏ nghề giăng câu cá bông lau trên sông Vàm Nao.

Ngẫm ra, nghề đánh bắt cá bông lau quả thật rất vất vả và có cả sự nguy hiểm giữa sông sâu nước chảy. Nhưng, dòng sông cũng biết bù lại bằng cách dâng tặng cho con người những sản vật hiếm hoi.

Cá bông lau thuộc loại cá da trơn, là cá quý, thịt ngon hơn cá tra, cá ba sa. Cái sang tuyệt vời của nó là nhờ nước da trắng tinh khôi phơn phớt hồng, nên mới gọi “bông lau". Khi mới đánh bắt được, loài cá này có mùi thơm đặc trưng, chứ không hề tanh như tất cả các loại cá khác - độc đáo là ở chỗ đó!

Cá bông lau chỉ có một xương giữa, không xương hom, nên dễ ăn, ngon đáo để là bao tử của nó. Loài cá này có thể chế biến được nhiều món, nhưng do hiếm nên bao giờ người ta cũng tranh thủ thưởng thức lúc cá còn tươi, tức không làm khô, làm mắm như các loại cá khác.

Ở Vàm Nao, hầu như ai cũng biết chế biến mấy món ngon truyền thống như kho lạt, kho mẳn hoặc ướp muối sả chiên tươi. Nhưng làm món gì thì làm chứ các bà các chị không thể không dành ra vài khứa, nhất là khúc đầu cá để nấu cho được nồi canh chua, bởi đó là món đặc trưng nhất và đã định hình, thành danh ít lắm cũng đã từ hơn nửa thế kỷ nay. Có một vài gia đình ở Vàm Nao, đến mùa cá bông lau mà nhà có giỗ quãy thì đãi khách chỉ toàn các món chế biến từ loài cá này – như là một sự biết ơn tổ tiên – những người từng theo nghề hạ bạc và truyền nghề lại cho cháu con!

Xin cám ơn dòng Vàm Nao - nơi hợp lưu giữa hai dòng sông Tiền - sông Hậu cho cá bông lau có chỗ đi về!... Và, đã bao năm rồi, người dân bên đôi dòng quê cứ chờ con nước son của mùa lũ nhạt dần màu hạt phù sa để mà rộn rịp chuẩn bị ghe, lưới…

Rồi khi mùa gió chướng rong ngọn, dịu gió thì ban ngày nhìn mặt sông đầy những ngọn cờ hiệu trôi dạt như trận đồ bát quái. Đêm đến, ngoài ánh trăng, những ngọn đèn lồng của ngư dân đi tìm luồng cá như hoa đăng rải khắp lòng sông. Để rồi, bao thế hệ con người gắn bó với dòng sông, bến nước này đã nhận ra, con cá bông lau là một phần cuộc sống tình cảm trong mỗi người, trong mỗi mái nhà quê soi bóng xuống dòng Vàm Nao yêu dấu!

Du lịch, GO! - Theo Mientayonline