Mã Pì Lèng, con đèo phải nói là HÙNG VĨ nhất trong tất cả những con đèo Việt Nam. 
.
Mã Pì Lèng được bắt đầu xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ 20 nghe nói hầu hết do công nhân người H''mong làm. Ban đầu, để đục đá nổ mìn, những người mở đường phải treo mình trên dây, cheo leo lưng chừng núi để thi công ... Đường mở ra ban đầu chỉ vừa cho ngựa thồ đi hoặc cho người đi bộ... mãi sau này chính quyền mới cho mở rộng thêm. Chỉ cách đây mấy năm, đường trên đèo Mã Pí Lèng chỉ có lổn nhổn đá hộc và không đủ rộng cho 2 chiếc xe ô tô tránh nhau...
ĐGD: Để biết người ta làm đường đèo như thế nào, bạn xem bài "Kỳ tích Mã Pí Lèng".

Cảnh sắc trên đèo Mã Pì Lèng phải nói rằng không ở nơi đâu trên đất Việt lại có vẻ hùng vĩ và hoang dại đến như thế. Nhìn về hướng bắc và đông bắc, hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám chì trùng trùng điệp điệp nối nhau tới tận chân trời, ngay bên cạnh đường là vực sâu hoắm, tận cùng bên dưới là con sông Nho Quế nước mát lạnh rì rầm chảy.

Trên con đèo Mã Pì Lèng thuộc địa phận cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc cây cối mang tính hình thức, chỉ có đá và đá và đá trơ gan cùng tuế nguyệt...
Lần đầu đến Mã Pì Lèng vào buổi sáng sớm. Trời lạnh giá. Cái lạnh hắt từ đá ra như muốn cắt da cắt thịt. Sương mù bảng lảng khiến những dãy núi đá cao vút cứ như thấp thoáng trên trời....
Người H''mong đi gùi đất từ xa cách đấy có khi cả vài km, họ mang về vốc đất cho vào từng kẽ đá, hốc đá và dùng đá con chèn lại cho nước mưa khỏi làm nó trôi, xong rồi bỏ hạt ngô vào đấy. Mùa mưa có nước tưới, cây ngô sống được, nhưng đến mùa khô thì chúng chết bằng sạch... Chỉ còn đá và cỏ hoang lẹt xẹt mặt đất thôi..

Đèo Mã Pì Lèng đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ khi tôi được nghe bạn bè kể chuyện chợ tình Khau Vai, về Cao nguyên Đồng Văn và chuyện tiểu phỉ trên Mã Pì Lèng của du kích Hà Giang...

Rất nhiều lần định đi Hà Giang và lên Mã Pì Lèng, thế mà mãi đến dịp gần đây, cùng bạn bè đi chợ tình Khau Vai, tôi mới có dịp được đi trên con đường đầy gian khổ và "huyền thoại" đấy...

Ký ức và những câu chuyện, những cảm xúc về Đèo có quá nhiều khi "lượt phượt" trên các nẻo đường.... Tiếc rằng con đèo Mã Pì Lèng mới chỉ được đi "vội vã" qua nó một lần nên những "trải nghiệm" về nó quá ít....

Có lẽ xếp đèo Mã Pì Lèng vào loại NHẤT ở Việt Nam vì phong cảnh hùng vĩ, độ cao, dốc cao và "huyền thoại" gian khổ khi mở đường qua những dãy núi trập trùng, trập trùng vùng biên ải khô cằn sỏi đá vùng phía Bắc Việt Nam....

Gần ngay con đèo Mã Pì Lèng còn có con dốc có thể gọi là đèo, đó là dốc lên cửa khẩu Săm Pun. Nó cao, cao ngất và đứng trên đỉnh dốc Săm Pun có thể nhìn bao quát hết cả con đèo Mã Pì Lèng cùng với cả dãy núi non hiểm trở....

Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8...

Chuyện hứng nước trên đỉnh Mã Pì Lèng

Ai đã từng lên cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang) vào mùa khô, hòa vào giữa thiên nhiên hùng vĩ nhưng khắc nghiệt ở nơi phên dậu của Tổ quốc, hẳn không còn lạ lẫm với hình ảnh những người dân đang chờ chực để lấy từng can nước nhỏ bên đường...

