Trên quốc lộ 18A, bắt đầu đi từ làng Trại Lốc, Đông Triều - Quảng Ninh lên am Ngọa Vân chừng 3-4 tiếng đi bộ đường rừng, và từ Ngọa Vân tới Hồ Thiên cũng khoảng 3-4 tiếng. Theo thời gian, đường dẫn đến Am Ngọa Vân đã dễ đi hơn nhiều...Ngọa Vân và Hồ Thiên đã hiện ra trước mắt hết sức sống động.

Từ Trại Lốc, được anh Thắng, người địa phương dẫn đường, hai anh em bắt đầu đi từ 4h chiều để lên Ngọa Vân. Những câu chuyện cứ dải dần dọc theo đường đi. Từ những vườn vải, những năm trước được đua nhau trồng lên theo xu thế, khiến giá vải có những năm chỉ còn vài trăm đồng một kg. Tiền thuê người đến hái và tiền công chở từ vườn ra bãi thu mua cao gấp vài giá so với tiền bán được trên từng cân vải.

Và thế lại là quy luật chọn lọc tự nhiên: người trồng chặt bỏ cây vải, hoặc còn cây thì mùa chín quả để rụng trong vườn chứ cũng không bõ công đem bán... Đến giờ lác đác còn lại vài vườn và những cây vải sót.

< Toàn Cảnh Chùa Hồ Thiên.

Rồi tiếp đến là câu chuyện đỉnh tháp bút, với bãi đất bằng phẳng rộng lớn trên đỉnh không rõ có tự thời nào, câu chuyện về những người đi rừng, câu chuyện về những cây gỗ bị chặt không thương tiếc, để đến giờ, cả dãy Yên Tử nhìn quanh chỉ toàn thấy những ngọn núi phủ thông, keo hoặc bạch đàn vài năm tuổi. Lác đác sót vài ngọn núi còn những cây gỗ nhỏ chằng chịt dây leo...

Đoạn đường trước khi đến dốc Đô Kiệu không quá khó đi, vì phần lớn là đi theo lối mòn. Nhưng con dốc Đô Kiệu thì quả không sai với ý nghĩa của cái tên. Dốc dựng đứng, và không có bậc, xưa kia kiệu của vua Trần khi đi theo lối này, đến đây cũng đành dừng lại (vậy nên tên gọi khởi thủy của nó là Đỗ Kiệu). Cũng may là con dốc không quá dài, chứ nếu không cũng khó nói là sẽ có ai chịu đi lối này hay không.


< Cổng làng văn hóa Trại Lốc (Đường vào Am Ngọa vân).

Thở hết dốc, và thêm một chút nữa là tới Thông Đàn. Lúc này trời đã quá tối, ánh trăng đầu tháng hắt xuống không đủ giúp với ánh sáng flash của máy ảnh, vậy nên chỉ nhìn được lờ mờ nền đá cũ của Thông Đàn. Hiện tại, đang có một đội khảo sát tiến hành ở khu vực này.

Vì hôm sau có 2 đám cưới ở Trại Lốc, nên toàn bộ những người đang làm ở đây đều xuống núi cả. Thông tin chưa chính xác, nhưng hội Phật Giáo và chính quyền Quảng Ninh đang muốn khảo sát lại bãi đá Thông Đàn, và muốn lên kế hoạch làm một con đường với cáp treo lên Ngọa Vân. Nhất định sẽ phải quay lại Ngọa Vân 1 lần nữa, để nhìn lại Thông Đàn, và bù lại chỗ ảnh chưa kịp ghi.

< Gửi xe ở Trại Lốc đoạn đường đầu tiên vào Am Ngọa Vân.

Dù là vừa đi vừa nghỉ, nhưng đến được gần Ngọa Vân cũng phải dốc kiệt sức, đoạn đường qua những con dốc cuối tựa như chân vừa đi vừa lê chứ không phải bước đi nữa.
Thầy Thích Tiến Thắng ra đón khách, thầy Thích Thanh Tiến mới đi Hạ Long hôm trước dự lễ Phật. Tại Ngọa Vân hiện có tất cả 7 thầy (tính cả thầy Thích Thanh Tiến). 
Vì không phải là những người đầu tiên lên chùa, hơn thế, gần đây đội khảo sát Thông Đàn cũng xin nghỉ đêm lại gian nhà khách, nên các thầy cũng không bị bất ngờ khi có người lên. Hơn nữa, đầu tháng sau (tháng 11 âm, tức là khoảng giữa tháng 12/2009 dương) là ngày giỗ Nhất Tổ, các Phật tử sẽ còn lên đông. 

< Một góc nhìn từ am Ngọa Vân.

Tự nhiên, trong lòng cảm thấy tiêng tiếc một cái gì đó, giống như là cảm giác sự yên tĩnh của Ngọa Vân đang bị lấy mất dần đi. Thời gian gần đây, đã bắt đầu có khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh khác lên chùa, và tương lai, khi con đường bộ hoặc đường cáp treo hoàn thành, Ngọa Vân rồi sẽ trở về đúng vị trí, sẽ giống như Yên Tử hiện tại, với ồn ã kinh doanh, hành hương chen chúc... 

