Từ đảo Đá Tây đến xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa Lớn, những ngôi chùa hiện hữu, thể hiện tâm nguyện và khát vọng cuộc sống yên lành, hòa bình, hữu nghị giữa biển Đông...

Dọc bờ biển đất nước, hay trên những hòn đảo giữa biển khơi xa, nơi đâu có cư dân sinh sống, nơi đó có ngôi chùa mái đền. Đối mặt với biển cả đại dương đầy hào phóng nhưng cũng lắm hiểm họa, ngôi chùa nơi cư dân vùng biển đảo Việt Nam thể hiện tâm nguyện về cuộc sống hướng thiện, bình yên, cầu mong sóng yên biển lặng... Dù quay về hướng nào, những ngôi chùa trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa cũng đều hướng ra biển Đông. Bên dáng cây đa, cây bồ đề mang cốt cách chùa quê Việt Nam, những ngôi chùa ở Trường Sa có thêm bóng mát cây phong ba, cây bàng quả vuông cổ thụ xòe tán che chở.

Mỗi sáng mai, chiều tối, người dân trên đảo vào chùa, thỉnh hồi chuông, thắp nén hương, tịnh tâm khấn vái. Những ngư dân hành nghề trên những ngư trường quanh đảo ngày rằm, mùng một cũng ghé thuyền vào đảo thể hiện lòng thành, cầu mong có sức khỏe dẻo dai, mỗi chuyến đi khơi đều may mắn, có nhiều lộc biển.

Biển Đông rộng lớn, tôm cá dồi dào, tài nguyên phong phú nhưng cũng bão gió bất kỳ. Và cũng chính nơi đây, mấy chục năm qua đã có phen sóng không yên biển không lặng. Mỗi ngôi chùa, tự thân mang thông điệp hướng thiện và hài hòa.

Ngôi chùa giữa biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo, mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống bình yên, hòa bình, hữu nghị. Trên hòn đảo Đá Tây, nơi có nhiều ngư dân đang đánh bắt và tổ chức nuôi trồng hải sản, từ bao giờ có ngôi miếu thờ, ở nơi trang trọng nhất có tấm bia khắc bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt. Tự mỗi câu thơ trong bài thơ Thần là một thông điệp bất hủ. Người dân đến hòn đảo này làm ăn sinh sống không thể không khắc sâu trong tâm khảm lời tiền nhân Nam Việt sơn hà Nam Đế cư...

Trong ngôi chùa trên đảo Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý, màu trắng, gọi là Phật ngọc. Phật ngọc ngự chùa Trường Sa Lớn là một cơ duyên. Trong một lần thăm chính thức đất nước Myanmar, khi đến Chùa Vàng ở Thủ đô Yangon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Phật ngọc. Và tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni quý này đã được Thủ tướng kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa...

Trong thư gửi kèm theo tượng Phật ngọc, Thủ tướng Chính phủ phát tâm nguyện:

“Mong Đức Phật phù hộ độ trì:
Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi.
Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”

Dù quay hướng nào, những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa cũng đều hướng ra biển Đông, cùng cầu nguyện những điều tốt lành, như tâm nguyện của Thủ tướng Chính phủ. Và trên hết là cầu nguyện cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng.

Du lịch, GO! - Theo VOV