Tiếp theo - Qua được chỗ đường sạt, đi một đoạn nữa lại leo lên một con dốc dài khủng khiếp lổn nhổn đá, tôi không giám dừng lại để chụp anh vì dừng lại là ngã ngay mà tôi rất sợ ngã ở giữa dốc vì sẽ bị trượt xuống dưới và nguy hiểm.

< Mãi rồi cũng lên được đến đỉnh dốc, đánh liều dừng lại chụp 1 bức ảnh.

Sau đó tôi lên xe đi tiếp, đến giữa dốc thì nước ở khe bắt đầu chảy tràn ra giữa đường, lòng đường lổn nhổn đá và đầy nước như dưới lòng suối, những hòn đá thì mọc rêu xanh rì và trơn thôi rồi.
Và rồi Oạch, Rầm một cái bánh trước xe tôi văng sang một bên và cả người lẫn xe đổ ra giữa đường. Cũng may hai bên đều là vách núi nên không có gì nguy hiểm.

Lúc tôi dừng lại chụp ảnh thì A Chư đã chạy vọt lên phía trước, không hiểu sao cậu ta phóng ào qua chỗ suối cạn này mà không gặp vấn đề gì rồi biến mất hút phía chân dốc. Tôi gọi mãi mà chẳng thấy cậu ta quay lại, chắc phóng nhanh quá không nghe thấy gì. Tôi quay lại với chiếc xe, cố gắng nhấc nó lên nhưng vô hiệu.

Tôi vận dụng đủ mọi phương pháp nâng xe đã được biết để cố nâng xe dậy nhưng chỉ nâng được đến ngang đầu gối là chịu không đẩy xe lên được vì đường vừa dốc, vừa trơn, không có chỗ để đứng. Tôi thở hồng hộc bất lực đứng nhìn chiếc xe nằm chình ình giữa đường hi vọng A Chư không thấy tôi sẽ quay lại tìm.
Phải đến gần 5 phút sau, tôi mới thấy A Chư hớt hơ hớt hải phóng ngược xe lại tìm tôi. Mừng quá, tôi và A Chư cùng nâng chiếc xe dậy, nghỉ một lúc rồi lại nổ máy tiếp tục lên đường.

Chạy thêm một đoạn nữa, lại leo lên một con dốc dựng đựng rồi lại tụt xuống thăm thẳm, A Chư ra hiệu cho tôi là đã sắp tới Làng Nhì.
Đường vào Làng Nhì đây rồi (ảnh chụp phía sau lưng), phía dưới là rừng xanh bạt ngàn rất đẹp.

Rừng rậm bạt ngàn, phía dưới dốc là Làng Nhì, thấp thoáng những ngôi nhà bằng gỗ pơ mu.

< Phía dưới dốc là Làng Nhì, thấp thoáng những ngôi nhà bằng gỗ pơ mu, con dốc này ở vị trí rất cao so với trung tâm Làng Nhì.
< Nhà A Chư nằm ở ngay đầu bản. Nhìn cái dốc để lên nhà cậu ta mà phát khiếp. Có cho tôi vài triệu tôi cũng không dám phi xe lên đó. Vậy mà nhoắng một cái A Chư đã phi con Win Tàu lên nhà ầm ầm.
< Tôi đành bảo với A Chư, thôi xe anh để dưới đường cũng được, không mất trộm đâu mà sợ.

Tôi tháo đồ đạc mang vào nhà của A Chư. Vào đến nhà thấy một cu em đang thổi lửa không biết nấu nồi gì, đây là cậu em ruột của A Chư. Có một cô bé con chắc được hơn một tuổi đang chơi trong nhà, con gái của A Chư.

Tôi thay quần áo, sắp xếp đồ đạc gọn ghẽ rồi ngồi uống nước, nghỉ ngơi một lúc rồi xin phép A Chư đi dạo một vòng quanh bản.
Nhà của A Chư được làm theo kiểu truyền thống của người Mông ở Tây Bắc. Ngôi nhà nền đất được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu, mái cũng lợp bằng gỗ pơ mu.
Nhiều ngôi nhà xung quanh thì đã làm cả bằng tấm lợp phibro vì giờ lấy đâu ra gỗ pơ mu để làm mái nữa.
Phía sau nhà là bể nước, nước được lấy từ khe đá tít trên đỉnh núi rồi dẫn bằng ống cao su về đây, nước rất trong và mát.

