Các điểm du lịch, "picnic" ở Nhà Trang, Đà lạt, Hội An hay Sa Pa nay đã quá quen thuộc. Cư dân ở nhiều địa phương đã tự khai thác các "tour" dã ngoại đầy thú vị cho mình.

Anh Tiến, một cư dân ở thị trấn Ba Ngòi (thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà), cũng là hàng xóm của anh họ tôi, hỏi: "Chú thích đi dã ngoại ra đảo hoang không?". Tôi ngạc nhiên, không lẽ ở Ba Ngòi có các "tour" du lịch đi ra đảo? Đoán được ý nghĩ của tôi, anh giải thích: "Đây là "tour" độc, làm gì có công ty nào khai thác được. Tự mình tổ chức đi với nhau thôi".

Chiều tối hôm trước chuyến đi tôi đã nghe anh điện thoại thuê ghe. Chiếc ghe có sức chứa ít nhất 30 người, cùng với thức ăn, nước uống và các vật dụng cần thiết cho một cuộc vui chơi đi về trong ngày. Vợ anh Tiến là chị Hoa, từ trưa đã dẫn đầu một nhóm các chị các cô đi chuẩn bị thực phẩm, thức uống. Chị Hoa nói: "Mình phải chuẩn bị mọi thứ chứ đảo hoang chẳng có dịch vụ gì".

Sáng cuối tuần, hơn 20 người tụ tập lại. Những chuyến xe ba gác máy lần lượt chở đồ đạc tập kết xuống bến tàu ở khu vực Đá Bạc. Nhờ anh Tiến có quen biết, và đây cũng không phải lần đầu đi chơi kiểu này, nên ghe chúng tôi được xuất bến sau gần một giờ xem xét thủ tục.

Vịnh Cam Ranh biển lặng, ghe chạy với tốc độ nhanh, gió lồng lộng thổi và nền trời rất cao, xanh. Khoảng 50 phút sau chúng tôi đặt chân lên "đảo Bình Tiên" theo cách gọi của dân địa phương.

Một bãi biển dài cát trắng mịn không hề thấy dấu chân người. Một bãi biển sạch và nước biển xanh trong vắt. Ngâm mình trong làn nước biển mát rượi với cảm giác thư thái hoàn toàn, không hề bị những người bán hàng rong hay những người lạ quấy nhiễu.

Trên đảo có dựng sẵn một cái chòi, không biết từ bao giờ, nên thuận lợi cho các đoàn đi dã ngoại có chỗ sinh hoạt và nghỉ ngơi. Các chị bắt tay vào dọn chỗ, nấu nướng chuẩn bị bữa ăn trưa. Rác rến được thu gom lại đưa lên ghe để chiều chở về đất liền.

Một thuận lợi khác là trên đảo có một nhà dân nên không thiếu nước ngọt. Đến lúc này anh Tiến mới giải thích: "Gọi nơi đây là đảo nhưng thực ra nó chỉ là... phần nhô ra của đất liền. Có đường bộ ra đây nhưng không thú vị bằng đi đường biển. Muốn đi tiếp, còn có một số đảo tách biệt hẳn khỏi đất liền, không hề có nhà dân, mỗi chuyến đi dã ngoại ra đó đều phải mang theo nước ngọt để tắm".

Những đảo mà anh Tiến dẫn đầu đoàn đi dã ngoại đã đặt chân đến, như đảo Dừa (trồng rất nhiều dừa), đảo Ngọc Sương (công ty Ngọc Sương mua đất trên đảo mở quán ăn đặc sản phục vụ du lịch), đảo Ông già (chỉ duy nhất có một hộ dân cư trú mà chủ hộ là một ông lão)...

Bữa ăn trưa diễn ra với không khí của một buổi liên hoan, sôi nổi và đầy hào hứng. Những lo toan thường ngày đã được gác sang một bên nhường chỗ cho các tiết mục ca hát, nhảy múa tập thể trẻ trung và sôi động.

Vài năm trở lại đây, những chuyến đi chơi ra các đảo hoang đã trở thành một trào lưu đối với cư dân tại Ba Ngòi. Thậm chí, có những đoàn khách quen từ TP.HCM và một số tỉnh đến cũng nhờ anh Tiến tổ chức và tham gia những chuyến đi: "Họ thích thú vì cách đi dã ngoại như thế mới lạ và mang lại cảm giác sảng khoái thực sự. Chi phí mỗi chuyến đi như thế chỉ khoảng vài ba triệu đồng, đối với họ là quá rẻ", anh Tiến nói.

Mỗi chuyến đi anh Tiến lại giới thiệu một đảo hoang mà không dễ mấy ai đã được đặt chân đến, do đó tôi còn có cái cảm giác thú vị của người có cơ hội khám phá những điểm đến hoang sơ.

Theo THẨM HỒNG THUY - Lao Động Cuối tuần