Trên đỉnh Mã Pì Lèng

Sau khi ra khỏi thị trấn Đồng Văn, xuyên qua những con đường ngoằn ngoèo, cheo leo, điệp trùng núi, chúng tôi dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng huyền thoại, ngọn núi cao nhất (2.000m so với mực nước biển) của vùng đá Mèo Vạc. Dưới khe núi mờ xa, dòng Nho Quế như sợi chỉ xanh biếc uốn lượn trong sương. Một người dân ở đây cho biết, để lấy được nước sông Nho Quế thật khó khăn, vì phải đi xa đến nửa ngày đường từ trên núi cao xuống thung lũng dốc đứng đầy hiểm trở. Vả lại, vào mùa này thì dòng Nho Quế cũng đã sắp cạn trơ lòng.

Bên hốc đá ven con đường mang tên Hạnh Phúc, một bé gái người Dao ngồi vắt vẻo, tay giơ chiếc ca nhựa cũ kỹ hứng từng giọt nước trượt xuống từ mỏm đá. Cạnh đó, người phụ nữ Mông cẩn thận dùng chiếc muôi sắt to như chiếc bát canh, khéo léo gạn từng muôi trong vũng nước đầy sỏi và cát rộng bằng hai bàn tay đổ vào can nhựa. Xung quanh, nhiều người khác dáng vẻ sốt ruột ngồi đợi đến lượt mình. Từng giọt nước hiếm hoi, chậm rãi rỉ ra từ triền núi khô khốc, cao chót vót xuống như thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Nước hiếm là vậy, thế mà khi chúng tôi ngỏ ý muốn uống thử xem nước ở đây như thế nào, người phụ nữ Mông đã không ngần ngại rót từ trong can ra một ca nước đầy với nụ cười hồn hậu.

Nỗi lo truyền kiếp

Có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu những nỗi lo thường nhật với nhiều khó khăn, thiếu thốn của người dân ở nơi đá nhiều hơn đất này. Ngoài nỗi lo cho cái ăn chống đói, cái mặc chống rét, họ còn phải đối mặt với một thứ tưởng như bình thường nhưng không thể thiếu cho cuộc sống: nước. Do địa hình, địa mạo đặc biệt, giếng là một khái niệm khá xa lạ với người dân vùng cao nguyên đá. Thế nên, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu được trông chờ từ mưa. Trong vòng khoảng 5 - 6 tháng mùa khô thiếu mưa, nước được sử dụng một cách tiết kiệm đến dè sẻn. Nước chỉ được dùng cho những nhu cầu tối thiểu như để uống, nấu nướng. Còn nước dùng để rửa thức ăn, vo gạo, rửa chén bát… sẽ được tái sử dụng nhiều lần hoặc cho gia súc uống. Tắm đã trở thành việc làm xa xỉ không chỉ với đàn ông mà còn với phụ nữ và trẻ em. Trong suốt mùa khô, họ chỉ tắm một vài lần vào cuối năm cũ hoặc đầu năm mới…

Nhọc nhằn hứng từng giọt nước.

Người miền xuôi thiếu nước một ngày đã khó chịu. Vậy mà người dân nơi đây đã sống trong hoàn cảnh như vậy không chỉ một ngày, một tháng, một năm mà đã trở thành câu chuyện truyền kiếp từ đời này sang đời khác. Không chỉ người dân bản địa mới phải chịu cảnh thiếu nước mà bất kỳ ai "định cư" ở đây đều phải đối mặt với hoàn cảnh đó, từ giáo viên, Công an hay bộ đội. Thương nhất là những cô giáo miền xuôi lên đây dạy học, chân yếu tay mềm, lại bận chuyện trường lớp không có thời gian đi lấy nên câu chuyện về nước lại càng trở nên bức thiết. Ngoài những ngày nghỉ phải tự đi lấy hoặc nhờ người khác lấy hộ, đôi khi các thầy cô đã phải chấp nhận mua lại nước của người dân với số tiền từ 20 đến 50 ngàn đồng một can 20 lít… Đến đây mới thấy nước thật sự trở thành một thứ tài nguyên quý giá.

