Trong những năm gần đây, giới báo chí gọi khu vực bãi đất trống nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài là “Quảng trường Ngọ Môn” vì nó nằm ở trước mặt Ngọ Môn. Dùng địa danh này xem ra là thích hợp hơn cả, vì Ngọ Môn cùng với Lầu Ngũ Phụng ở trên đó là một trong những công trình kiến trúc có giá trị nhất của Huế về các mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, và đặc biệt nó là cái khán đài danh dự lý tưởng khi có cuộc lễ diễn ra ở quảng trường trước mặt nó.

Có một bãi đất trống nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài. Nói chính xác hơn, không gian ấy được giới hạn bởi đường 23 tháng 8 ở phía bắc, chân tường Kinh thành ở phía nam, con đường ngắn sau cửa Thể Nhân (thường gọi là cửa Ngăn) ở phía đông và con đường ngắn sau cửa Quảng Đức ở phía tây. Chiều bắc nam của nó rộng gần 125m và chiều đông tây dài khoảng 360m.

Trong khi qui hoạch và xây dựng Kinh thành và Hoàng thành vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc triều Nguyễn đã thiết lập không gian trống này một cách có ý thức: vừa tạo ra một khoảng cách thích hợp giữa mặt tiền Hoàng thành và mặt tiền Kinh thành, hay nói cách khác, giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài, vừa để cho triều đình có nơi để tổ chức một số cuộc đại lễ hoặc làm một số công việc cần thiết.

Không thấy triều đình bấy giờ đặt tên riêng chính thức cho quảng trường này. Chỉ thấy Nội các cho biết đây là nơi “Đại duyệt” hoặc nơi “Duyệt binh” tức là khu đất mà triều đình dùng để tổ chức những cuộc diễn tập vào đầu xuân hàng năm của các đơn vị bộ binh, trong đó có sự duyệt khán của vua và các đình thần cao cấp.

< Phía ngoài quảng trường Ngọ Môn trong lễ tế Nam Giao xưa.

Trong quyển “Souvenirs de Hué” được viết vào giữa thế kỷ XIX, một chứng nhân lịch sử từng sống tại Huế từ thời Gia Long (1802 - 1819) đến đầu thời Minh Mạng (1820 - 1840) là Michel Đức Chaigneau, đã gọi là khu đất này là “trường diễn binh nhỏ” (le petit champ de Mars, place de manoeuvres) để phân biệt với “trường diễn binh lớn” (grand champ de Mars) bấy giờ tọa lạc tại bờ bắc Sông Hương ở trước mặt Kinh thành .

Vào khoảng đầu thập niên 1930, khi khảo sát kỹ về các địa danh ở phạm vi Kinh thành Huế, Léopold Cadière đã gọi khu đất trống tại đó là “Hội đồng diễn quân trường” được dùng bằng tiếng Pháp là “champ de manoeuvre pour les troupes” , nghĩa là trường diễn binh của các đơn vị quân đội. Nhưng, nhà nghiên cứu này không cho biết tên gọi chữ Hán ấy đã lấy từ tư liệu nào.

Từ khi triều Nguyễn cáo chung vào năm 1945 đến nay, dân chúng địa phương Huế thường gọi nó một cách nôm na và dễ nhớ là “sân Cột Cờ”. Sở dĩ nói là “sân”, vì nó thường được dùng làm sân bóng đá, và gọi là “Cột Cờ”, vì khu đất này nằm sát chân Kỳ Đài, trên đó có cột cờ cao nhất nước (52,81m).

Trong những năm gần đây, giới báo chí gọi là khu vực ấy là “Quảng trường Ngọ Môn”, vì nó nằm ở trước mặt Ngọ Môn như trên đã nói. Dùng địa danh này xem ra là thích hợp hơn cả, vì Ngọ Môn cùng với Lầu Ngũ Phụng ở trên đó là một trong những công trình kiến trúc có giá trị nhất của Huế về các mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, và đặc biệt nó là cái khán đài danh dự lý tưởng khi có cuộc lễ diễn ra ở quảng trường trước mặt nó.

Mỗi lần tổ chức lễ gì ở đây cũng có đông người tham dự. Lịch sử triều Nguyễn cho thấy rằng các cuộc lễ lớn từng diễn ra ở đây đều mang tính quốc gia, chẳng hạn như Lễ Truyền lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), Lễ Ban sóc (phát lịch), Lễ Duyệt binh hàng năm, Lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của vua Khải Định (năm 1924), Lễ thoái vị của vua Bảo Đại (1945).

Tiếp tục sử dụng chức năng truyền thống đó, từ năm 1975 đến nay, chính quyền tỉnh thành sở tại đã tổ chức ở đây một số cuộc lễ long trọng có hàng vạn người tham dự. Ví dụ, gần đây nhất:

Vào ngày 26/3/1999, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ở Quảng trường Ngọ Môn cuộc Lễ Kỷ niệm 5 năm Quần thể Di tích Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn Hóa Thế giới và mừng 24 năm ngày Huế giải phóng, trong đó có khoảng 1 vạn người tham dự với sự hiện diện của nhiều quan chức Việt Nam và quốc tế.

