Phố Cáo là một xã nằm bên đường của quốc lộ 4C nối Hà Giang với huyện địa đầu cực bắc Đồng Văn. Đó là một trong những điểm dừng chân thú vị trên đường “phượt” của dân du lịch bụi trong mọi hành trình đến với Đồng Văn. Tôi đã qua Phố Cáo nhiều lần, vào ngày sương giăng mịt mùng và cả ngày nắng vàng rực rỡ. Nhưng không lần nào như lần ấy, một ngày bình yên…

Xã có bốn dân tộc Mông, Hán, Dao, Pu Péo, trong đó người Mông chiếm tới 90%. Thị tứ nhỏ với vài nóc nhà nằm rải rác dọc con đường, nhà nào cũng tường đất, cổng gỗ, bờ rào đá, thứ kiến trúc đặc trưng của người Mông ở Hà Giang. Lưng núi trơ khấc đá tai mèo, màu đá xám ám vào màu nâu đất, đâu đó giữa những hốc đá có những mầm sống xanh xanh đang nhú, cựa mình. Trước sân một ngôi nhà trình tường đang đắp dở, có đám trẻ con má nứt nẻ vì gió núi và nắng trời đang nô đùa.
.
< Nô đùa trên hàng hiên.

Những bước chạy mạnh mẽ và hồn nhiên, khăn váy xòe tung trong nắng gió. Chúng mở mắt tròn xoe nhìn người lữ khách với những viên kẹo nằm rụt rè trên bàn tay và e lệ khúc khích cười khi bạn tôi nâng máy ảnh.

Phía bên kia đường, sau những bờ rào đá trắng, sau đám cỏ lau xanh mềm mại, sau cánh cổng gỗ bạc màu vì sương gió là mái ấm của bà con vùng cao. Sân nhà chất đầy củi, chiếc bàn gỗ thấp bé tẹo với những vết dao cứa ngang dọc, dăm chiếc ghế gỗ dài nho nhỏ, xinh xinh, hai chân chữ V nằm gác trên mặt bàn, lặng yên đến khó tả.

< Trên bờ rào đá.

Có một cô bé thập thò sau ô cửa, rồi một cô bé khác lớn hơn, rồi một chú bé ở sau chái nhà chạy tới, và rồi những người lớn cũng bắt đầu bước ra khỏi khoảng tối ở ô cửa, họ bước ra sân.

Khói bếp cuộn với sương và nắng khiến ngôi nhà như chìm trong hư hư ảo ảo. Tôi đứng tựa lưng vào gốc cây hồng, ngắm nhìn đám trẻ chạy qua chạy lại, ngắm người phụ nữ vừa địu con vừa xếp củi, một bà cụ địu bao ngô ở ngoài nương vừa bước qua cổng nhà.

< Câu chuyện.

Bên ngoài bờ rào, bên ngoài cánh cổng gỗ, thoảng lại có một chiếc xe đạp phóng vụt qua, thoảng lại có đôi bàn chân vội vã và tấm lưng hơi cong cong dưới sức nặng của chiếc gùi đeo lướt qua ô cửa. Ô cửa như một khuôn hình và cuộc sống thì tựa như những thước phim bình dị cứ trôi qua.

Tôi bước ra đường quan lộ, hai bà mẹ còn rất trẻ đang đứng chuyện phiếm bên bờ rào, bọn trẻ con cứ thập thò sau khung cửa. Mặt trời lên càng cao nắng càng vàng rực, gió càng thổi mạnh và mang đầy hơi lạnh của núi. Bước chân tôi càng khó rời…

< Nhóc con.

Một nhóm người khá đông đang đứng tập trung ở ngã ba đường giữa thị trấn Phố Cáo. Đàn bà con gái vây quanh một chảo bột, một chiếc máng gỗ và một chiếc khay. Họ đang làm đậu phụ, bếp lửa bên đường cháy rực trong nắng, phả hơi nước lóng lánh lên không khí. Đàn ông con trai đứng lố nhố trên hiên nhà phơi đầy ngô và treo đầy cỏ. Trong nhà cũng rất đông người đang ngồi.

< Ngược nắng.

Ngày mai ở căn nhà này có một đám cưới. Hai vợ chồng người Mông đã về ở với nhau cả năm và ngày cưới của họ cũng sẽ là ngày đầy tháng cậu con trai nhỏ đang nằm rúc vào ngực mẹ. Lời hát ru nho nhỏ chìm trong tiếng nói chuyện, tiếng điếu cày rít lên lọc xọc và tiếng mời rượu xôn xao.

Trong nhà ít ánh sáng, khói cuộn lên từ chiếc bếp lò bên tay phải, một ô cửa trổ ra hông đón nắng. Đám người ngồi quanh bếp củi đang tàn lửa, quanh can rượu trắng, quanh ca mèn mén xay, vui vẻ chuyện trò.

< Làm đậu phụ.

Tôi nhấp một ly rượu gạo trong leo lẻo, ăn một muôi mèn mén xay theo lời mời của mấy người đàn ông. Chú rể cười hớn hở đề nghị được chụp một bức hình kỷ niệm. Tiếc là chú bé con 1 tháng tuổi cứ khóc tỉ tê khiến gia đình nhỏ không thể chụp một tấm hình lưu niệm.

Lời hát ru của người Mông nhè nhẹ cất lên từ miệng của người mẹ, bám vào đống chăn màn cũ kỹ nơi góc giường, len qua khe cửa sổ hẹp ra ngoài sân rồi tan biến trong không gian…

< Chở củi về nào.

Ngoài kia, khăn váy áo giăng mắc đầy trên bờ rào đá. Đám trẻ chạy nhảy quanh chiếc xe cải tiến, nô đùa trên hàng hiên. Một vài người đàn bà đi chợ về, vai trĩu nặng những món hàng, những chiếc xe chở đầy thân ngô và lâu đã khô mang về nhà làm củi đốt.

Phố Cáo bình yên đến lặng người, lòng tôi nhẹ như lời ru bay trên cao nguyên đá… Là vì ngày ấy, ngày tôi chưa yêu...

Du lịch, GO! - Theo TTO