Năm chỉ một mùa: nắng và gió. Gió thổi rát da và nắng cháy sém tóc. Panduranga, Phan Rang, cái tên đọc lên đã đủ sức gợi về miền khô khan gió cát. Ở xứ ấy, đàn bà đội cả bầu trời đất nung...

1. Bàn tay người phụ nữ vẫn vuốt mềm mại trên nư gốm. Và một cuộc đời từ những bé gái rồi thiếu nữ, rồi đàn bà, rồi cụ già Chăm là những bước chân xoay quanh những chiếc lu, bình cũ, soi tìm bóng dáng và ý nghĩa đời sống của mình qua nắm đất xứ sở. Thế giới ấy, những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời cùng tiếng nổ lách tách của lò nung đất, rồi thân phận cũng như những giả gốm kia, chịu hoả biến trong lò nung, vần xoay cùng thế cuộc.

Những buổi sáng, tiếng rao gốm của những người già cất lên cuối ngõ cùng những cộ bò đôi đủng đỉnh chở những xe gốm nặng ra chợ.

Gió sớm lướt trên những mặt gốm trên những ngón tay mềm ướt của những cô gái nối chân nhau xuống bến múc nước. Họ đi qua những ngọn đồi cát trắng hay những bờ đê cỏ mượt, buổi mai gió từ biển vào thổi bay đi mùi da thịt, mùi tiếng cười, mùi mồ hôi và thổi bay những xiêm y lung linh.

Một năm một mùa nắng gió. Những đường thổ cẩm vẫn trôi đều trên khung dệt. Những đường hoa văn nối kết, xâu chuỗi thời gian, nối nắng gió từ những tháng gần với năm xa, buộc quá vãng và tương lai lại trong từng nét phác giản dị trên từng bàn tay khéo léo, mềm mại.

Sớm mai, những cô gái lại quấn lên mình hoa văn ấy mà đi hội, những người già lại quấn lên đầu những dải khăn đỏ và bước lên ngọn tháp thành kính để tạ ơn Pô Klong Giarai hay Pô Rômê, tạ ơn xứ sở đã sinh thành và nuôi dưỡng cộng đồng. Những vị vua, những “thành hoàng” có công dẫn thuỷ nhập điền, phát triển lành nghề được hợp nhất trong hình ảnh thần linh tôn giáo (Shiva của Bàlamôn và Alla của đạo Hồi), rồi tất cả hội tụ trong biểu tượng sinh thực khí Linga-Yoni của tư duy lưỡng lập Đông phương mà chi phối tâm linh của cộng đồng.

Người Chăm có trên 72 điệu trống và hàng trăm vũ điệu phục vụ lễ hội. Hình ảnh Ong Mưdwơn (nghệ nhân) ôm Baranưng vỗ và hát vào lễ Katê hay Rija trong những vũ điệu xập xoè suốt mùa hội của Chiêm nữ trở nên biểu tượng sống động cho một nền văn hoá tâm linh đặc sắc bên cạnh kiến trúc và văn học dân gian đang ngày càng bị bào mòn, thất thoát, phế tích bởi thời gian.

2. Vây quanh mùa màng là lễ hội. Những mùa hội Katê, Ramưwan, tiếng kèn Kanhi, Saranai của những nghệ nhân cuối cùng cứ bay chơi vơi cùng nắng gió trên đỉnh tháp. Tháp là người mẹ tâm linh chở che đàn con là cộng đồng quanh năm trầy trật đối diện những khắc nghiệt thời tiết và đời sống.

Cái nắng tung tẩy những sắc màu xiêm áo, cái gió thổi lừng mùi khói hương thành kính và những điệu múa quạt, múa xoè, múa roi của những cô gái, chàng trai Chăm. Đêm vãn hội, mắt người già sâu hốc, đăm chiêu nhìn những đốm lửa lò nung, hoài cổ. Rồi những đêm Chăm sẽ nối những đêm Chăm, lung linh trong những chiêm bao tôi là vệt nắng khuya đất này.

Đêm Chăm vỡ vạc những giấc mơ gạch nung từ miền thời gian nào đó xa lắc...

