Vị trí địa lý: phía bắc giáp tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia trên chiều dài biên giới 137,5 km, phía nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh. Dù xếp vào vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng Long An là phần đất chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, nên địa hình có xu hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam. Phía bắc và đông bắc tỉnh có một số gò đồi thấp; giữa tỉnh là vùng đồng bằng và phía tây nam tỉnh là vùng trũng Đồng Tháp Mười, trong đó có khu rừng tràm ngập phèn rộng 46.300 ha.

Địa hình Long An bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông và kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài lên tới 8.912 km, trong đó lớn nhất là sông Vàm Cỏ Đông chảy qua Long An.

Long An hấp dẫn khách du lịch chủ yếu do giá trị nhân văn của nền văn hoá Óc-Eo, một nền văn hoá đã hình thành và phát triển trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên do tiếp nhận tinh hoa văn hoá Ấn Độ. Gần 20 di tích tiền sử và gần 100 di tích văn hoá Óc Eo đã được phát hiện với 12.000 hiện vật đã thu thập. Ngoài ra Long An có trên 40 di tích lịch sử cách mạng, công trình kiến trúc và danh lam thắng cảnh quan trọng như: cụm di tích Bình Tả (Đức Hoà), di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (thị xã Long An), di tích đồn Rạch Cát, ngôi nhà trăm cột...

Đi đâu, chơi gì?

Cần Đước

Cần Đước là huyện trọng điểm lúa gạo, giống lúa Nàng Thơm được nhiều nơi trong cả nước trồng. Nhưng thơm ngon nhất là Nàng Thơm Chợ Đào (xã Mỹ Lệ). Cơm gạo Nàng thơm ăn với cá bống kèo kho tộ là đặc sản địa phương.

Cần Đước cũng được xem là một trong nhừng cái nôi của đờn ca tài tử, hiện ở đình Vạn Phước có thờ linh vị của ông Nguyễn Quang Đại một nhạc quan triều đình nhà Nguyễn, trên đường xuôi Nam đã dừng chân tại Cần Đước chỉnh lý, sáng tác các bài bản tổ của nhạc lễ, nhạc tài tử và truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò lưu truyền các đời sau như nhạc Giai, nhạc Láo nổi tiếng...thành ngữ phổ biến ở lục tỉnh nam kỳ "Đờn nhứt xứ, võ vô địch" là để xưng tụng người Cần Đước xưa hào hoa và nghĩa hiệp.

Ngoài ra, Cần Đước còn có các nghề thủ công như dệt chiếu ở Long Cang Long Định, chạm bạc ở Phước Vân, chạm gỗ ở Tân Lân, đóng ghe ở Long Hựu, Tân Chánh. Cho đến ngày nay những nghề thủ công trên vẫn được bảo tồn còn có bước sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm thủ công xuất khẩu,mới đây, một nhóm thợ đóng ghe Cần Đước được mời sang Hàn Quốc làm chuyên gia đóng tàu gỗ nhỏ.

Cần Giuộc

Nằm ở vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ, Cần Giuộc có nhiều bãi bồi với các loại cây nước mặn như đước, tràm, sú, vẹt... Từ những sản vật trên những bãi bồi, người dân địa phương chế biến thành những món ăn dân dã mà đặc sắc, có dịp ăn một lần sẽ nhớ đời, đặc biệt nhất là mắm còng mùng năm. Mắm còng có hai loại, mắm còng sữa nguyên con và mắm còng mặn. Mắm còng mặn màu đen, mùi khá nồng dùng để làm nước chấm ăn với các món cuốn. Mắm còng mặn không có màu sắc bắt mắt bằng mắm tôm chà Gò Công nhưng vị ngon thì không hề kém cạnh.
Trong bữa tiệc của gia đình, chén mắm còng đặt cạnh dĩa bún trắng, cá lóc nướng trui và dĩa thịt ba rọi xắt mỏng thì sẽ nhanh chóng trở thành “tâm điểm” hấp dẫn. Người dân địa phương dùng mắm còng mặn kèm với nhiều món ăn khác như... thịt vịt luộc chấm mắm còng. Mắm còng sữa nguyên con được bắt đúng vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch lại là món ăn đặc biệt, chỉ có khách quý mới được mời. Mắm còng sữa không chỉ dùng để ăn kèm với thịt luộc, chuối chát rau thơm mà còn là thức ăn tuyệt vời với... cơm nguội.