Bao giờ hết khát?

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong 4 huyện vùng cao núi đá của Hà Giang thì có khoảng 43% dân số thường xuyên đối mặt với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Trong đó, 2 huyện thiếu nước trầm trọng nhất là Mèo Vạc và Đồng Văn. Huyện Mèo Vạc có 18 xã, thị trấn thì chỉ có 5 xã không phải lo chuyện thiếu nước. Huyện Đồng văn có 19 xã, thị trấn thì có đến 11 xã thiếu nước, trong đó có những xã thiếu nước gay gắt như: Hố Quang Phìn, Tả Lủng, Sủng Trái, Lủng Thầu…

Ngay như Lũng Phìn là xã đã được xây hồ chứa nước công cộng và bể nước cho một số hộ gia đình, người dân vẫn không khỏi than vãn về chuyện thiếu nước. Anh Sùng Chúng Nhù, 50 tuổi, người xã Lũng Phìn cho biết: "Nhà mình được Nhà nước xây cho cái bể lu hứng nước mưa nhưng chỉ dùng được 3 - 4 ngày là hết, sau đó hàng ngày phải đi lấy ở nơi khác cách xa 5 - 6 cây số". Bà Giàng Thị Mo, người cùng xã với anh Nhù than thở: "Nhà tôi xây được cái bể to để chứa nước mưa, nhưng chỉ dùng được vài tháng. Bây giờ lại phải đi xa cả buổi mới lấy được nước, khổ lắm. Mong Nhà nước xây nhiều bể chứa nước cho dân".

Quả thật, nỗi lo về nước không chỉ là câu chuyện của những người dân thiếu nước mà đã trở thành nỗi trăn trở của các cấp chính quyền và các nhà khoa học. Bằng chứng là từ nhiều năm nay, các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương, các nhà khoa học đã đến nghiên cứu, đề xuất nhiều chương trình, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước cho đồng bào. Một đợt rét đậm nữa lại đến. Theo dự báo, vùng núi cao phía Bắc có khả năng xuất hiện băng tuyết. Tôi chợt mơ hồ lo lắng và nhớ đến hình ảnh những đứa trẻ người Mông, người Dao theo mẹ, anh chị đi lấy nước, đầu trần chân đất, chỉ mặc độc chiếc áo phong phanh, trên khuôn mặt đen nhẻm, mũi thò lò, trong cái lạnh co ro vẫn nở một nụ cười hồn nhiên và giơ bàn tay bé xíu vẫy chào chúng tôi - những người khách chưa hề quen biết.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng cho 4 huyện vùng cao Hà Giang 30 hồ treo chứa nước. Riêng huyện Đồng Văn được đầu tư xây dựng 10 hồ. Đến nay một số hồ treo đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, các hồ còn lại đang được gấp rút thi công. Nhờ vậy, tình trạng khan hiếm nước đã dần dần được cải thiện. Chương trình "một mái nhà, một bể nước, một con bò" mà tỉnh Hà Giang phát động cũng đã và đang phát huy tác dụng. Đời sống nhân dân các dân tộc vùng cao Hà Giang đã có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, câu hỏi bao giờ người dân vùng cao hết nỗi lo thiếu nước thì dường như vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Bởi vì, sự cố gắng của Chính phủ hoặc của chính quyền địa phương cũng chỉ là điều kiện cần. Hồ treo cũng chỉ là vật chứa, còn điều kiện đủ là lấy nước ở đâu thì chỉ có… trời mới biết. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên nhiên ngày càng trở nên khắc nghiệt. Và không phải khu vực nào cũng có thể và đủ điều kiện xây dựng được hồ treo. Xem ra, câu chuyện cứu khát cho đồng bào vùng cao cho đến nay vẫn chưa có hồi kết…

Theo Báo Mới, Maivoo