Không có núi non như tỉnh An Giang không có biển rộng như tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh không có chợ nổi như Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang... Nhưng, đến Ðồng Tháp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, ruộng lúa phì nhiêu, cây trái ngọt lành, rừng tràm xanh ngút ngàn mát mắt và những di tích lịch sử văn hóa hấp dẫn của Nam Bộ

Thiên nhiên hào phóng, hệ sinh thái ngập nước dâng tặng con người biết bao tài nguyên quý gắn liền với môi sinh, môi trường mà Vườn quốc gia Tràm Chim, nằm trên địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp, là địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Ðây là mô hình thu nhỏ cảnh quan của vùng Ðồng Tháp Mười và là nơi sinh sống của sếu đầu đỏ - một loài chim quý hiếm cần được thế giới bảo vệ...
Rừng ngập nước đã dâng tặng và tạo điều kiện để nơi đây xây dựng một trung tâm bảo vệ chim hạc, còn gọi là sếu đầu đỏ cổ trụi, có giá trị kinh tế - khoa học và là địa điểm du lịch sinh thái lý thú.

Vườn quốc gia Tràm Chim có tổng diện tích tự nhiên hơn 7.313 ha, bao gồm năm xã, thị trấn của huyện Tam Nông. Ðây là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Ðồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 230 loài chim nước, trên 100 loài cá nước ngọt, hơn 190 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác...
Trong đó, có 32 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn như: Ngan cánh trắng, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích chòe lửa, ô tác, cò thìa, cò quắm, công đất, già đãi, giang sen, diệc, trích, rồng rộc vàng... Ðặc biệt, là loài sếu (hồng hạc) đầu đỏ, cổ trụi - những loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ...
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Tràm Chim còn lưu giữ và bảo tồn gần 3.000 ha tràm và gần 1.000 ha lúa trời, sen, súng, cỏ, năn... Ðây là điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống...

 Vườn quốc gia Tràm Chim còn đạt được bảy trong chín tiêu chuẩn của công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước. Ðây cũng là một trong tám vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam. Sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Ðông Dương!
Ðến Vườn quốc gia Tràm Chim du khách có thể du ngoạn bằng xuồng tới các đài quan sát, đầm sen, đầm súng, đồng năn, lúa trời, rừng tràm xanh mát mắt... và sẽ nghe tiếng chim hót trước bình minh. Tiếng quẫy đuôi đớp mồi của nhiều loại cá, cùng thưởng thức mùi hương đồng, cỏ nội bát ngát làm ngây ngất lòng khách lãng du...

Xuôi theo tuyến quốc lộ 30 đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh rồi từ đây vào kênh Hội đồng Tường rẽ vào con rạch ngoằn ngoèo, khách tham quan khu địa danh lịch sử sáng ngời truyền thống cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... Ðó là "căn cứ địa nhân tâm" Xẻo Quýt.
Khu rừng xanh mát mắt, hào phóng, những luồng gió mát trong lành, nằm gọn giữa khu đất trũng có nhiều cây tràm, gáo, đưng, sậy, sen, súng và dây leo bòng bong mang đặc trưng của Ðồng Tháp Mười.

Xẻo Quýt có cả hệ thống các di tích được bảo tồn và phục chế như: công sự chiến đấu và tránh bom đạn pháo, hàng rào mìn, chống bảo vệ các đường hầm bí mật, khu văn thứ, khu điện đài của Tỉnh ủy Kiến Phong đã bền bỉ lãnh đạo lực lượng vũ trang và đồng bào địa phương anh dũng đánh giặc suốt từ năm 1960 đến ngày giải phóng miền nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Ðường thủy từ xã Mỹ Hiệp đến căn cứ Xẻo Quýt chỉ chừng bảy cây số ngồi trên tắc ráng, khách có dịp thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình với nhiều vườn xoài, mận, táo, ổi, sơ-ri... trĩu quả nằm dọc hai bên bờ kênh...

Cạnh bên Xẻo Quýt là khu du lịch sinh thái Gáo Giồng! Nơi đây, có gần 2.000 ha rừng tràm và một quần thể 40 ha tập trung hơn 15 loài chim muông quý hiếm sinh sống, làm tổ và đẻ trứng; cùng với nguồn lợi thủy sản rất phong phú và đa dạng...