Đến Cần Giuộc, hỏi mua “đặc sản”, bạn sẽ được giới thiệu món lạp xưởng được làm bằng ruột heo tươi. Đây là một sản phẩm truyền thống của vùng đất này. Khách đến Cần Giuộc vào mùa tết thường mua rất nhiều lạp xưởng mang về làm quà cho người thân.

Lạp xưởng Cần Giuộc nổi tiếng ngon bởi vì người ta đã chọn những miếng thịt heo nạc, tươi và còn nóng ngay sau khi mổ đem xay, ướp. Nếu sành ăn, khách có thể mua được loại lạp xưởng ngon nhất- đó là loại được lấy ruột từ những con heo trên dưới 80kg, cạo mỏng như một lớp nylon để làm bao ngoài. Đặc biệt lạp xưởng ở đây được sấy chứ không phơi- người làm lạp xưởng phải canh lửa riu riu từ 10-12 tiếng để lạp xưởng khô đều và dẽ lại, nhờ vậy, lạp xưởng Cần Giuộc ngon và để được rất lâu, không bị pha mùi dầu.

Đức Hòa — Đức Huệ

- Khu di tích khảo cổ học Bình Tả , xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa , tỉnh Long An, nằm về hướng đông bắc thị xã Tân An, cách Tân An 40 Km theo lộ trình Tân An- Bến Lức- thị trấn Đức Hòa và nằm cách tỉnh lộ 824 (tình lộ 9 cũ) tám trăm mét về phía đông.

- Di tích Gò Xoài : là một di tích kiến trúc xây bằng gạch , có dạng gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 20 mét, nền móng của kiến trúc có cấu tạo rất chắc chắn và phức tạp , gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như cuội basalt (badan), sỏi đỏ, cát trắng, cát hồng… Kiến trúc Gò Xoài có hố thờ hình vuông ,cạnh 2,2 mét; sâu trên 2,5 mét, ở gần đáy hố thờ đã phát hiện được tro xương và một sưu tập hiện vật quý giá gồm nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng khắc chạm hình những linh vật như rùa, rắn, voi, những chiếc nhẫn và mề đay nạm đá quý và một bản văn minh Sanskrit-Pail gồm 5 dòng : dòng thứ nhất ghi một đoạn Pháp Thân Kệ, dòng thứ hai ghi một đoạn Kinh Pháp Cú (cả hai đoạn minh văn trên đều thuộc về Phật Giáo), dạng mẫu tự trên minh văn này được nhận định thuộc loại mẫu tự Nam ấn ( Deccan ), thếkỷ VIII-IX Công nguyên. Qua phát hiện trên, kiến trúc Gò Xoài được nhận định là một di tích stupa của Phật Giáo, có niên đại sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Di tích Gò Năm Tước : là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, dài 17,20 mét; rộng 11,10 mét, phần trên của kiến trúc đã bị mất nhưng ở phần nền móng còn giữ được những đặc điểm của kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo như cấu trúc bẻ góc, các đường móng gạch rất thẳng, tam quan hình bán nguyệt hướng về phía đông là cơ sở để nhận định đây là một kiến trúc đền thờ Ấn Độ Giáo
Nhìn chung, khu di tích Bình Tả là một cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc văn hóa Óc Eo

- Di tích Gò Đồn : là loại kiến trúc đền tháp xây bằng gạch , chiều dài đông- tây 78,5 mét; chiều ngang chỗ rộng nhất đo được 60 mét (chiều bắc- nam), toàn bộ kiến trúc trước khi khai quật đều nằm trong lòng đất , chỗ gần mặt đất nhất là 0,4 mét. Cuộc khai quật đã thu thập được nhiều hiện vật bằng đá như tượng thần Dvarapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesa (phúc thần), nhiều vật thờ như linga, yoni, mi cửa chạm trổ hoa văn hình hoa lá, máng dẫn nước thiêng (somasutra)và nhiều đồ gốm cổ

