Xôi đường đặc biệt ở chỗ nó có thể để lâu khoảng hơn 1 tuần mà hương vị dẻo thơm vốn có không bị mất, bởi quá trình chế biến xôi giống như làm bánh, công đoạn chế biến rất kỹ càng.

Xôi đường là món ăn truyền thống được người miền Trung sử dụng nhiều trong những ngày tết cổ truyền để cúng tổ tiên và cùng gia đình thưởng thức trong những ngày trời se lạnh.
Nguyên liệu chế biến xôi đường cũng đơn giản và dễ kiếm, gồm gạo nếp dẻo thơm, đường, gừng già, dầu ăn (mỡ), đậu đen, mè. Tuy nhiên, công đoạn chế biến xôi có hơi cầu kỳ và mất thời gian.

Trước hết cần ngâm gạo nếp và đậu đen trong nước lạnh trong vòng 4-5 giờ. Sau đó vớt ra xóc sạch và để ráo. Cho đậu đen vào nồi luộc lên, múc một phần nước đậu cho vào gạo nếp ngâm tiếp trong khoảng 1-2 giờ và đun cho đậu mềm.

Khi đậu gần cạn nước thì cho đường vào rim với một chút nước cốt gừng già và một chút muối. Rim cho đậu ngấm gia vị, mềm và sền sệt là được.

Trong khi sơ chế đậu thì vớt gạo nếp ra, để ráo và cho một chút muối vào gạo, trộn đều rồi cho gạo vào chõ đồ cho chín. Trong quá trình đồ xôi, đun lửa nhỏ và đều để xôi không rắn mà cũng không bị nát. Sau đó đổ xôi ra trộn đều với đậu rim đường và tiếp tục cho vào chõ hấp trong khoảng 15-20 phút cho xôi ngấm đường. Cuối cùng cho một chút dầu ăn lên trên trước khi bắc xôi ra.

Xôi được đổ ra mâm cho nguội, rắc mè rang vàng lên, trộn đều. Cho xôi vào khuôn đã lót lá và tráng mỡ, mè, dùng lưng thìa ép chặt để xôi dền, rắc thêm một lớp vừng lên bề mặt cho xôi thơm, bắt mắt. Dỡ xôi ra khỏi khuôn và đặt lên đĩa cho xôi nguội hẳn. Khi xôi nguội dùng dao bén xắt xôi thành hình vuông, chữ nhật tùy thích.

Xôi đường là món ăn dân dã, giản dị, quen thuộc mà đậm đà hương vị quê hương. Vị dẻo thơm của nếp, bùi bùi của đậu đen, vị thơm của gừng, vị ngọt đậm đà của đường cùng vị hơi beo béo của dầu ăn tạo nên một cảm giác thật thú vị.

Ngày tết cổ truyền, với tiết trời se lạnh, những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, chè kho… và xôi đường cùng bát nước chè ấm nóng sẽ làm cái tết thêm ấm áp hơn.

Du lịch, GO! - Theo Laodong, internet