Việc đầu tiên tôi phải làm là tìm cách gọi điện thoại về nhà để báo cho gia đình biết ngày mai tôi mới về. Ở Làng Nhì chỉ duy nhất có một chỗ có thể bắt được sóng điện thoại di động, đó là một cái đỉnh núi cao chừng 70m so với mặt đường, có một lối đi nhỏ để lên.

Bà con và các cán bộ, giáo viên muốn gọi điện thoại di động đều phải lên trên đó gọi, bên phải đỉnh này là vực rất sâu, cỡ 200m, 300m gì đó, phía dưới là rừng nguyên sinh um tùm.

Tôi cẩn thận dò dẫm từng bước trèo lên đỉnh núi. Vốn cũng không phải là người quen với độ cao nên chân cũng khá run.

Mỗi bước chân ở trên cao thế này, nhìn cảnh vật ở phía dưới chuyển động rất nhanh nên dễ gây hoa mắt chóng mặt, tốt nhất là không nhìn xuống phía dưới. Cuối cùng thì tôi cũng trèo lên tới đỉnh và rút điện thoại ra để bắt sóng.
< Cũng phải đợi khoảng 30 giây thì mới bắt được một chút sóng của Viettel.

Độ cao ở đây là 1.215m - Sóng cũng khá là chập trờn, tôi phải bật speaker lên thì mới nghe rõ được. Tôi gọi điện về nhà thông báo mình vẫn an toàn, đang ở Làng Nhì và ngày mai mới về, sau đó gọi cho vài người bạn thân tán phét ba lăng nhăng và báo là tôi đã đến nơi an toàn để mọi người yên tâm và trong trường hợp có gì bất trắc còn biết đường mà tìm kiếm.

< Đứng trên này nhìn xuống mới thấy con dốc vào Làng Nhì thật là khủng khiếp, nếu mà mưa thì khỏi đi đâu luôn.
< Nhà này có mấy cô bé đang ngồi cười đùa rôm rả, mấy cô bé thấy tôi đi qua trêu tôi rồi cười ngả nghiêng với nhau. Con gái Mông ở đây xinh ra phết.

Đang lang thang thì gặp một anh Mông đi mua rượu về, anh ta rất nhiệt tình mời tôi vào nhà chơi. Vào trong nhà, ngồi dưới bếp lửa nói chuyện, anh này tên là Chống, là công an viên của thôn, năm nay 30 tuổi, đã có 3 con. Ngồi nói chuyện hỏi han một lúc thì có 2 cô gái và 1 anh to béo đi đến, vào nhà và ngồi chơi nói chuyện. Thì ra ba người này là giáo viên cắm bản, hôm nay mới từ Văn Chấn lên đây để khai giảng cho học sinh lúc sáng.

Hai cô giáo này đều chưa có gia đình, một cô còn rất trẻ, chắc là mới ra trường, thày giáo kia thì cũng chưa có vợ. Giáo viên lên đây cắm bản cũng là tương đối vất vả, tuy nhiên còn sướng hơn nhiều giáo viên trên Chế Tạo hay giáo viên cắm bản trên Nhĩ Cù San mà có lần tôi đã tới.
Nhà anh Chống này có một con ngựa đen rất đẹp, nhìn mê luôn. Có con này mà cưỡi đi chơi rừng thì tuyệt vời. Ngồi nói chuyện, uống nước một hồi thì tôi xin phép về nhà A Chư vì trời cũng đã tối.

Về đến nhà, tôi đã thấy mọi người đi làm nương về, có vợ A Chư, một cô em gái, một cậu em trai nữa. A Chư ở đây với bố mẹ, hôm nay bố mẹ cậu ngủ lại nương luôn, không về nhà.
< Cô em gái của A Chư khá xinh, đã học xong, theo lời A Chư thì cậu ta chuẩn bị cho cô bé về Hà Nội học giáo viên mầm non, tôi đùa là kiểu này chắc nó sẽ lấy chồng Hà Nội, còn lâu mới về quê.

