Đến Tây Nguyên, ước ao của du khách là được đắm mình trong ngất ngây của men rượu cần với tiếng cồng chiêng rạo rực. Nhưng còn một thú vui khác ít người được nếm trải - ấy là thú uống rượu cây…
Giữa đại ngàn hùng vĩ, lâng lâng trong cơn say bởi thứ rượu độc đáo này, bạn sẽ thấy mình được gột rửa khỏi bụi bặm của văn minh kim khí, lùi xa khỏi cuộc đời náo động những tính toán, bon chen…

Cây rượu - “đặc ân” của đại ngàn

A Sang đi trước tôi một quãng ngắn. Con dao sắc như nước thỉnh thoảng lại lóe lên rứt phăng một cành cây chìa ra ngáng đường. Chiếc gùi nhỏ trên vai anh lèn chặt những gạo nếp và thức nhắm - trong đó có một thứ tôi đang nóng lòng được nếm - ấy là "nu'', một giống sâu đục thân sống trong ruột cây xà nu chỉ có ở xứ sở này…
Chợt nhớ mình đang trong tháng Ning nơng… Người Tây Nguyên sau một năm làm lụng vất vả, trước mùa rẫy mới bao giờ cũng dành một khoảng thời gian để Ning nơng. Trừ người già và trẻ nhỏ, ai còn sức leo núi là vào rừng.

Họ săn bắt những con thú nhỏ, hái lượm trái cây dại và hưởng thụ những thức lộc rừng ban, không màng đến thú vui vật chất, cốt để được đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ, trở về với cái bản ngã của mình… Được uống rượu cây giữa mùa Ning nơng, cái thú còn được nhân lên gấp bội. Và thật may là tôi đã được A Sang nhận lời với sự hào phóng không ngờ…

Không biết đã qua bao nhiêu cây số đường rừng nhưng đầu gối tôi đã bắt đầu cứng lại, mồ hôi dâm dấp lưng áo. Những nếp nhà dưới chân dốc trông như những chiếc nấm hiu hiu trong chập chờn cơn gió thoảng. Nắng mỏng như tấm lụa choàng lên cây cỏ. Hàng đàn bướm rập rờn ngợp cả không gian. Một tiếng ve lẻ loi cất lên ngắn ngủn cũng đủ khua động cái tĩnh lặng đến lạ kỳ của đại ngàn đang tiết xuân thì…

Mải ngắm phong cảnh kỳ thú, chợt nghe tiếng reo mừng rỡ “đến rồi” của A Sang… Cây rượu thoạt trông cũng từa tựa cây dừa nhưng thân nhỏ hơn, lá cũng mảnh hơn. Người Xê Đăng gọi nó là loă tea vea.
Loă là cây, tea là nước - tức cây nước vea. Thôi ta cứ gọi bằng cây rượu cho dễ nhớ. Cái lạ, đất đai, núi rừng Tây Nguyên mênh mông là thế nhưng cây rượu chỉ đặc ân cho một số nơi ở vùng Bắc Cao nguyên. Nam Cao nguyên, Đăk Plin nghe đâu cũng có lác đác. Người Bah Nar gọi nó là cây doak…
Nói "đặc ân" nghe có vẻ hơi khoa trương. Thực ra nó là loại cây chỉ mọc ở lưng chừng núi gần như quanh năm mây phủ, thích hợp với khí lạnh hàn đới điển hình của đại ngàn. Bởi là thứ cây "đặc ân", vea thường có chủ. Không ai được tự ý "khai rượu" nếu không được sự cho phép của chủ cây…

Cây rượu lúc còn bé trông tựa cây cau. Lên đến ba, bốn mét mới bắt đầu trổ buồng. Buồng trồi ra từ nách bẹ buông từng chùm hoa thơm mỡ màng. Sau khoảng hai tuần hoa tàn, trái nhú ra xanh bóng như ngọc. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để "khai rượu". Cắt bỏ buồng, chỉ chừa lại phần cuống dài chừng gang tay, bên dưới người ta để một chiếc ống tre dài hứng nước. Và nước cứ thế liên tục chảy cả tháng trời mới cạn.