Châu Thành
Cụm vườn Thanh Long Châu Thành: Khoảng 5km (3 miles) xuôi về phía Nam thị xã Tân An là huyện Châu Thành, huyện nổi tiếng về trái thanh long và dưa hấu. Thanh long là loại trái cây đặc sản được trồng phổ biến ở vùng này, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Cành Thanh long được thả leo trên cây dông uốn mình như những con rồng xanh ngậm quả chín mọng đỏ rất hấp dẫn khách tham quan và thưởng thức nét đẹp của vườn cây, vị ngọt mát của loại trái cây này...

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười

Ngược dòng sông Vàm Cỏ Tây, thuyền du lịch sẽ đưa du khách đến trung tâm Đồng Tháp Mười, vùng du lịch sinh thái đặc trưng của vùng đất trũng Nam Bộ, cách Tân An khoảng 50 km (31 miles) thuộc các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh.

Đến đây du khách tận mắt nhìn thấy những cánh rừng tràm bạt ngàn, thoang thoảng hương thơm với từng đàn ong mật lượn quanh, những cánh đồng sen rộng lớn với muôn vàn đóa hoa sen khoe sắc dưới ánh nắng. Có nhiều loại động vật quí hiếm đang được bảo vệ tại vùng Đồng Tháp Mười như: Cò, Sếu đỏ, Rùa, Rắn... làm tăng vẻ đẹp vùng sinh thái. Đặc biệt khách có thể thưởng thức các món ăn Nam Bộ như canh chua bông điên điển, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui chấm muối ớt với vài ly rượu đế đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ.

Vườn hoa kiểng Thanh Tâm

Vườn hoa nằm tại trung tâm thị xã Tân An, là vườn hoa cây kiểng bon sai nhiều loại, có loại trên 100 tuổi. Nhiều loại cây đạt huy chương vàng hội chợ hoa xuân các tỉnh phía Nam. Với tài nghệ của các nghệ nhân, các kỳ quan thế giới được thu nhỏ trong vườn: núi Phú Sĩ, đền Angco, Kim Tự Tháp, thành nội Huế...

Lễ Cầu Mưa

Những năm hạn hán nhân dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp của Long An thường tổ chức cầu mưa, tế lễ trời đất, mong thần linh ban cho mưa xuống. Lễ cầu mưa có hai phần: phần lễ theo nghi thức truyền thống và phần hội là các cuộc đua ghe trên sông rạch, cũng có nơi làm lễ rước rồng. Sau khi đua ghe, dân chúng kéo về đình làng làm lễ cúng thần linh và tổ chức ăn mừng vui chơi.

Các di tích lịch sử trên đất Long An

Di tích nhà trăm cột tại Huyện Cần Đước Long An
Di tích lịch sử Chùa Tôn Thạnh — Xã Mỹ Lộc — Cần Giuộc
Chùa Phước Lâm tại Xóm chùa Tân Lân huyện Cần Đước
Di tích lịch sử Bình Thành huyện Đức Huệ
Di tích nghệ thuật đình Vĩnh Phong thị trấn Thủ Thừa
Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa xã hưng điền A, Vĩnh Hưng
Di tích lịch sử Ngã Tư Đức Hòa huyện Đức Hòa
Di tích lịch sử ngã tư Rạch Kiến huyện Cần Đước
Lăng Mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức cách Tx Tân An 3.5km về phía Tây
Di tích lịch sử và khu lưu niệm Nguyễn Thông huyện Châu Thành
Di tích khảo cổ học Rạch Núi huyện Cần Giuộc
Di tích Vàm Nhựt Tảo huyện Tân Trụ
Di tích lịch sử Nhà và Lò Gạch Võ Công Tồn huyện Bến Lức
Di tích khảo cỗ học Bình Tả huyện Đức Hòa.

Theo Chudu24