3. Những thắng klu (con trai) lớn lên cùng với những đồi gió cát và nắng, da đen nhẻm, mông quen trầy xước vì trượt trên những cộ bò, bàn đá và mắt hồn nhiên sâu thẳm như những thiên thần viễn xứ làm người.

Có hôm nào đó, trong nụ cười khúc khích của những thiếu nữ, tôi lạc vào một đám thiêu. Một đám thiêu là một lễ hội. Người ta có thể ăn chơi nhảy múa và hát ca hành lễ, đưa người chết ba năm lên lại mặt đất rồi nhờ lửa đốt cháy tất cả, rồi cắt từ xương trán, nam bảy miếng tròn, nữ chín miếng tròn, nhập cút (vò bằng gốm) rồi chôn cùng với dòng họ mẹ.

Những người đàn ông Chăm quanh năm sống trong vòng gìn giữ của vợ, yên phận với vùng văn hoá nặng âm tính, mẫu hệ đến lúc chết vẫn chờ mong về với nhà của mẹ, nằm bên cạnh mẹ mình. Tôi nhớ anh bạn trí thức trong làng Chăm.

Chỉ vì bị nghi ngờ dính líu với một nhân tình mà anh bị đuổi ra khỏi nhà. Ra đi, anh chỉ mang theo một cây rựa và thề với thần cổng rằng sẽ không trở lại ngôi nhà với những ràng rịt họ hàng và điều tiếng phía vợ nữa, sẽ không nhìn mặt con mình nữa. Anh về nằm với người mẹ già bị điếc và lẫn, chẳng còn nhớ gì.

Anh ngủ với mẹ già cho đến khi bà qua đời. Ba năm trôi qua, bụi tro của người mẹ anh được rải xuống sông. Trong cái nắng như nung, những bụi tro hoà vào con sông xanh thao thiết, bọn trẻ con đang tắm, giỡn nước với lũ trâu hạ nguồn sẽ uống bụi tro ấy, uống vào mình mùn đất tâm linh ngàn đời mà lớn lên, da sạm đen, tóc sém nắng và môi thâm sì, ý nghĩ bay bổng sương khói chống lại cái nghiệt ngã nắng gió xứ sở...

Người phụ nữ Chăm dạy đứa con nghịch rằng: Nếu mày không nghe lời thì phải chui lại vào bụng của tao! Chui lại vào bụng để một lần nữa tái sinh và được nuôi dưỡng, bao dung... Và trước một đám thiêu nơi cửa rừng, tôi nhận ra, hình như đến chết rồi, những phụ nữ Chăm vẫn đội trên đầu mình một thế giới như mang vác một sứ mệnh gìn giữ cộng đồng dù sinh thời, trong đời sống cộng đồng mẫu hệ, âm tính, chính họ phải gánh vác quá nhiều những lao nhọc từ lao động đến danh phận rường cột thay cho những người đàn ông. Cái vò đất nung trên đầu họ làm cho bóng họ in lên đất đai xứ sở những nhọc nhằn dưới nắng gió ngặt nghèo!

Và ban mai lại về trên miền nắng. Mặt trời chói gắt từ trước tiếng gà gáy. Lại bắt đầu từ bước chân những Chiêm nữ đội vò đi qua đồi. Những Chiêm nữ đội cả bầu trời đất nung mà đi. Hình ảnh ấy chỉ nở ra với nắng, gió và bụi mù. Những quãng đồng rộng, hơi nước từ đất bị mặt trời hong khô, bốc lên chờn vờn mặt đất, khiến những hình ảnh kia lung linh và huyền ảo bủa vây quanh xứ sở này. Cái đẹp ấy như thực, như hư trước lốc gió thời gian cuộn xiết!

Du lịch, GO! - Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Người Chăm còn có tên gọi là Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hroi… sống tập trung ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài ra ở một số nơi như An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh cũng có một phần dân cư là người Chăm.
Đồng bào Chăm sống ở đồng bằng, có truyền thống sản xuất lúa nước là chính. Kỹ thuật thâm canh lúa nước bằng các biện pháp giống, phân bón, thủy lợi khá thành thạo. Đồng bào Chăm biết buôn bán. Hai nghề thủ công nổi tiếng là đồ gốm và dệt vải sợi bông.Trước kia, người Chăm không trồng cây trong làng.