Xã Định Yên với nghề dệt chiếu lâu đời ở huyện Lấp Vò - Đồng Tháp còn hấp dẫn bởi việc họp chợ vào ban đêm nên còn gọi là chợ ma hay chợ âm phủ.

< Dưới bến, những chiếc ghe bầu chở đầy ắp lác, nguyên liệu chính để dệt nên tấm chiếu.

Sông nước Miền Tây chằng chịt xen lẫn vườn cây ăn trái trĩu quả, những cánh đồng lúa bạt ngàn mơn man; không chỉ đẹp bởi phong cảnh hữu tình mà còn đẹp bởi làng nghề truyền thống mà bà con vẫn gìn giữ và phát triển. Xã Định Yên với nghề dệt chiếu lâu đời ở huyện Lấp Vò – Đồng Tháp còn hấp dẫn bởi việc họp chợ vào ban đêm nên còn gọi là chợ ma hay chợ âm phủ.

< Lác được chuyển lên bờ về các xưởng sản xuất.

Quá nửa khuya, gió từ bến thuyền se se lạnh, ánh tù mù “vàng ệch” hắt lên khi mờ khi tỏ, bóng người thấp thoáng trải dài trên trảng cỏ đẫm sương. Đứng bên đây bờ, tiếng lao xao vọng về lẫn trong tiếng xào xạc lá rung như mời như gọi. Ngôi chợ đó ngày nay đã vắng bóng nhưng vẫn khắc sâu trong tâm trí người dân xứ chiếu.

< Lác sau khi nhuộm màu - phơi khô chuẩn bị dệt.

Chợ họp lúc khuya lắc khuya lơ cũng có lý do của nó, ban ngày bà con bận bịu việc đồng áng hoặc miệt mài dệt chiếu đến tối mới rảnh rỗi và có chiếu bán.

< Cuộn trân - nguyên liệu thứ hai để dệt chiếu.

Thương thuyền ghe lái cũng thế, ban ngày buôn bán nơi khác tối về buông sào neo lại để mua mà việc này cũng tùy thuộc theo con nước lên xuống nữa.

< Kho nguyên vật liệu và thành phẩm.

Khi màn đêm buông xuống, cơm nước xong, chiếu trên vai, tay bó đuốc, không thì ngọn đèn dầu lạc, đèn mù u bánh ú tong tả xuống bến, bán bán mua mua.

< Cặm cụi từng cọng lác.

Đặc biệt việc mua bán chỉ diễn ra độ 2 giờ và cũng khác những nơi khác, đó là người mua thì tìm một chỗ ngồi, người bán thì ôm chiếu đi qua đi lại rao hàng nói giá. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng, người mua mặc cả cù cưa đôi câu, người bán thì: “Thôi bán luôn rồi dzìa nghỉ sớm”.

< Bên khung dệt, chiếc chiếu hoa dần thành hình.

Nguyên liệu chính làm chiếu là lác và trân. Cọng lác (cói) dài 1,6 – 2 mét màu trắng ngà hoặc nhuộm màu đỏ, vàng, xanh, tím…

< Chiếu thành phẩm với các hoa văn trang nhã.

Sợi trân làm từ cây đai (bố) sau khi lột vỏ cạo sạch phơi khô rồi se nhỏ, quấn thành từng cuộn dùng để dệt chiếu. Nghề này tưởng dễ nhưng cũng phải có bí quyết nghề và kinh nghiệm.

< Sau công đoạn dệt đem phơi cho ráo.

Để tạo nên tấm chiếu chắc bền, hoa văn trang nhã không phải việc giản đơn, phải lựa chọn kỹ từ khâu mua lác đến công đọan nhuộm màu sao cho bền, không dính vào quần áo người sử dụng.

< Chở chiếu đi bán – phía xa thương lái í ới gọi mua.

Người dệt chiếu cũng phải sáng tạo, phối hợp màu sắc hài hòa, tạo nên những chiếc chiếu in hình bông trái, ô cờ, vảy ốc, trà niên đã làm nên tên tuổi chiếc chiếu Định Yên tự bấy lâu nay.

< Soi đèn lựa chọn thật kỹ rồi mới ra giá.

Xưa công việc dệt chiếu thô sơ, dệt tay cực nhọc trăm bề, nay phần lớn đã chuyển sang dệt bằng máy, nhanh hơn, bền chặt hơn, thu nhập của bà con cũng cao hơn và sản phẩm chiếu đã xuất sang các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia và ngày càng vươn xa hơn nữa.

< Chiếu Định Yên sẽ được đi đến các vùng bằng những chiếc ghe bầu.

Nghề dệt chiếu qua bao thăng trầm nhưng bà con vẫn gìn giữ và ngày càng phát triển. Cho dù chăn – ra – gối – nệm thơm thơ nhưng mùi ngai ngái nồng nàn của cỏ cây, của hương đồng gió nội vẫn quyện trong mỗi chiếc chiếu như tấm lòng đôn hậu của bà con làng chiếu Định Yên.

Du lịch, GO! - Theo Petrotimes