Trên đường thiên lý Bắc-Nam, ngang qua thành phố Đồng Hới-Quảng Bình, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng Quảng Bình Quan trầm mặc uy nghi như chứng nhân lịch sử của vùng đất “chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình...".

Quảng Bình Quan được xây dựng từ hơn 400 năm trước, nằm trong hệ thống Lũy Thầy, bao gồm Lũy Trường Dục, Lũy Trấn Ninh, Lũy Nhật Lệ, Lũy Trường Sa kéo dài hơn 30 km.

Hệ thống Lũy Thầy do Quân sư chúa Nguyễn là Đào Duy Từ (1572-1634) thiết kế và trực tiếp chỉ đạo xây dựng từ năm 1631-1634, nhằm giúp Chúa Nguyễn ở Đàng Trong chống lại các đợt tấn công của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.


Theo sách “Trịnh-Nguyễn diễn chí” của Nguyễn Khoa Chiêm viết từ hơn 200 năm trước đã mô tả hết sức tỷ mỉ công cuộc xây dựng Luỹ Thầy.

“...Năm Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3(1631), Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ vâng mệnh Chúa Nguyễn ra phủ Quảng Bình hạ lệnh cho dân đắp luỹ ở cửa Biển Nhật Lệ...Địa thế luỹ này tựa núi gần khe rất chắc chắn, ngăn cách với đất Bắc, hiểm trở chẳng khác gì đang đi vào đất Thục...”.

Là trung tâm của hệ thống Lũy Thầy, Quảng Bình Quan được xây dựng theo một mô hình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố, vừa là chiến luỹ phòng ngự chiến đấu kiên cố vững chắc, vừa là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

Nằm trấn giữ con đường huyết mạch Bắc-Nam và đường thuỷ từ cửa biển Nhật Lệ vào, nhờ vậy mà hơn 7 lần quân của Chúa Trịnh vượt Sông Gianh vào Nam đều bị chặn đứng ở cửa ải này.

Tuy là chứng tích đau thương của một thời phân tranh đất nước, nhưng Quảng Bình quan cũng như hệ thống Luỹ Thầy đã thể hiện sự phát triển cao của nghệ thuật kiến trúc thành luỹ quân sự Việt Nam, là địa chỉ tin cậy cho các nhà nghiên cứu kiến trúc và quân sự sau nay.

Có lẽ cũng nhờ Quảng Bình Quan và hệ thống Lũy Thầy mà chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã ung dung thực hiện lời sấm của Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân...”.
Vì vậy, năm 1825, vua Minh Mạng đã cho trung tu Quảng Bình Quan và nâng cao thêm tầng tháp canh bằng loại gạch nung kiên cố. Sau khi khánh thành nhà vua đã xếp Quảng Bình Quan là một trong những công trình văn hoá lịch sử đặc sắc của đất nước, cho đúc nổi hình ảnh Quảng Bình Quan vào Nghi Đỉnh đặt trước Thế Miếu trong Tử Cấm Thành.

Hơn 400 năm nay, với biết bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, cũng như sự khắc nghiệt của miền đất nắng lửa gió Lào, Quảng Bình Quan xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt năm 1947 sau khi trở lại cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã biến Quảng Bình Quan thành giá treo cổ những chiến sỹ du kích địa phương và năm 1954 trước khi rút chạy bọn chúng còn cho đặt mìn đánh sập từng trên của tháp canh.

Mãi đến năm 1961 nhân dân Quảng Bình mới trùng tu lại được nguyên vẹn, nhưng không lâu sau đó, năm 1966 không quân Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc, Quảng Bình nơi đầu tuyến lửa phải hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn, Quảng Bình Quan cũng như Thị xã Đồng Hới chỉ còn lại là đóng tro tàn gạch đổ. Thế nhưng trong suốt hành trình lịch sử của người dân Quảng Bình, Quảng Bình Quan đã trở thành chứng tích đau thương, thành biểu tượng bất khuất của quê hương.

Năm 1992, Quảng Bình Quan được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử- văn hoá cấp quốc gia. Sau hơn hai năm trùng tu xây dựng năm 1995, Quảng Bình Quan đã hồi sinh nguyên vẹn như xưa.

Ngày nay, Quảng Bình Quan đang trở thành một điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Cùng với Bàu Tró, biển Nhật Lệ và di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng tạo nên cụm du lịch văn hóa lịch sử, thiên nhiên hấp dẫn ở Quảng Bình.

Du lịch, GO! - Theo báo Dulịch, ảnh internet