Vùng đất võ Bình Định thật sự là một địa chỉ du lịch khám phá. Từ biển đến núi, di tích văn hóa bao đời phong phú… là sản phẩm du lịch độc đáo.

Nằm trên con đường di sản miền Trung với những địa danh là “thiên đường” du lịch biển của Việt Nam nhưng lâu nay Bình Định tuy một thời là vùng địa linh nhân kiệt, vùng đất của kinh thành từ rất xa xưa ít được xem là điểm dừng chân của du khách. Phần lớn du khách ghé đây đều chỉ nghỉ qua đêm, thăm vội vàng một vài điểm tại thành phố Quy Nhơn.

Từ TP Hồ Chí Minh, du khách dễ dàng đi xe chất lượng cao hoặc bằng xe lửa, máy bay để đến Bình Định. Tại thành phố Qui Nhơn, du khách không khó tìm cho mình một chỗ ở vừa với túi tiền từ khoảng 100.000 đồng/đêm đến những khách sạn, resort hạng sang của Hoàng Anh Gia Lai hoặc của hệ thống Sài Gòn Tourist dọc theo bãi biển chính. Ở bất kỳ khách sạn nào, du khách cũng có thể thuê xe gắn máy cho hành trình khám phá nhiều ngày trên vùng đất này.

Nhắc đến đất võ Bình Định là nhớ đến quê hương của anh em nhà Tây Sơn hào kiệt. Bảo tàng Quang Trung đặt ở làng Kiên Mỹ, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn chưa đầy 50 km. Nơi này trưng bày các hiện vật của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Trước kia, nhân dân xây dựng điện Tây Sơn để thờ ba anh em nhà Nguyễn. Sau này, khi xây dựng Bảo tàng Quang Trung, điện nằm trong khuôn viên bảo tàng. Bảo tàng không chỉ giúp du khách tìm hiểu về những người anh hùng đất võ mà còn là tìm hiểu về sự giao lưu nhiều nền văn hóa khác nhau của các dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Ngoài tham quan các di tích, nhà Tây Sơn, du khách sẽ rất thích thú xem nhạc võ Tây Sơn do cháu gái chín đời của vua Quang Trung biểu diễn. Qua đó, du khách sẽ càng hiểu thêm: “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi đi quyền”.

Cách bảo tàng không xa là khu du lịch Hầm Hô. Nơi đây được xem là lâm viên du lịch hoang dã. Hầm Hô là khu rừng nguyên sinh rộng lớn, có con sông Kút vắt ngang rừng già, tạo những địa thế hiểm trở, được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt.

Người địa phương truyền tụng rằng trong phong trào khởi nghĩa của anh em Nguyễn Nhạc, Hầm Hô từng là một cứ địa quan trọng để tập luyện võ công, tập hợp binh lính Tây Sơn. Hiện nay khu du lịch này được khai thác theo hướng du lịch khám phá nên rất lý tưởng.

Có nhiều điều kỳ thú được truyền tụng như tiếng hô hoán mỗi khi hạn hán, nước sông gần như cạn đi; sau khi xuất hiện những âm thanh kỳ lạ đó vài hôm, mưa sẽ như trút nước ở khu vực này, nước sông lại đầy hay người dân địa phương kể lại nhiều câu chuyện về anh em nhà Tây Sơn, những giai thoại huyền bí của rừng thiêng...

Du lịch ở đây chưa phát triển mạnh nên việc khám phá rừng rú - đặc biệt là chinh phục dòng sông Kút phải nhờ đến người dân bản địa. Tuy nhiên, chỉ bỏ ra khoảng 50.000-100.000 đồng, du khách đã có một người địa phương đồng hành suốt một ngày rong chơi: chinh phục con sông, băng rừng vượt núi, hoặc ngồi bên bờ sông câu cá thư giãn...

Chán chê rừng, du khách trở về với biển xanh và cát trắng. Con đường biển tránh đèo Cù Mông nối liền Sông Cầu với Quy Nhơn là lộ trình tuyệt vời để thưởng ngoạn đi trên đường nhìn xa xa, có thể thấy những đồi đá đen bao quanh là cát trắng. Cát xứ này trắng tinh như bột.

Dưới cái nắng chói chang của miền Trung, cát càng thêm trắng. Khách sẽ choáng ngợp với những bãi biển, làng chài đẹp như tranh vẽ... Có những vách đá cao thăm thẳm bên biển dập dìu sóng. Điểm nhiều du khách thường có thể dừng chân là Bãi Bàu, cách thành phố Quy Nhơn chỉ khoảng 15 km. Nếu nói đến biển hoang sơ và bình yên phải kể đến Bãi Bàu.

Khu vực này chưa được khai thác du lịch nhiều nên bãi biển còn giữ được nét đẹp tinh nguyên. Khách chỉ có thể đi chân trần trên cát để cảm nhận sự mịn màng dòng nước trong xanh mát lạnh. Đi hoài trên Bãi Bàu, trầm mình trong làn nước mát lành cả buổi vẫn chưa thấy đã. Ngược về hướng Tây, có những ngọn đồi thấp, lô nhô những ghềnh đá nhô ra biển, điểm xuyết những ngôi nhà gỗ. Đây là nơi cửa ngõ của Tây Nguyên nên nhà đầu tư đã cho xây dựng những ngôi nhà sàn kiểu Tây Nguyên...

Đến Quy Nhơn-Bình Định, du khách không thể bỏ qua chuyến tham quan và thắp hương cho nhà thơ Hàn Mạc Tử. Mộ của thơ nhân nằm trên đồi Gành Ráng. Muốn lên đó, khách phải qua dốc Mộng Cầm. Đây là vị trí ngắm thành phố đẹp nhất và cũng là nơi để du khách thả hồn với gió trăng... Cách đó không xa dưới chân đồi, về hướng biển là bãi đá trứng nổi tiếng: bãi tắm Hoàng Hậu...

Theo báo Cần Thơ

Du lịch balô Bình Định