Liệu lúc đó, cửa Ngọa Vân có còn đủ chỗ cho 1 người qua đường lỡ bước xin nghỉ lại đêm?

< Dốc Đỗ Kiệu.

Dù sao đi nữa, lúc này Ngọa Vân vẫn còn đủ yên tĩnh, trăng đầu tháng nửa vầng đủ soi rõ cảnh vật, gió đầu đông mới chỉ se se lạnh, và vị ngòn ngọt từ nước giếng chùa, tiếng chuông gió khẽ đưa từ mái hiên, tiếng côn trùng rả rích bốn bề. Đó thực sự là sự lôi cuốn của tĩnh lặng chứ không phải của sự ồn ào. Dù rằng, ngoài xa dưới kia, ánh đèn đường 18 vẫn sáng lung linh suốt đêm, ở đó, cuộc sống vẫn đang diễn ra không ngừng nghỉ. Đi xa hơn một chút, vắng vẻ hơn một chút, thời gian dư ra thêm một chút, người ta có thể nghĩ tới nhiều thứ hơn, có thể quên đi nhiều thứ hơn. Quên con đường vào lắt léo, quên dốc Đô Kiệu dựng đứng, quên bãi Thông Đàn nền cũ ngổn ngang, quên cả Ngọa Vân am tĩnh mịch, rồi quên cả gió, núi và trăng... Người tu hành đi xa là để nhận ra chân lý hay là để trốn tránh bụi trần?

< Nền cũ Bãi Thông Đàn.

Sáng sớm hôm sau, tiếng tụng kinh và tiếng mõ của các thầy đánh thức hai anh em dậy từ hơn 4h sáng. Lịch của các thầy còn sớm hơn nữa, dậy từ 3 giờ rưỡi để 4 giờ bắt đầu tụng kinh. Vẫn ánh đèn pin mờ sáng cho hai anh em dậy thu dọn đồ đạc, và xuống bếp chùa nấu nhờ bữa sáng. Dù rằng các thầy có máy phát điện chạy từ con đập nhỏ phía dưới, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ nước để máy chạy. Thế nên, đèn, nến và bếp lửa vẫn là nguồn ánh sáng chính lúc này. 
Lại gặp lại không khí quen thuộc của Yên Tử, nắng sớm, gió lạnh, tiếng tụng kinh. Đủ thời gian cho đến 6h30 để chụp ảnh vì buổi tối qua không đủ ánh sáng. Và chào tạm biệt các thầy để sang Hồ Thiên.

< Giếng đá lấy nước từ khe chảy về, nước trong vắt. (ở am Ngọa Vân).

Đường từ Ngọa Vân sang Hồ Thiên không quá khó đi, vẫn có đường mòn, đường cắt ngang rừng mới trồng, và cần nhiều sức cho những đoạn dốc. Điểm khác biệt lớn nhất giữa đoạn Trại Lốc - Ngọa Vân và đoạn đường Ngọa Vân - Hồ Thiên là ở đường đi. Đường đi lên Ngọa Vân vẫn còn len lỏi giữa những khoảng rừng sót lại, với suối, dốc đá, với trúc, với thông và những cây không biết đến tên... Còn đường đi sang Hồ Thiên, là đồi đá, hoặc cỏ tranh, hoặc những ngọn núi mới được phủ xanh lại bởi thông, keo và bạch đàn. Những khoảng rộng mới được trồng lại nhìn từ xa lấm tấm, lấm tấm gợi liên tưởng như những lỗ tổ ong với diện tích lớn. Nắng gắt, với bụi tạo nên sự khô hanh và cằn cỗi.

< Nền chùa với các chân đá tảng chạm trổ hình hoa sen được đào lên để ngổn ngang..

Thêm 3 tiếng nữa để đến Hồ Thiên. Hồ Thiên hiện tại đã được tu sửa nhiều. Ngoài thầy Thích Trí Thông, hiện có thầy Thái An tu tại đây. Và luôn có 1 phật tử giúp hai thầy công việc trong chùa. Bác An, Phật tử, nhà ở Đông Triều hiện đang ở đây. Cứ mỗi 5 ngày một lần lại có người lên và cũng là mang thêm lương thực, đồ dùng cho chùa.
Thầy Thái An đang chuẩn bị nhập thất, thầy Thích Trí Thông ra đón khách. Ở thầy có sự hiền hậu và bình lặng, có gì đó gần gũi hơn. Hồ Thiên về quy mô (trước kia) thì lớn hơn Ngọa Vân, nhưng giờ sự tập trung nhiều hơn đang hướng về Ngọa Vân, nên ở đây sự yên tĩnh thấy rõ hơn.