Vào đêm 8/4/2000, chính quyền tỉnh sở tại đã phối hợp với một số cơ quan văn hóa nghệ thuật ở Trung ương, các địa phương và phía đối với tác Pháp, tổ chức cuộc Lễ Khai mạc Festival Huế 2000 tại quảng trường này, với sự hiện diện của nhiều quan chức cao cấp Việt-Pháp và hơn 2 vạn dân chúng địa phương cùng hàng ngàn du khách nội địa và quốc tế.

Mặc dù chức năng chính của Quảng trường Ngọ Môn từ xưa đến nay vẫn như nhau, là dùng để tổ chức những cuộc lễ quan trọng mang tính quốc gia hoặc địa phương, nhưng diện mạo của nó đã có sự thay đổi ít nhiều qua thời gian.

Trong bộ sách “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ”, Nội các Triều Nguyễn cho biết rằnng dưới thời Gia Long và đầu thời Minh Mạng, triều đình đã cho xây dựng ở hai bên quảng trường này 7 dãy nhà gồm 143 gian để che cho nhưng khẩu đại bác được đúc trong giai đoạn mấy chục năm ấy.

Những dãy nhà bằng gỗ lợp ngói này đã được gọi tên là “Tả Đại Tướng Quân Xưởng”, “Hữu Đại Tướng Quân Xưởng”, “Thượng Tướng Quân Xưởng”, “Tả Trung Tướng Quân Xưởng”, “Hữu Trung Tướng Quân Xưởng”. Từ “xưởng” ở đây có thể hiểu nghĩa là nhà chứa súng.

Đến năm 1832, khi bắt đầu nâng cấp bộ mặt kiến trúc của Hoàng thành, vua Minh Mạng đã cho dời một số dãy nhà súng ấy vào dựng “ở bên tả bên hữu trước cửa Ngọ Môn” .

Không thấy tư liệu nào cho biết rõ triều đình đã thiết trí bao nhiêu loại đại bác và bao nhiêu khẩu súng ở các dãy nhà súng hai bên Ngọ Môn. Nhưng, vào đầu thời Thành Thái (1889 - 1907), ở hai dãy nhà hai bên Ngọ Môn chỉ còn 9 khẩu “Thần oai Vô địch Thượng tướng quân “được đúc bằng đồng vào những năm 1803 - 1804 dưới thời Gia Long (Về sau, 9 khẩu súng lớn này thường được gọi là Cửu Vị Thần Công). Bấy giờ, ở dãy nhà bên trái, người ta đặt 4 khẩu mang tên “tứ thời”: Xuân, Hạ, Thu, Đông; và ở dãy nhà bên phải là 5 khẩu mang tên “ngũ hành”: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Vào năm 1896, triều đình Thành Thái đã cho di chuyển 5 khẩu bên phải qua đặt chung với 4 khẩu bên trái thành một dãy 9 khẩu. Lúc đó, dãy nhà bên phải trở thành “Mã khái” (Nhà để ngựa), và dãy nhà súng bên trái được gọi là “Pháo xưởng” .

Đến tháng 6/1917, dưới thời Khải Định, Nam triều đã cho Bộ Công đứng ra tổ chức di chuyển 9 khẩu thần công ấy một lần nữa và lại chia thành 2 nhóm, đặt ở 2 vị trí mới: 4 khẩu Tứ thời đặt ở phía sau cửa Thể Nhân và 5 khẩu Ngũ hành đặt phía sau cửa Quảng Đức, và xây 2 ngôi nhà bằng gỗ lợp ngói để bảo quản chúng . Đó chính là vị trí của Cửu Vị Thần Công mà chúng ta đang thấy hiện nay. Hai nhà súng này cho thấy rõ hơn nữa giới hạn chiều đông-tây của Quảng trường Ngọ Môn.

Mặt bằng của quảng trường này trong gần 200 năm qua, thường là một bãi đất trống. Một số ảnh chụp vào những thập niên đầu thế kỷ XX cho thấy triều đình có cho trồng một hàng dương liễu (cây filao) ở gần chân Kỳ Đài.

Có một trường hợp đặc biệt đã làm cho diện mạo của Quảng trường Ngọ Môn trở nên khác hẳn. Vào năm 1924, để cử hành cuộc lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của mình, vua Khải Định đã cho xây dựng tạm thời tại quảng trường này một tòa cung điện ở gần chân Kỳ Đài, mặt hướng về phía Ngọ Môn, và 2 dãy nhà ở 2 bên tòa cung điện, nằm đối diện nhau; đồng thời, chỉnh trang phần mặt sân ở khu vực trung tâm của quảng trường. Bấy giờ, người ta đã bố trí lại các thảm cỏ và đường đi lối lại. Các lối đi được lát gạch Bát Tràng. Nhìn chung, sự xây dựng, tôn tạo và trang hoàng lúc đó dù là tạm thời (trong một giai đoạn rất ngắn khi diễn ra cuộc lễ), nhưng trông thật tươm tất và đẹp đẽ...

Du lịch, GO! Theo Phan Thuận An (Tạp chí Sông Hương), ảnh sưu tầm