Mồng Gà trấn nhậm thành đông, Ngăn con sóng dữ lập đông kéo về

Mũi Mồng Gà nằm cuối địa phận Bãi Trước (Khánh Hòa). Phần địa chất và hình thù tương đối giống mũi Bàn Than, nghĩa là từ bãi cát trắng bỗng nhô lên những cụm đá đen tuyền, bìa mặt khá phẳng, chạy dài ra lòng biển.

Nếu đứng từ vị trí giữa làng (khi còn người cư ngụ) trông chẳng khác chi cái mồng của con gà, nên từ đó dân ta mới gán cho cái tên nghe mộc mạc và ấn tượng là mũi Mồng Gà. Về vị trí, Bàn Than và Mồng Gà đều nằm vắt ngang đầu Bãi Trước, một cái nằm hướng tây và cái kia nằm hướng  đông tạo cho Bãi Trước có thế như lòng chảo, nhờ vậy mà vùng bờ biển nơi đây hiền hòa, êm dịu.

Những ai đã từng sinh trưởng và lớn lên trên đảo Giăng, đều có những kỷ niệm buồn cười, thú vị của thời ấu thơ đối với Bàn Than và Mồng Gà. Qua trí óc mù mờ của trẻ, những nơi này là biểu tượng một không gian không mấy an toàn, ẩn chứa nhiều sự kỳ bí, hoang mang, khó hiểu. Chúng được nghe kể rằng đằng sau Bàn Than là một vùng hoang vắng, động cát trắng tinh và nhiều mồ mả, đêm đêm thường xuất hiện nhiều ma lửa và nhiều bóng trắng phiêu phiêu trên mặt đất.

Vùng biển ngay mũi Mồng Gà ra đến đá Trời đánh:


Mặt kế của Mồng Gà là một khu vực đá bàng đen thẫm dẫn đến hòn đá Trời đánh mà nghe đâu rằng do có ác ma ác quỉ ẩn núp vùng này và thường hù hoạ, trêu chọc con người nên ông Trời phiền lòng sai Thiên lôi cầm búa xuống trừ khử. Thiên lôi hôm đó buồn ngủ, con mắt quáng gà, đánh đại một búa nào ngờ không trúng ác ma mà chỉ trúng hòn đá, làm hòn đá nứt đôi, còn con ác ma thì sợ quá, trốn mất. Nhưng sau khi Thiên lôi bỏ đi, con ác ma bèn nhập vào kẻ hở hòn đá và ẩn trú tại đó như nhà của mình. Thế là trẻ nít trong làng để mặc cho trí tưởng tượng bay xa và chúng ít khi dám "đơn thương, độc mã" lui tới những vùng này.

Mũi Mồng Gà nhìn ngược về hướng tây có rặng núi Hòn Hèo:



Từ đầu mũi Mồng Gà đến đá Trời Dánh là một eo biển khúc khuỷu, gồ ghề, rất khó đi. Địa thế nơi đây kỳ bí, hiểm trở, trên là rừng rậm um tùm của dãy núi Bà Hiền, dưới là biển to, sóng lớn của vùng bờ biển cực đông. Bình thường, Mực nước nơi đây rất cao và đầu sóng có khi bủa chụp vào lưng chừng núi. Tuy nhiên, đến mùa thủy triều rút, eo biển Mồng Gà phơi đáy hiện ra một vùng thiên nhiên hùng vĩ, rực rỡ những màu sắc và hình tượng vô cùng linh động.

Trước tiên, ta sẽ chiêm ngưỡng một tầng đá tổ ong đen tuyền, đan kết với nhau từ chân núi lan rộng đến vực sâu giữa lòng biển, trông không khác chi một khoảng sân rộng được trải nhựa có những đường nối sắt như dao chạy xuôi, chạy dọc. Phía ngoài chớn biển, hàng vạn cụm đá lớn nhỏ màu hồng hồng, vàng vàng, tím tím, đan liền và chồng chất lên nền đá tổ ong một cách vô thứ tự nhưng huyền diệu với nhiều hình tượng kỳ vĩ, xa lạ, xen lẫn những vũng nước sâu ánh lên màu bạc của mặt nước tạo cho không gian một sức thu hút tuyệt vời.

Một góc Mũi Mồng Gà nhìn ra hướng hòn Đỏ:




Với tầng địa chất phủ một lớp dày các loại đá và những vũng sâu, hầm hố, hang động do sóng biển tạo thành nên đáy biển Mồng Gà rất giàu nguồn hải sản. tập trung nhiều nhất là các loài ốc nhỏ, cua và cá rạng. Những năm trước 75, có thể nói nơi đây là vựa ốc của làng.

Những bà nội trợ trong làng muốn thay đổi bữa ăn hoặc cho thêm món ốc vào buổi cơm chiều để tăng phần đậm đà, chỉ cần bỏ ít thời gian đến vùng này là bắt được nhiều loại ốc ngon như ốc nhớt, ốc mặt trăng (ốc vỗ),  ốc đụn,  ốc bàn tay, v.v...  Ốc nhiều đến mức người ta nghĩ rằng chẳng bao giờ và chẳng làm sao bắt cho hết được. Các loài cua biển nhiều cũng không kém. Chỉ cần lật ngửa một hòn đá san hô trong số hàng ngàn viên đá, người ta sẽ nhìn thấy đôi ba con cua hốt hoảng, giơ càng bò ngang, bò ngược.

Hòn Quả xinh xinh nằm xéo về hướng đông bắc bờ biển Mồng Gà:


Nay thì vùng bờ biển này ốc tôm, cua không còn nhiều như những năm xưa. Những con ốc vỗ xưa kia lớn bằng ngón chân cái thì bây giờ nhỏ ti ti như đầu đũa và mật độ thưa thớt mỗi nơi một con. Ốc đụn, ốc bàn tay không còn thấy xuất hiện nữa, hoặc nếu muốn đánh bắt loại này phải ra ngoài chớn sâu 7-8 mét. Trải qua nhiều thế hệ, nguồn hải sản thiên nhiên vùng biển đảo Giăng luôn trù phú, dồi dào.

Cận bờ tập trung nhiều vô số các loài tôm, cua, ốc, ghẹ và ra xa một chút có chẳng biết bao nhiêu là loài cá ngon. Người dân trên đảo chẳng bao giờ lường được rằng sẽ có ngày nguồn hải sản này cạn kiệt. Thế nhưng giờ đây lại là điều có thật! Nạn đói kém trong những năm bao cấp (1979-1986) đi đôi với sự tăng trưởng dân số vì sự sinh sản không có kế hoạch là một trong những nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn hải sản sát bờ trên đảo Mỹ Giang.

Du lịch, GO! - Theo Ninhhoatoday

Bãi Mũng Mương (Khánh Hòa)