Cây lớn mỗi ngày có thể cho đến hai chục lít nước. Để nước cây hóa rượu theo ý muốn, người ta sẽ cho vào ống đựng rượu vỏ cây k're còn tươi. Vị đắng, ngọt nhiều hay ít tùy số lượng. Mỗi năm cây rượu chỉ cho từ 2- 3 buồng vào khoảng tháng 1 đến tháng 7. Song nếu là cây khỏe, chu kỳ khai thác có thể hơn cả chục năm ròng. Khi không còn trổ buồng cũng có nghĩa là sức đã tàn, cây sẽ âm thầm chết rũ sau khi đã ban tặng cho đời đến kiệt cùng giọt nước ngọt lành…

Uống rượu cây giữa mùa Ninh nơng

Tìm chỗ đất bằng, chúng tôi trải lá rừng, nhóm lửa để chuẩn bị thức nhắm. Chừng hơn tiếng đồng hồ, nhìn lên đã thấy từ ống tre hứng nước cây, bọt đùn ra trắng xóa. Hương rượu dịu ngọt thoang thoảng quyến rũ, hàng đàn ong bướm chập chờn vây quanh… Đây, bếp lửa than đã hồng. Bỏ từng vốc gạo nếp thơm lừng vào ống lồ ô tươi gác lên giàn lửa, ta đã có cơm lam nguyên chất của núi rừng. Thịt trâu khô nướng cháy cạnh.

Và đây, món nu tôi mong đợi đã được chiên vàng với dầu, thơm nức và béo ngậy được bày ra lá… Nghiêng ghè trích một dòng rượu sủi bọt vào chiếc cốc gọt bằng gốc nứa còn nguyên mùi nhựa, chúng tôi trân trọng áp môi và từ từ dốc cạn…
Tôi lim dim mắt để cảm nhận cái hương vị thuần khiết lần đầu tiên được nếm của núi rừng: Không ngọt nồng như rượu cần, không cháy như rượu cất, bốc như bia - từ cảm nhận đầu tiên là vị hăng của cây, vị ngọt của nước dừa, thoáng sau mới nghe hơi men nhẹ nhàng bốc lên cổ…

Nhón một miếng nu chấm với muối giã ớt rừng cay xé cổ, hương nhựa xà nu phảng phất, vị béo ngậy của món đặc sản có một không hai này quyện với rượu nghe cong vắt cái cảm giác hoan lạc đầu chót lưỡi…Và đôi môi cứ như mềm đi. Một cốc, một cốc rồi cốc nữa…
Xung quanh tôi nắng nhễu từng giọt vàng ươm lên mặt đất. Gió ren rén như đôi chân trần thiếu nữ vọng đến từ một cõi mơ hồ. Rồi ngọn lửa của rừng thức dậy. Khẽ khàng và dịu êm, sức nóng tỏa dần vào mỗi li ti của đường gân thớ thịt… Cứ mỗi cốc rượu, tôi lại lùi xa thêm một quãng với cuộc đời đang sôi động ngoài kia.

Một tiếng hú dài vọng đến lay tôi ra khỏi miên man ảo giác. Sau tiếng hú đáp trả của A Sang, chỉ thoáng sau, như từ nách rừng, một tốp người tiến đến. Không đợi lời mời, họ cứ tự nhiên nhập cuộc như đã quen biết từ lâu. Tất cả những gì được rừng ban cho một ngày Ning nơng đều được bày ra: Những chú chuột rừng lông vàng mượt béo múp; vài con kỳ đà nhỉnh hơn cán dao, những chùm quả rừng sặc sỡ...
Tôi, đang từ một bữa tiệc đối tửu thoắt chuyển sang tiệc rượu cộng đồng. Chẳng quan tâm tôi là ai, từ đâu tới, cứ phải bình đẳng một cốc rượu đầy lần lượt quay vòng. Và cứ xong một "tua", miếng thịt chuột thơm lừng chấm muối ớt cay sè lại được ấn vào miệng tôi.

Chợt thấy lòng dậy lên một cảm xúc yêu mến vô bờ với những con người mắt sáng, da nâu, đầu trần, chân đất, chỉ mới khoảnh khắc đây thôi hãy còn khiến ta e dè, xa lạ… Tây Nguyên là vậy. Bạn đã là người chung tiệc rượu, xin hãy rũ bỏ sự định kiến sang hèn, lời ăn tiếng nói. Một ngày được hòa mình giữa thiên nhiên thuần khiết, thưởng thức rượu cây với sản vật của núi rừng - lẽ nào không phải là sự trở về với cội nguồn của sự sống, tươi ròng, viên mãn…
Xuân này chắc bạn cũng muốn được về Đăk Man…

A Sang: Đã là rượu cây, dù mang về uống chung cả làng hay riêng lẻ thì cái thú cũng giảm đi một nửa. Phải ngay dưới cây này, dưới tán rừng này, hồn núi mới cho mình cái say đủ đầy hương vị.
Lộc trời ban riêng rẽ cho một vùng đất, vì vậy nó phải gắn chặt nguồn cội: Rượu cây chiết ra phải dùng trong vòng không quá một ngày. Đấy là lý do vì sao cho đến bây giờ rượu cây vẫn chỉ để uống chơi, chưa bao giờ trở thành hàng hóa.


Theo DanViet