Du khách đến Gáo Giồng vào mùa nước nổi phù sa lắng đọng bởi lúa, cỏ hòa lẫn chất phèn, nước trong veo... nhìn rõ từng loại cá... bơi lội; lấy trứng kiến vàng làm mồi câu, rồi nhổ bông súng, hái bông điên điển... nấu canh chua ăn. Riêng dân nhậu, đến Gáo Giồng vào mùa lũ, nước lên ngập hết ruộng đồng, chuột, rắn không chỗ ẩn cư dồn hết lên gò... tha hồ mà bắt. Ðến khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng du khách sẽ được thưởng ngoạn không khí trong lành, sự yên tĩnh thoải mái của vùng quê... Rồi tìm tới khu sân chim, vườn cò để nghe tiếng hót véo von, lảnh lót... Hoặc lên trên các chòi, tháp cao hơn 20 m để nhìn toàn cảnh Gáo Giồng, một góc Ðồng Tháp Mười bát ngát, mênh mông.

Nếu rảnh, du khách tiêu khiển với việc câu cá giữa đồng năn và thưởng thức các món ăn đặc trưng của "đất rừng phương Nam" như: mắm kho bông súng, cá rô đồng kho tộ, cá gói lá sen nướng, cá hấp lá duối, chuột đồng quay lu, chuột đồng luộc cơm mẻ, rắn hầm tỏi, lẩu lươn... rồi nhấm nháp ly rượu mật ong tinh khiết để lắng lòng nghe mùi mẫn câu vọng cổ với loại hình đờn ca tài tử độc đáo...

Ðến tham quan khu di tích Gò Tháp có niên đại trên 1.500 năm, nằm trên lãnh địa huyện Tháp Mười, du khách hình dung như đến một ốc đảo xanh tươi, một viên ngọc bích giữa Ðồng Tháp Mười mênh mông.

Xuyên qua những tuyến kênh, rạch chằng chịt mang dấu vết của những dòng sông cổ, tủa đi các hướng... Diện tích Gò nối liền khoảng một cây số vuông. Gò Tháp tập trung đủ các loại hình di tích đình, chùa, tháp, miếu... trên bề mặt và nhiều loại hình khảo cổ còn tiềm tàng trong lòng đất. Cực nam di tích là Gò Tháp Mười cao ngất cách đó khoảng 100 mét về phía bắc là Tháp Cổ Tự hay Tháp Mười Cổ Tự.

Qua khỏi chùa, du khách đến Ðồn Trung (tức đại bản doanh) nằm khoảng giữa khu di tích. Mặt đồn bằng phẳng, dấu vết hào lũy còn in dấu rất rõ. Ðồn Trung cùng với Ðồn Tiền (Gò Bảy Liếp), Ðồn Tả (Gò Giồng Dung), Ðồn Hữu (Ðộng Cát) và các động ngoại vi ở Mộc Hóa, Cái Nửa, Doi Me... đã tạo thành căn cứ Ðồng Tháp Mười thời kháng chiến. Bằng lối đánh du kích, Thiên hộ Võ Duy Dương và Ðốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã làm giặc Pháp mất ăn, mất ngủ từ năm 1861 - 1866.
Hiện nay, ngôi mộ Ðốc binh Kiều vẫn còn, phía trước là đền thờ chung cho cả hai ông rất khang trang. Lần theo phía bắc là Miếu Bà Chúa Xứ, Gò Minh Sư - ngôi mộ bằng hợp chất ô đước, tương truyền là mộ Hoàng Cô - em gái vua Gia Long và hàng loạt tượng Phật, tượng thần bằng gỗ...

Về Ðồng Tháp, du khách còn nghe điệu hò Ðồng Tháp thật da diết, ngọt ngào trên những đồng sen bạt ngàn hay trên cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay và còn được xem nền văn hóa Óc Eo ở tả ngạn sông Tiền, thăm du tích kiến trúc cổ của chùa Kiến An Cung (chùa ông Quách), thăm Gò Quản Cung - Giồng Thị Ðam, Dinh Ðốc Binh Vàng thờ danh tướng Trần Văn Năng. Rồi tham quan vườn cò Mỹ An, bãi tắm An Hòa và độc đáo là làng hoa kiểng Tân Quy Ðông - Sa Ðéc, nằm cạnh con đường vành đai, với bốn mùa bao phủ những thảm hoa rực rỡ mà lâu đời nhất là vườn Hồng Tư Tôn...

Thăm những làng nghề truyền thống như: chiếu Ðịnh Yên, làng đóng xuồng Rạch Bà Ðài, làng dệt khăn choàng tắm Long Thuận, làng nuôi cá bè Hồng Ngự... hay thưởng thức các món ăn đặc sản quý hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh, bưởi Phong Hòa, nem Lai Vung, mận Hòa An, bánh phồng tôm Sa Giang, bánh pía Thùy Dương... để hiểu thêm con người và cuộc sống gắn bó rất lâu đời trên dải đất giàu - đẹp của Tổ quốc Việt Nam.

Theo BND