Bến Nhà Rồng hay Bảo tàng Hồ Chí Minh là Di tích lịch sử nổi tiếng của cả nước. Trong gần 150 năm, đây vẫn là thương cảng lớn nhất của Nam Bộ và cả nước, có từ thế kỷ 19 do người Pháp khai thác, nằm bên sông Sài Gòn.
< Bến Nhà Rồng.
Tại Bến Nhà Rồng có tòa nhà lớn, kiến trúc theo kiểu Á Ðông, cao hai tầng do Công ty vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863, dùng làm nơi bán vé tàu và nơi ở cho người Pháp quản lý tàu vào ra. Trước đây, từ mé sông Sài Gòn hoặc từ đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 (hiện nay) nhìn vào sẽ thấy hai chữ M.I (chữ viết tắt của Công ty vận tải Hoàng Gia Messageries Impériales).
Ðây là tên gọi của Công ty Vận tải đường biển, vì năm 1859, lúc Pháp chiếm Gia Ðịnh, nước này còn theo chế độ quân chủ, sau chiến tranh Pháp - Ðức 1870, nhà vua bị lật đổ, lập ra chế độ Cộng hòa (tức đệ tam cộng hòa), vì vậy Công ty vận tải Hoàng Gia được đổi tên thành Công ty Vận tải đường biển để xóa bỏ di tích quân chủ của thời "chính quốc" Pháp lúc đó.
Ðáng chú ý là trên nóc tòa nhà này có gắn một đôi rồng lớn làm bằng đất nung, tráng men xanh, cho nên nhân dân quen gọi là Bến Nhà Rồng. Những người lớn tuổi lại gọi là Sở ông Năm bởi tòa nhà này do viên quan năm người Pháp tên là Domergue xây dựng năm 1863. Ðến tháng 10/1865, Nhà Rồng còn có tên khác là Sở Canh Tân tàu biển, sau khi ở đây xây thêm cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu giúp tàu thuyền ra vào dễ dàng. Ðến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất bến tàu đàng hoàng để tàu cập bến.
Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Bến này cách bến kia chỉ 18 m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ 8 m, chỉ vừa đủ cho tàu ra vào. Xong cảng, người Pháp làm đường ra vào cảng và con đường sát bến cảng xây sau, người Pháp gọi là bến Khánh Hội. Bến này xây dựng thiếu kiên cố, nhiều chỗ bị sụt lở, cho nên ít tàu ra vào. Năm 1900 bến Khánh Hội được khởi công tu bổ, nhưng công việc này kéo dài mãi đến năm 1912 mới hoàn thành để các tàu loại nhỏ và vừa ra vào.
Một di tích có bề dày gần 150 năm nay còn nguyên vẹn như thuở ban đầu là điều không dễ có. Ðiều quý giá hơn, là nơi đây, sáng ngày 4/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống làm việc tại con tàu Latouche Tréville, đậu ở cảng. Sáng hôm sau, ngày 5/6/1911, tàu nhổ neo ra khơi mang theo người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Từ đây Người bắt đầu cuộc hành trình trên bốn biển, năm châu để tìm ra chân lý sáng ngời - con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, khỏi ách áp bức bóc lột của phong kiến đế quốc và thực dân.
Ðón Xuân Nhâm Thìn 2012, đến Bến Nhà Rồng được xây dựng cách đây gần 150 năm để nhớ lại những ngày đầu gian nan, vất vả trong cuộc hành trình của người thanh niên vĩ đại Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường đúng đắn nhất giải phóng dân tộc. Tết này, có về thăm lại Bến Nhà Rồng cũng là để tham quan, tìm hiểu về một di tích quý tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, cảm nhận hơi ấm của Người từ 100 năm trước ra đi. Nhìn cảnh cũ, nhớ người xưa. Và không có người xưa, cảnh cũ thì làm sao có một Sài Gòn hoa lệ, một nước Việt Nam giàu đẹp như hôm nay.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Cema, Baomoi... và nhiều nguồn khác
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.