Câu chuyện với thầy Trí Thông diễn ra thật tự nhiên, từ những chuyện trước kia (thầy vẫn còn nhớ anh Hoàng nhà báo đấy nhé, dù rằng thầy nói là không liên lạc được qua điện thoại), đến những chuyện gần đây: dãy nhà khách mới được xây dựng, tháp 7 tầng mới hoàn thành cuối năm ngoái (10/2008), và những chuyện hiện tại. Dường như thầy cũng có phần nào băn khoăn về những thay đổi hiện tại của Ngọa Vân và Hồ Thiên, sự ồn ào đang dần đến chốn tu hành.
< Buổi sáng ở Am Ngọa Vân.

Có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa Hồ Thiên và Ngọa Vân là cùng một thế núi vòng cung, mà như mọi người vẫn nói: như chiếc ngai vua; cùng nằm ở nơi xa khuất, không dễ dàng gì tới được. Và sự khác biệt cũng cảm nhận được: Ngọa Vân giờ đông đúc hơn (các thầy nhiều hơn, và đội khảo sát cùng những người làm), còn Hồ Thiên vắng vẻ hơn. 

Dẫu rằng đường vào cả hai vẫn còn khó khăn, nhưng giờ so với thời gian các thầy chỉ có chuối rừng muối, lá vả luộc, cũng như rau củ rừng thì đã khác xa lắm rồi. Đều đặn vẫn có những phật tử và người làm gánh đồ theo những dốc đá mà người bình thường đi thấy bở hơi tai, thở không ra hơi để mang lên cho chùa. 

Cuộc sống tu hành đã bớt đi được một phần những lo toan, tuy nhiên vẫn chưa phải là hết. Có lẽ phải có được cái tâm bình lặng trước mọi sự biến đổi như thầy Trí Thông thì mới có thể tu trọn vẹn.

Vẫn là Hồ Thiên và Ngọa Vân với những nền móng, chùa tháp cũ sót lại. Vẫn còn xa tới khi đường vào tây Yên Tử được hoàn thành.
< Tượng voi phục.
< Miếu thờ sơn thần và bia Trùng tu Ngọa Vân am bị phá vỡ.

12h30, sau bữa cơm chay tại Hồ Thiên, hai anh em lại chào thầy và xuống núi. Đường xuống dễ dàng hơn so với lúc lên, và quay lại theo lối cũ về gần bãi đá xếp chồng. Từ đây, nếu đi theo đường cũ sẽ về qua lối Ngọa Vân và về Trại Lốc, còn lựa chọn thứ hai là men theo dốc về đập Vành Mâm. Đã hẹn trước người nhà ra đón, nên hai anh em đi theo lối về Vành Mâm. Vừa lúc gặp hai thầy nhỏ tuổi từ Ngọa Vân xuống núi. Nhờ vậy mà con đường xuống cũng ngắn lại đôi phần với câu chuyện của các thầy trên đường đi.

Cũng tới 4h chiều mới về tới nhà. Kết thúc vòng tròn nhỏ trên bản đồ lộ trình. 

Phần còn lại từ Đông Triều tới Uông Bí, qua 8km đường tắt Vàng Danh - QL 279 đầy gian nan (1), tới đường đèo Hạ My pha trộn không khí của Hải Vân, của Ô Quý Hồ, đèo Gió (2)..., rồi tới tỉnh lộ 289 và 293 nhỏ và bụi chứ không giống như những mô tả của đội xe cào cào, châu chấu nào đó đã từng đi, và nửa ngày còn lại với N ở Bắc Giang - tất cả giống như những chuyến du lịch khác, chỉ cần chút thời gian đọc vài blog, vài diễn đàn, hay vài cuốn truyện là cũng hình dung ra được cả.

Tây Yên Tử tạm đóng lại với lời hẹn lần sau.

Chú thích:

(1) từ Vàng Danh có thể đi theo lối tắt sang quốc lộ 279 qua đoạn đường 8km từ đập Tràn (Vàng Danh), qua đèo Bông, đèo San (trên bản đồ hành chính ghi là đèo Đông San) để tới xã Bằng Cả (Hoành Bồ, Quảng Ninh). 
Tuy nhiên tại thời điểm cuối tháng 11/2009, thì 8km này nếu đi xe máy có thể mất cả tiếng đồng hồ (tức là chỉ nhanh gấp đôi đi bộ), đường xấu khủng khiếp, đá sỏi lổn nhổn, với dốc và các loại hố, dù rằng đường rộng bằng một gầm xe ô tô, nhưng chắc chắn trước kia xe tải chạy qua đây không ít. Mùa mưa có lẽ khó có thể đi qua.
(2) Đèo Hạ My là ranh giới Bắc Giang và Quảng Ninh, trên đường 279, dài chừng 10km (con số chưa chính xác!). Mang nét riêng và chung của những con đèo miền Bắc. Mùa đông, giống Ô Quý Hồ ở kiểu thời tiết; giống Hải Vân ở khung cảnh, ở mốc ranh giới hai tỉnh là đỉnh đèo - nơi có nhà chờ và tượng đài kỷ niệm tại nghĩa trang lính Tàu; và giống đèo Gió, những con đèo Đông Bắc ở thảm thực vật...

Theo blog Tây Yên Tử