Cuối eo biển Mồng Gà là mõm núi Bà Hiền, có hòn đá Trời Đánh nhô ra như trụ chào vào địa phận vùng bãi Mũng Mương. 

Tiếp theo: Mũi Mồng Gà
< Vùng bờ biển và bãi cát Mũng Mương.

Là một bãi cát gồm có cát thủy triều hạt to và muôn vạn viên đá san hô mình tròn, hạt nhỏ, sáng lóng lánh được bàn tay màu nhiệm của tạo hóa sàng lọc từ đáy biển khơi và vun bồi trong nhiều ngàn vạn năm để trở thành một bãi cát san hô cao hơn mét và rộng gần mười mét, uống cong theo hình cánh cung dài gần 2 cây số từ đầu hòn đá Trời Đánh xuống tận chót mõm núi Nhọn.

Sáng ngời một dải san hô
Mũng Mương Giang Đảo điểm tô tuyệt vời

Bãi cát và san hô nhuyễn bãi Mũng:

Có thể nói, bãi Mũng Mương là một công trình đặc sắc và kỳ diệu của những nhà kiến tạo cảnh quan thiên nhiên của Tạo hóa. Bãi luôn luôn phát ra một ánh sáng màu trắng hồng huyền diệu, phản xạ của hàng triệu hạt san hô lóng lánh. Vào những đêm trăng non, bãi cát Mũng Mương càng trở nên lung linh huyền ảo, triệu triệu viên san hô phát sáng lung linh, khác chi một thảm kim cương trải dài.

Đứng trên đỉnh Núi nhọn nhìn về Mũng Mương:


Eo biển Mũng Mương là một ran san hô. Từ bờ biển ra xa trên trăm mét là những tảng đá san hô bằng mặt nằm đan kết vào nhau kít mít như một sân lớn được con người lót gạch. Và cũng ngay bờ biển này, một loại đá san hô mỏng, bằng mặt, hình tròn, lớn bằng cái nia mà dân trên đảo quen gọi đá bánh trán mọc lên như một cánh rừng. Dân làng ta ngày xưa, đã dùng loại đá này cất nhà, xây cổng, xây tường như đã đề cập trong bài giới thiệu về Địa Thế Sinh Hoạt Làng Đảo Mỹ Giang.

Đá Trời Đánh đầu bãi Mũng Mương:


Là một rạn san hô nên vùng này từ xưa là nơi tập trung nhiều loại ốc, tôm, cua và dồi dào loài cá rạn, cá lia thia muôn màu muôn sắc. Điểm đặc biệt thêm là toàn đảo chỉ có vùng biển này là có loài ốc tai sinh sống. Thịt ốc tai rất ngon, bổ, nhiều chất đạm, con lớn có thể cân đến vài ký thịt. Những năm đầu hồi cư (1975), dân làng thường rủ nhau đi bắt ốc tai, chẳng phải vì khi ấy thiếu thốn nguồn lương thực, nhưng nó là món ăn khoái khẩu đối với nhiều người, thêm vào là sự thích thú khi bắt loài ốc này.

Để bắt được loài ốc này, thời gian đầu, người trong làng chỉ chờ đến mùa nước cạn, mỗi người trang bị cho mình một cây sắt có đầu dẹp, nhọn hoặc một cây xà beng và một con dao lưỡi mỏng. Họ lội bộ ra giữa vùng rạn Mũng mương, tìm đến những chú ốc tai đang nằm trong tảng san hô, chờ cho nó hả miệng ăn mồi liền thọc cây xà beng chèn mép vỏ con ốc, không cho nó có cơ hội kẹp lại, đồng thời dùng xà beng nạy và đâm võ ốc cho đến khi nó nức vỡ ra mới bắt đầu dùng dao mỏng lạng lấy thịt.

Rạn san hô  cuối bãi Mũng Mương cạnh núi Nhọn:

Người ta cũng có thể bắt lấy thịt những con ốc không chịu há miệng, nhưng rất mất thời gian vì phải đục bỏ nền đá san hô bọc cứng vỏ con ốc và những lúc ấy, võ ốc nát vụn cùng với mảnh vỡ của đá sẽ dính vào phần thịt của ốc,khiến cho thịt ốc kém chất lượng (thịt ốc tai mềm, để bám  đất, đá sỏi nên khó rửa sạch). Đó là những năm đầu khi con ốc còn nhiều. Dần dần, muốn ăn được loại thịt này, ngư dân phải đi ra xa hơn và lặn sâu xuống biển.
Hiện nay loài ốc này gần như tuyệt chủng trên vùng rạn hòn đảo Giăng.

Du lịch, GO! - Theo NinhhoaToday