Hà Thành là nơi tập trung nhiều ngôi chùa có cả ngàn năm tuổi. Chùa Vạn Niên - giống như cái tên của nó, đã trường tồn cùng với Thăng Long một nghìn năm nay. Nhưng với vẻ khiêm tốn của mình và trải qua thời gian đằng đẵng, không còn nhiều người biết đến ngôi chùa này.

< Cổng sau chùa Vạn Niên nhìn ra Hồ Tây.

Trong cuộc sống hối hả, người ta tìm đến vãn cảnh chùa chiền vừa để thấy lòng mình thanh thản hơn, vừa cầu bình an sức khỏe cho người thân. Hà Nội có khá nhiều ngôi chùa như thế, không chỉ có cảnh vật hữu tình mà kiến trúc cổ kính có giá trị. Nằm ngay trên đường Lạc Long Quân khang trang sạch sẽ, chùa Vạn Niên không tấp nập người khói hương mà cảnh vật thanh bình cây cối xanh mát. Bức tượng Phật khá lớn đặt giữa trời, trước đài phun nước, những bông sen bông súng nở hoa tạo nên khung cảnh thanh tịnh khoáng đạt.
.
Ngày thường, chùa vắng lặng chỉ có những người trong chùa trông coi hương khói, đến ngày rằm và ngày lễ, người dân đến đây thắp hương rất đông. Không giống như các ngôi chùa khác người ta đến xin cầu tài làm ăn, chùa Vạn Niên mang hơi hướng cầu bình an, tránh tà, cầu xin sức khỏe cho gia đình, con cháu. Cảnh chùa không còn rộng lớn nhưng đổi lại là không gian xanh mát khiến cho khách vãng lai muốn dừng chân nghỉ lại. Cho dù chỉ ngồi dưới chân tượng phật mà ngẫm nghĩ và để cho lòng mình được tự tại thanh nhàn.

< Cổng chính chùa Vạn Niên.

Cổng chùa Vạn Niên Chùa Vạn Niên nằm ở bờ phía tây của Hồ Tây, thuộc địa phận ấp Quán La, nay thuộc Xuân La, quận Tây Hồ. Hiện nay trên nóc chùa còn ba chữ triện đắp nổi “Vạn Niên tự” nhưng tên cũ của chùa là Vạn Tuế.  Chùa có gốc tích từ rấy lâu đời, tường truyền, đời nhà Lý năm Giáp Dần, niên hiêụ Thuận Thiên thứ Năm (1014)., Thạch Nhai tăng thống tấu xin cho lập giới đàn ở đây để tập hợp tăng đồ thụ giới. Vua xuống chiếu ban cho. Nhiều nhà sư danh tiếng như Lâm Tuệ Sinh, Lý Thảo được từng trị vì ở đây. Đến thời Lý, chùa đã trở thành chốn tùng lâm thị giới cho các tăng đồ.

Như vậy, ngay từ thời kỳ này, đây đã phải là một ngôi chùa có quy mô lớn. Hiện nay, chùa Vạn Niên thờ Phật và bà chúa Liễu Hạnh. Suốt hơn 1.000 năm lịch sử, qua bao thăng trầm, thay đổi, ngôi chùa cũng đã nhiều lần trùng tu. Đến nay, chùa Vạn Niên có phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Mặt bằng chùa bao gồm: tam quan, chùa chính và điện mẫu, ẩn hiện dưới những vòm cây cổ thụ và in bóng xuống hồ Tây. Bộ di vật của chùa gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn được đánh giá là lớn và có giá trị lịch sử - văn hoá nghệ thuật cao được lưu giữ tại chùa.

Một góc cảnh chùa với hoa sen đang nở Hiện tại, chùa Vạn Niên nằm khiêm tốn nép mình dưới những rặng cây cổ thụ um tùm. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Những ngày rằm và mùng 1 hàng tháng chùa làm cơm chay để các Phật tử đi lễ chùa dùng cơm chay cùng nhà chùa. Nhà chùa làm cơm chay rất nhiều món và rất ngon.

Thông thường để dự cơm chay thì các Phật tử báo với nhà chùa để nhà chùa chuẩn bị và tịnh tài thì các Phật tử tuỳ hỷ.  Bài ký trên chuông đồng "Vạn Niên Tự Chung" đúc vào đời Gia Long cho biết: "Chùa Vạn Niên là một di tích cổ có qui mô bề thế, một danh lam cổ tích lớn ở phía tây kinh đô Thăng Long". Từ đó về sau, ngôi chùa được trùng tu nhiều lần. Ngôi cổ tự này cũng là nơi dừng chân của nhiều du khách đến thưởng ngoạn cụm di tích phủ - đền - chùa Hồ Tây của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Ngôi cổ tự Vạn Niên là nơi dừng chân của nhiều du khách đến thưởng ngoạn cụm di tích phủ - đền- chùa Hồ Tây của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chùa đã được Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Nhiều năm nay, di tích này luôn được chính quyền và nhân dân Thủ đô cùng du khách thập phương trân trọng, gìn giữ, tu bổ tôn tạo ngày một khang trang hơn. Hướng tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội, chùa Vạn Niên không chỉ giữ mãi nét đẹp truyền thống, cổ kính cho không gian của Thủ đô mà còn giữ lại cả nét độc đáo về văn hóa kiến trúc cho con cháu mai sau.

Du lịch, GO! - Theo NguoiHanoi, VOV