Tôi cũng đi ngó nghiêng trong nhà xem có gì hay ho không, tính xấu của tôi là vậy.
Có 2 cái khèn treo trên vách nhà, A Chư bảo của các cụ ngày xưa dùng để tán nhau, thanh niên Mông bọn em bây giờ không dùng khèn để tán gái nữa rồi, toàn lôi nhau đi chơi thôi.
Có mấy cái bẫy thú treo trên vách, phía trên chiếc giường trong góc nhà có treo rất nhiều bằng khen và ảnh Bác Hồ, đúng là nhà Bí Thư Đoàn có khác.

Ở một góc khác có treo mấy búi sợi lanh, thì ra ở đây người ta vẫn tự trồng lanh để dệt vải, có điều họ không tự dệt nữa mà mang xuống huyện thuê người dệt.
Tôi còn thấy trên gác xép lấp ló báng gỗ của mấy khẩu súng kíp, phía dưới là một chiếc túi khoác rất đặc biệt vì được làm bằng nguyên một bộ lông chồn khâu rất công phu, cả phần đầu và mõm của con chồn là chiếc nắp túi. A Chư bảo đó là túi đựng đồ để bắn súng kíp.

Tôi hỏi A chu có cho tôi xem mấy khẩu súng kíp được không, A Chư bảo anh là nhà báo, không cho xem được đâu. Tôi buồn cười quá, cũng không cố nài ép và không chụp ảnh mấy khẩu súng nữa. Sau đó A Chư đi ra ngoài bắt đâu một con gà về và làm thịt.

< A Chư đang chặt thịt gà, đúng là người Mông rất hiếu khách, đã cho tôi ngủ nhờ còn đi bắt gà về thịt đãi tôi, thật là áy náy quá.

Có một điều lạ là ở Pa Cư Sáng cũng như ở Làng Nhì này là tôi toàn thấy đàn ông vào làm bếp nấu nướng, mà họ làm rất nhanh và khéo. Tôi đứng soi đèn cho A Chư làm thịt gà nhoắng phát là xong, cho vào nồi luộc. Nhớ hôm ở bến Thân, tôi đánh vật với con ngan mất một tiếng đồng hồ mới làm xong vì bác Đích gái không biết làm thịt ngan. Có vẻ như việc nấu nướng là việc dành cho đàn ông thì phải.
Tranh thủ mọi người đang tập trung cơm nước, tôi ra sân tắm một phát cho mát mẻ. Nước khe lạnh tê người nhưng tắm xong thì rất sướng và tỉnh táo, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Khi tôi tắm xong thì mọi người cũng đã sắp cơm ra và chuẩn bị đánh chén.

Tất cả cùng nâng ly với rượu ngô. Có một món ăn mà người Hà Nội chắc chỉ có ai đã từng sống trong thời kỳ bao cấp mới được ăn, đó là cơm độn ngô. Tuy nhiên cơm độn ngô ngày xưa tôi ăn là cơm gạo kho, đen sì sì và sặc mùi hôi của ẩm mốc, mọt và cứt gián còn cơm hôm nay thì ngon hơn rất nhiều.
Vừa đưa ly rượu lên uống thì sấm sét đánh đùng đùng và trời đổ mưa, thôi bỏ mẹ rồi, không khéo lại ở lại đây một tuần nữa mới về thì chết. nhưng dù sao đã đến đây rồi, cứ đánh chén no say đã rồi tính sau.
Tôi và gia đình A Chư ăn uống vui vẻ đến khuya rồi mọi người cùng dọn dẹp và đi ngủ, rất may lúc đó thì trời đã tạnh mưa, thế là tôi yên tâm lôi túi ngủ ra, chui vào đánh một giấc thật sâu để sáng hôm sau còn lên đường đi Phình Hồ và về Hà Nội.


Còn tiếp
Battramdao - Phuot.com

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần cuối